Tạo đà cất cánh
(Tài chính) Nền kinh tế đã sắp đi hết một năm với những bất ngờ lớn. Với một bệ phóng vĩ mô được củng cố vững chắc hơn trong năm nay, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng nền kinh tế năm 2015 sẽ cất cánh mạnh hơn nữa.
Đầu tiên phải kể đến lạm phát đã có diễn biến bất thường, giảm xuống mức thấp dưới 3% năm nay, là điều từ lâu chưa thấy ở Việt Nam, và nằm ngoài dự kiến của nhiều người.
Bất thường này là một nguyên nhân chính khiến cho nhiều người vội vã quy cho là dấu hiệu của tổng cầu yếu. Tất nhiên, khi đã quan niệm rằng tổng cầu yếu thì người ta ắt sẽ liên tục kêu gọi Chính phủ kích cầu bằng cách nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa để hạ lãi suất, tăng chi tiêu và đầu tư của nhà nước, doanh nghiệp và cá nhân. Để hậu thuẫn cho luận điểm của mình, họ đã đưa ra những số liệu tiêu cực như con số doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động, giải thể lên đến hàng chục nghìn, mức tăng trưởng bán lẻ không tăng mạnh (so với mức của năm trước), tăng trưởng tín dụng thấp, chỉ số tồn kho cao và chỉ số sản xuất công nghiệp ở mức thấp v.v...
Tuy nhiên, bất chấp những bất thường và diễn biến tiêu cực này, tăng trưởng kinh tế năm nay lại gây ra một bất ngờ khác khi nó có khả năng cán đích ở mức 5,8 - 5,9%, là mức cao hơn đáng kể so với 2 - 3 năm trở lại đây. Ở mức này thì đương nhiên luận điểm tổng cầu yếu đã mất chỗ đứng. Nguyên nhân không chỉ đơn giản vì những số liệu tiêu cực trên chỉ được nhìn nhận một chiều (chẳng hạn, con số doanh nghiệp giải thể phá sản tuy có lớn nhưng vẫn thấp hơn nhiều con số doanh nghiệp thành lập mới; chỉ số tồn kho cao có thể vì do cung ở một số ngành tăng quá mạnh v.v...), mà có thể còn do các chính sách vĩ mô của Chính phủ đã mang tính thận trọng hơn, phù hợp hơn, mà điển hình là chính sách tiền tệ được nới lỏng có chừng mực, theo lạm phát mục tiêu; và nền kinh tế đã có tự điều chỉnh về cơ cấu và phân bổ nguồn lực mang tính tích cực hơn. Ngoài ra, cũng cần phải kể đến một yếu tố mang tính thiên thời, địa lợi là giá dầu thô thế giới giảm mạnh, tác động tích cực đến mặt bằng giá cả trong nước, và là yếu tố quan trọng đằng sau sự sụt giảm của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) gần đây.
Với một bệ phóng vĩ mô được củng cố vững chắc hơn trong năm nay chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng nền kinh tế năm 2015 sẽ cất cánh mạnh hơn nữa.
Ở trong nước, khi lạm phát giảm và ổn định ở mức thấp như hiện nay tạo hậu thuẫn cho các tính toán hiệu quả đầu tư có tính chắc chắn hơn, trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng kinh tế sáng sủa, các chủ thể kinh tế sẽ có thêm động lực để tăng cường đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh hơn.
Với lạm phát thấp và ổn định, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thêm room (giới hạn) để nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ, tạo điều kiện cho mặt bằng lãi suất trong nước giảm thêm, càng có tác dụng khuyến khích đầu tư và tiêu dùng trong nước.
Lạm phát thấp còn tác động tích cực đến tỷ giá VNĐ/USD, tạo được sự ổn định tỷ giá mà không cần NHNN phải can thiệp bằng cách bán USD từ dự trữ ngoại hối quốc gia. Lạm phát thấp ở Việt Nam cũng là một điều kiện cần để tỷ giá VNĐ/USD danh nghĩa ổn định mà không phải đánh đổi lấy sự lên giá thực của VNĐ so với USD, vốn là yếu tố tiêu cực đến tính cạnh tranh xuất khẩu của hàng Việt Nam ra thị trường thế giới cũng như làm hình thành tâm lý kỳ vọng VNĐ bị phá giá trong tương lai để khôi phục lại sức cạnh tranh của xuất khẩu. Đến lượt mình, tỷ giá ổn định và hợp lý (VNĐ không bị lên giá thực mạnh so với USD để rồi dẫn đến kỳ vọng VNĐ sẽ bị phá giá trong tương lai) sẽ tác động tích cực đến sự khôi phục lòng tin của nhà đầu tư nước ngoài, dẫn đến gia tăng các luồng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp vào Việt Nam trong các năm tới.
Trong khi đó, với tác động tích cực từ giá dầu mỏ liên tục suy giảm, có thể kỳ vọng một triển vọng phục hồi mạnh mẽ hơn của kinh tế thế giới nhờ gia tăng tiêu dùng do người tiêu dùng thế giới được lợi lớn từ việc tiết kiệm ngân sách gia đình dành cho chi phí nhiên liệu và năng lượng. Sự phục hồi mạnh mẽ hơn của nền kinh tế thế giới được kỳ vọng làm tăng nhu cầu của hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam, dẫn đến sự tăng trưởng mạnh hơn của các ngành sản xuất hướng xuất khẩu.
Không chỉ có vậy, giá dầu giảm dẫn đến giá xăng dầu và năng lượng trong nước cũng suy giảm (tuy ở mức ít hơn, vì lý do nói thêm ở dưới đây), nên người tiêu dùng trong nước cũng được hưởng lợi. Bởi thế, với bối cảnh vĩ mô ổn định (không có lạm phát cao cũng như suy thoái) và chi phí dành cho năng lượng và nhiên liệu giảm đi, người tiêu dùng Việt Nam chắc chắn sẽ đẩy mạnh chi tiêu hơn, từ đó tạo tác động tích cực đến các ngành sản xuất và dịch vụ hướng thị trường trong nước.
Tuy vậy, cần phải cảnh báo trước 2 xu hướng chính không mấy tích cực có khả năng diễn ra trong thời gian tới. Thứ nhất, đó là sự lạm dụng chính sách, thông qua nới lỏng các chính sách vĩ mô như chính sách tiền tệ và tài khóa quá mức, với lý do là lạm phát đang thấp. Sự nới lỏng quá mức các chính sách này có nguy cơ làm bùng nổ tiêu dùng và tín dụng ngoài tầm kiểm soát, và đẩy nền kinh tế vào một vòng xoáy bất ổn vĩ mô và tăng trưởng thấp khác. Thứ hai, với lo ngại rằng thâm hụt ngân sách sẽ tăng mạnh do thu ngân sách từ xuất khẩu dầu thô và các loại thuế phí lên nhập khẩu xăng dầu bị sụt giảm khi giá dầu tiếp tục đứng ở mức thấp, Chính phủ sẽ tăng mạnh thuế nhập khẩu xăng dầu. Nếu vậy thì tổng cầu sẽ gián tiếp bị ảnh hưởng, trong khi thực ra thì Chính phủ không nhất thiết phải tăng thuế nhập khẩu xăng dầu vì thu ngân sách sẽ được hưởng lợi từ việc gia tăng các hoạt động kinh tế nhờ giá nhiên liệu và năng lượng giảm đi.