Tạo cơ chế huy động ngân sách địa phương, tăng hiệu quả đầu tư hạ tầng liên vùng

Trần Huyền

Việc bổ sung cơ chế cho phép các địa phương sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng của ngân sách sách cấp trên trực tiếp trên địa bàn, hỗ trợ các địa khác là cấp thiết. Cơ chế này sẽ giúp huy động nguồn lực từ ngân sách của các địa phương có năng lực về tài chính vào các dự án công trình kết cấu hạ tầng có tính chất vùng, liên vùng, các dự án có tính động lực.

Cần huy động nguồn lực từ ngân sách của các địa phương có năng lực về tài chính vào các dự án công trình kết cấu hạ tầng có tính chất vùng. Ảnh: internet
Cần huy động nguồn lực từ ngân sách của các địa phương có năng lực về tài chính vào các dự án công trình kết cấu hạ tầng có tính chất vùng. Ảnh: internet

Cần huy động nguồn lực địa phương vào các dự án liên vùng

Hiện nay, nhu cầu đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng có tính chất liên vùng, liên tỉnh là rất lớn. Trong khi đó, một số địa phương trong vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hơn, ngân sách cấp trên chưa cân đối được nguồn vốn nên nhiều dự án có tính động lực, liên vùng thuộc địa giới hành chính của địa phương kết nối với địa phương khác nhưng chưa được bố trí/hoặc bố trí đủ nguồn vốn để triển khai thực hiện.

Do đó, việc quy định cho phép ngân sách địa phương được đầu tư thực hiện đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng của ngân sách cấp trên trực tiếp trên địa bàn và hỗ trợ địa phương khác để thực hiện hoặc tham gia thực hiện đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng có tính chất vùng và liên vùng là cấp thiết. Qua đó, góp phần huy động nguồn lực từ ngân sách của các địa phương có năng lực về tài chính vào các dự án liên vùng để sớm hoàn thành, giúp cải thiện nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, giúp các địa phương trong vùng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định về nội dung trên nên nhiều địa phương chưa có căn cứ pháp lý để triển khai thực hiện. Thực trạng này dẫn đến làm giảm hiệu quả đầu tư dự án, công trình.

Bên cạnh đó, xuất phát từ thực tiễn tồn tại, vướng mắc trong việc triển khai các dự án đường bộ trong thời gian qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 106/2023/QH15 ngày 28/11/2023 thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ.

Theo đó, Quốc hội đã giao thẩm quyền cho Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định và chịu trách nhiệm trong việc giao UBND cấp tỉnh được làm cơ quan chủ quản, được sử dụng ngân sách địa phương và vốn hợp pháp khác đầu tư dự án đường quốc lộ, đường cao tốc đối với 07 dự án (thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương). Đồng thời, giao một số UBND cấp tỉnh được làm cơ quan chủ quản, được sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác thực hiện hoạt động đầu tư công của dự án qua các địa phương đối với 14 dự án.

Thực tế hiện nay, Quốc hội cũng đã ban hành Luật, Nghị quyết cho phép một số địa phương có cơ chế tài chính, ngân sách đặc thù (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng, Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế, Nghệ An…) được sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ địa phương khác, khác với quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước.

Giải quyết những thiếu hụt về cơ chế chia sẻ nguồn lực

Từ thực tiễn nêu trên, tại dự án Luật sửa 7 luật trình Chính phủ, Bộ Tài chính đã đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Luật Ngân sách nhà nước. Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất cho phép ngân sách địa phương hỗ trợ ngân sách cấp trên trực tiếp, hỗ trợ địa phương khác để thực hiện hoặc tham gia các dự án đầu tư của ngân sách cấp trên trực tiếp trên địa bàn, đặc biệt là các dự án có tính chất vùng và liên vùng.

Chính sách trên sẽ giải quyết những thiếu hụt liên quan đến cơ chế chia sẻ nguồn lực để phát triển hệ thống hạ tầng kết nối nội vùng, liên vùng, các dự án có quy mô và sức lan tỏa trong vùng và liên vùng. Đồng thời, đảm bảo nguồn kinh phí cho các dự án có tính động lực, kết nối liên vùng và góp phần thúc đẩy phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo đúng chủ trương tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị.

Ngoài nội dung trên, thực tế cho thấy, việc tăng cường và mở rộng mối quan hệ chiến lược, hữu nghị, truyền thống đặc biệt giữa các địa phương Việt Nam với các địa phương của 03 nước Lào, Campuchia, Cuba cùng với các địa phương nước bạn khác luôn được Nhà nước hai bên quan tâm, khuyến khích. Tuy nhiên, tại Luật Ngân sách nhà nước chưa có quy định về việc sử dụng ngân sách địa phương để viện trợ cho các địa phương nước ngoài.

Hiện nay, một số địa phương như: Sơn La, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Thừa - Thiên Huế đã có các văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề nghị các bộ, cơ quan trung ương chấp thuận việc cho phép sử dụng ngân sách địa phương để viện trợ các địa phương nước bạn xây dựng các trường học, công trình văn hóa, giáo dục.

Do đó, tại dự án Luật sửa 7 luật, Bộ Tài chính cũng đề xuất bổ sung quy định về chi viện trợ trong nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương tại Luật Ngân sách nhà nước. Đề xuất này nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các địa phương được phép sử dụng ngân sách địa phương để chi viện trợ, góp phần cụ thể hóa các Chiến lược, Hiệp định, Thỏa thuận đã được ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ các nước, thúc đẩy quan hệ đối ngoại, hợp tác hữu nghị, toàn diện với các địa phương nước ngoài.