Tạo bứt phá cho nông nghiệp trước thách thức của biến đổi khí hậu và gia tăng dân số
(Tài chính) Việt Nam đã có Kịch bản biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng do Bộ Tài nguyên và môi trường công bố năm 2012 và Dự báo dân số Việt Nam đến năm 2020 và năm 2060 của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình công bố năm 2009.
Theo kịch bản phát thải trung bình thì đến cuối thế kỷ XXI, nhiệt độ trung bình năm tăng từ 2 đến 30C trên phần lớn diện tích cả nước và mực nước biển dâng trong khoảng từ 57 đến 73cm. Theo phương án duy trì mức sinh thấp hợp lý, quy mô dân số của nước ta sẽ là 99,6 triệu người vào năm 2020 và 114,8 triệu người năm 2050. Dân số ngày càng tăng, khí hậu ngày càng khắc nghiệt là những thách thức rất lớn đối với nền nông nghiệp nước ta.
Mới đây, khi cùng với Ủy ban Tài chính - Ngân sách đi khảo sát thực tế một số mô hình xây dựng nông thôn mới ở đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long và Bắc Trung bộ chúng tôi đã thấy những ảnh hưởng nhãn tiền của biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của nông dân. Khi tiếp xúc cử tri ở tỉnh Cà Mau, bà con vẫn luôn bức xúc trước tình trạng xâm nhập mặn ngày càng tăng, chất lượng cây giống, con giống chưa đáp ứng yêu cầu kháng bệnh, sản lượng cao... Đa dạng hóa nông nghiệp để thích ứng với biến đổi khí hậu và gia tăng năng suất trong nông nghiệp đòi hỏi phải có các loại giống cây, con đa dạng và phương pháp canh tác, nuôi trồng hiện đại.
Các luật về khoa học và công nghệ, công nghệ cao do Quốc hội ban hành, các chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, khoa học, công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015, chiến lược phát triển khoa học và công nghệ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2013 - 2020 của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tạo thuận lợi cho nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học, công nghệ trong nông nghiệp. Đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp cũng luôn được chú trọng.
Nhờ đó, trong giai đoạn 2001 - 2010, khoa học và công nghệ ước tính đã đóng góp vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp khoảng 35%, làm tăng sức cạnh tranh và giá trị của sản phẩm nông nghiệp, góp phần tạo thêm ngành nghề mới, việc làm mới ở nông thôn, xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa theo hướng hiện đại và bền vững. Tuy nhiên, do nền nông nghiệp ở nước ta chủ yếu vẫn là kinh tế hộ, ruộng đất bị chia nhỏ, sản phẩm ít nên bà con chưa thật sự quan tâm đến tổ chức sản xuất, các mô hình liên kết bốn nhà, áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đầu tư cơ giới hóa nên hiệu quả sản xuất nông nghiệp còn hạn chế và nhiều rủi ro.
Đối với Việt Nam, vốn đang đối mặt với tình hình khí hậu khắc nghiệt khó lường, đa dạng hóa sản phẩm và thị trường là giải pháp kinh tế và giải pháp sinh thái tốt nhất cho người nông dân, cho môi trường. Canh tác bằng công nghệ sinh học sẽ ngày càng phổ biến. Tuy còn nhiều tranh cãi về mức độ an toàn của thực phẩm biến đổi gene nhưng trong tương lai, kỹ thuật di truyền biến đổi gene có khả năng tạo ra những giống cây trồng có khả năng thích ứng tốt hơn với sâu bệnh, hạn hán và những vấn đề môi trường do biến đổi khí hậu gây ra.
Vai trò của ngành thủy sản trong đáp ứng nhu cầu thực phẩm ngày càng tăng với xu thế tăng sản lượng gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong sản xuất ngư nghiệp và thủy hải sản. Do đó, cần đẩy nhanh quá trình đổi mới và phổ biến công nghệ ngay từ bây giờ. Các chính sách, thể chế và công nghệ phù hợp sẽ thúc đẩy phát triển một nền kinh tế thân thiện với môi trường. Nhiều chuyên gia cho rằng giai đoạn suy thoái kinh tế chính là cơ hội để tái cơ cấu nền kinh tế, thời cơ để đầu tư đổi mới công nghệ vì tỷ suất hoàn vốn từ đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ vào khoảng 20 - 30%, cao hơn nhiều so với đầu tư vốn.
Bây giờ, với thu nhập bình quân đầu người khoảng 2.000 USD, chúng ta đã vượt qua được ngưỡng quốc gia có thu nhập thấp để tham gia nhóm nước có thu nhập trung bình. Như vậy, mô hình phát triển cũng phải được cập nhật, chuyển từ trợ cấp để ứng dụng khoa học công nghệ, nhập khẩu trí thức và công nghệ nước ngoài sang áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất thân thiện với môi trường, khuyến khích đầu tư vào công nghệ, cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư trực tiếp của nước ngoài, tăng cường mối liên kết giữa các tổ chức nghiên cứu, khu vực tư nhân và các cơ quan hoạch định chính sách của nhà nước.
Trong hoạch định chính sách vĩ mô dài hạn chúng ta thường gặp nhiều rủi ro do các dự báo về dân số, khoa học công nghệ, thị trường, biến đổi khí hậu hoặc thiếu chính xác, hoặc phiến diện, nhất là ở những ngành, lĩnh vực, vùng kinh tế, đơn vị hành chính cụ thể do phải thu hẹp quy mô từ mô hình dự báo chung. Chính vì vậy, kinh tế học hiện đại đã đưa ra khái niệm quy hoạch thích ứng và quản lý thích ứng, tức là mô hình ra quyết định và thực hiện các giải pháp can thiệp dựa trên những rủi ro tiềm ẩn của biến đổi khí hậu và thay đổi dân số. Mô hình như vậy cũng phù hợp lý thuyết phát triển bền vững theo hướng tạo sự cân bằng giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường và bảo đảm an sinh xã hội.