Tạo cơ chế cho doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài
(Tài chính) Đầu tư ra nước ngoài đang là xu hướng của nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cần hoàn thiện cơ sở pháp lý, tạo cơ chế thúc đẩy hoạt động này phát triển mạnh và hiệu quả hơn.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến ngày 31.12.2014, Việt Nam đã có 930 dự án đầu tư ra nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký 19,54 tỷ USD. Thực tế nhiều doanh nghiệp lớn đã chọn hướng mở rộng đầu tư ra nước ngoài và đã mang lại lợi nhuận lớn.
Theo Tập đoàn FPT, định hướng đẩy mạnh thị trường nước ngoài của doanh nghiệp này tiếp tục mang lại kết quả tốt trong năm 2014. Năm qua, doanh thu từ thị trường nước ngoài của tập đoàn này ước đạt 3.684 tỷ đồng, tăng 37%. Lợi nhuận trước thuế từ thị trường nước ngoài ước đạt 584 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2013.
Tính đến thời điểm này, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel đã đầu tư kinh doanh tại 9 quốc gia trên thế giới với tổng dân số 175 triệu dân. Trong năm 2014, tổng doanh thu tại thị trường nước ngoài của Viettel tăng trưởng 25% và đạt 1,2 tỷ USD. Tổng lợi nhuận trước thuế tại thị trường nước ngoài của doanh nghiệp này đạt 156 triệu USD và tăng trưởng 32% so với năm 2013. Tính đến nay, thị trường nước ngoài đã mang về tổng số 278 triệu USD lợi nhuận cho Viettel.
Vinamilk cũng là một doanh nghiệp tiên phong trong việc đầu tư ra nước ngoài. Theo bà Bùi Thị Hương, Giám đốc điều hành Vinamilk, trong năm 2014, công ty đã chính thức động thổ nhà máy tại Campuchia. Năm 2015, khi dự án đi vào hoạt động doanh thu năm đầu tiên ước tính đạt khoảng 35 triệu USD và tăng dần qua các năm sau. Vinamilk cũng đã nhận được giấy phép đầu tư vào Ba Lan, với quy mô khoảng 3 triệu USD. Dự án này là cửa ngõ cho Vinamilk tiếp cận và mở rộng ở thị trường châu Âu. Ngoài đầu tư dự án mới, Vinamilk cũng rất thành công trong việc đầu tư và vận hành một loạt các dự án đã được đầu tư trước đó. Tại Mỹ, Vinamilk sau khi hoàn tất các thủ tục cần thiết để mua 70% cổ phần của nhà máy sữa Driftwood, dự án Driftwood đã chính thức khai thác một cách hiệu quả, đem lại doanh thu hơn 2.000 tỷ đồng cho Vinamilk trong năm 2014.
Cởi nút thắt về chuyển tiền đầu tưHiện nay, hệ thống văn bản hiện tại về đầu tư ra nước ngoài bao gồm các quy định về cấp phép, quản lý hoạt động, chuyển vốn đầu tư, vấn đề tài chính đã được các bộ, ngành liên quan xây dựng một cách tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, các quy định về quản lý đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước nói chung và đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước nói riêng còn nhiều vấn đề bất cập, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước.
Bên cạnh đó, do hoạt động đầu tư ra nước ngoài xảy ra ở ngoài biên giới lãnh thổ, còn chịu sự tác động của các quốc gia khác, quốc tế và khu vực, do đó, việc quản lý chặt chẽ các dự án này, đặc biệt là các dự án sử dụng vốn nhà nước vẫn cần có thêm các quy định cụ thể phù hợp với thực tế, bảo đảm cho việc quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả dòng vốn đầu tư này.
Nhằm từng bước hoàn thiện các quy định về hoạt động đầu tư ra nước ngoài, mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra lấy ý kiến Dự thảo Nghị định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (đầu tư ra nước ngoài). Theo đó, các dự án đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, báo chí, viễn thông hoặc dự án trên 800 tỷ đồng phải giải trình cơ sở xác định vốn đầu tư của dự án, sự cần thiết phải đầu tư ra nước ngoài, giải trình cơ sở xác định tiến độ thực hiện dự án, dự kiến rủi ro của dự án và giải pháp khắc phục rủi ro...
Dự thảo cũng quy định rõ các trường hợp được chuyển ngoại tệ ra nước ngoài trước khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (hiện không quy định rõ) như nghiên cứu thị trường, khảo sát thực địa; mua tài liệu, thông tin; tham gia tổ chức hội thảo, hội nghị khoa học; đấu thầu quốc tế, đặt cọc, ký quỹ; thành lập và hoạt động của văn phòng đại diện, văn phòng liên lạc ở nước ngoài liên quan đến việc hình thành dự án; đàm phán; mua, thuê tài sản hỗ trợ việc hình thành dự án...
Quy định này được cho là sẽ góp phần quan trọng nhằm cởi nút thắt cho việc chuyển tiền đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp. Lý do là vì, theo quy định của Nghị định 78/2006/NĐ-CP về đầu tư ra nước ngoài, thì nhà đầu tư chỉ được chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài để thực hiện hoạt động đầu tư sau khi đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Quy định bị các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài than phiền nhiều nhất, bởi có nhiều khoản chi cần thực hiện trong quá trình chuẩn bị đầu tư. Chưa kể, ngay cả sau khi đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, thì chuyển tiền ra nước ngoài cũng không hề đơn giản.
Theo đánh giá của các chuyên gia, trong môi trường hội nhập sâu rộng hiện nay, việc hoàn thiện cơ sở pháp lý, tạo cơ chế cho các doanh nghiệp mở rộng đầu tư ra nước ngoài, nhằm mang lại lợi nhuận cho các doanh nghiệp và cho đất nước là rất quan trọng và cấp thiết...