Sửa đổi, bổ sung các vấn đề cấp bách trong pháp luật ngân sách nhà nước
Nhằm tháo gỡ những khó khăn, vước mắc trong thực tiễn phát sinh, tại tờ trình Chính phủ về dự án 1 luật sửa 7 luật, Bộ Tài chính đã lựa chọn một số vấn đề lớn có vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện và mang tính cấp bách để đề xuất hoàn thiện Luật Ngân sách nhà nước.
Phát sinh hạn chế, bất cập cần tháo gỡ
Qua gần 06 năm thực hiện (2017-2022), Luật Ngân sách nhà nước đã đi vào cuộc sống, giúp quản lý thống nhất nền tài chính quốc gia, nâng cao tính chủ động và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước. Đồng thời, đã góp phần củng cố kỷ luật tài chính, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả ngân sách và tài sản của Nhà nước, tăng tích lũy nhằm thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, trong quá trình tổ chức thực hiện, những tác động khách quan làm thay đổi cơ cấu thu, ngân sách trung ương vẫn giữ vai trò chủ đạo nhưng có xu hướng giảm, trong khi yêu cầu đòi hỏi cần tăng cường hơn nữa tính chủ động của ngân sách địa phương. Công tác xây dựng, tổng hợp dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương, chấp hành, quyết toán ngân sách nhà nước cũng đã phát sinh một số điểm hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu để rà soát, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn.
Hiện nay, việc phân cấp chi ngân sách còn bất cập, một số nội dung phân cấp nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương còn chưa phù hợp với yêu cầu thực tế; chưa khuyến khích các địa phương tham gia các dự án đầu tư của ngân sách trung ương trên địa bàn, đặc biệt là các dự án có tính chất vùng và liên vùng.
Tính chủ động của các đơn vị sử dụng ngân sách cũng hạn chế; chưa có quy định cho phép ngân sách địa phương được đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng của Trung ương trên địa bàn và hỗ trợ địa phương khác để thực hiện hoặc tham gia thực hiện đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng có tính chất vùng và liên vùng. Hiện nay, nhu cầu đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng có tính chất liên vùng, liên tỉnh là rất lớn.
Trong khi đó, một số địa phương khác trong vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nên chưa thể đảm bảo kinh phí bố trí đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng trên địa bàn và một số dự án sử dụng ngân sách trung ương chưa thể cân đối bố trí hoặc bố trí đủ nguồn vốn cho các dự án có tính động lực, kết nối liên vùng. Trong khi đó, các địa phương có điều kiện hơn lại không được phép hỗ trợ các nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương trên địa bàn và trên địa bàn các địa phương khó khăn hơn.
Một bất cập khác hiện nay là chưa có quy định cho phép sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ các địa phương nước ngoài. Chưa có quy định cụ thể ranh giới phân định việc sử dụng nguồn chi đầu tư và chi thường xuyên để thực hiện mua sắm, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp tài sản, trang thiết bị; chi thuê hàng hóa, dịch vụ; sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng.
Bên cạnh đó, cũng chưa có quy định cụ thể để làm căn cứ cho việc sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại. Chưa thống nhất với dự kiến sửa đổi tại Luật Đầu tư công đối với việc hỗ trợ lãi suất cho các ngân hàng thương mại. Chưa có quy định cụ thể để sử dụng nguồn chi đầu tư phát triển khác để ủy thác từ ngân sách địa phương cho vay qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Chưa có đủ cơ sở pháp lý để có căn cứ sử dụng nguồn đầu tư phát triển khác thực hiện các dự án đầu tư ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Hoàn thiện pháp luật với các vấn đề có vướng mắc, cấp bách
Từ tình hình thực tiễn phát sinh, tại tờ trình Chính phủ về dự án 1 luật sửa 7 luật, Bộ Tài chính đã lựa chọn một số vấn đề lớn có vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện và mang tính cấp bách để đề xuất hoàn thiện Luật Ngân sách nhà nước liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của Bộ.
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất mở rộng quy định sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ ngân sách cấp trên trực tiếp, hỗ trợ các địa phương khác. Đề xuất này nhằm giải quyết những thiếu hụt liên quan đến cơ chế chia sẻ nguồn lực để phát triển hệ thống hạ tầng kết nối nội vùng, liên vùng, các dự án có quy mô và sức lan tỏa trong vùng và liên vùng. Chính sách này còn đảm bảo nguồn kinh phí cho các dự án có tính động lực, kết nối liên vùng và góp phần thúc đẩy phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo đúng chủ trương tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị.
Tại dự thảo luật, Bộ Tài chính cũng đề xuất cho phép ngân sách địa phương được chi viện trợ. Qua đó, tạo cơ sở pháp lý cho các địa phương được phép sử dụng ngân sách địa phương để chi viện trợ cho các địa phương nước ngoài, góp phần cụ thể hóa các Chiến lược, Hiệp định, Thỏa thuận đã được ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ các nước, thúc đẩy quan hệ đối ngoại, hợp tác hữu nghị, toàn diện với các địa phương nước ngoài.
Dự thảo luật cũng quy định rõ nội dung chi ngân sách nhà nước thực hiện một số nhiệm vụ từ cả nguồn chi đầu tư và thường xuyên. Nội dung này nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các bộ, cơ quan ở trung ương và các địa phương có thể kịp thời, chủ động bố trí kinh phí từ nguồn chi đầu tư công, chi thường xuyên ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng; chi phí lập, thẩm định nhiệm vụ quy hoạch, tổ chức quy hoạch, thẩm định, công bố, rà soát, đánh giá và điều chỉnh quy hoạch; mua sắm, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp tài sản, trang thiết bị; chi thuê hàng hóa, dịch vụ; sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng phát sinh trong điều hành thực tế, nhưng chưa được bố trí hoặc bố trí không đủ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn hằng năm, cần phải thực hiện ngay trong năm ngân sách để đảm bảo hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị.
Ngoài các nội dung nêu trên, tại dự thảo luật lần này, Bộ Tài chính cũng đề xuất quy định rõ nội dung chi đầu tư phát triển theo quy định của Luật Đầu tư công và nội dung chi đầu tư phát triển khác. Việc quy định cụ thể nhằm đảm bảo có đủ cơ sở pháp lý làm căn cứ cho việc sử dụng chi đầu tư phát triển để bổ sung các nhiệm vụ đầu tư và hỗ trợ vốn của Nhà nước (bao gồm cả hỗ trợ lãi suất) cho các tổ chức kinh tế; cấp bù chênh lệch lãi suất, phí quản lý và ủy thác cho vay qua ngân hàng chính sách.
Dự thảo luật cũng bổ sung quy định giao Chính phủ, UBND tổ chức thực hiện dự toán theo quy định của pháp luật đối với dự toán chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên chưa được phân bổ chi tiết đầu năm. Đồng thời, bổ sung thẩm quyền của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp trong việc quyết định hỗ trợ từ nguồn chi đầu tư phát triển khác cho các trường hợp hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cụ thể; bổ sung cơ sở pháp lý để có căn cứ sử dụng nguồn đầu tư phát triển khác thực hiện các dự án đầu tư ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn, đồng thời phân biệt rõ chi đầu tư công theo Luật Đầu tư công và chi đầu tư phát triển...
Các nội dung được đề xuất sửa đổi, bổ sung nêu trên sẽ góp phần hoàn thiện pháp luật về ngân sách nhà nước, trong đó có Luật Ngân sách nhà nước. Từ đó, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai hiện nay, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Đất nước.