Tạo khung pháp lý vững chắc cho khu vực kinh tế tư nhân
Khu vực kinh tế tư nhân đã và đang trở thành “cỗ máy tạo việc làm” lớn trong nền kinh tế và để khu vực này có thể vươn tầm việc cần làm chính là tiếp tục bứt phá về cải cách thể chế.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, khu vực kinh tế tư nhân đã và đang trở thành “cỗ máy tạo việc làm” lớn trong nền kinh tế.
Khu vực này cũng góp phần chuyển dịch lực lượng lao động từ khu vực nông nghiệp với năng suất thấp sang khu vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ đem lại năng suất lao động cao hơn. Đây cũng là khu vực có nhiều đóng góp cho tăng trưởng của toàn nền kinh tế. Tuy nhiên, để khu vực kinh tế tư nhân có thể vươn tầm, việc đầu tiên cần làm chính là tiếp tục bứt phá về cải cách thể chế nhằm hỗ trợ sự phát triển khu vực này.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, kinh tế tư nhân trong nước đang đóng góp 40% GDP của nền kinh tế và dự kiến sẽ đạt mức 50% vào năm 2020 hay 55% vào năm 2025 và 60% đến 65% vào năm 2030. Mục tiêu ấy hoàn toàn có thể hiện thực hóa trong trào lưu và xu hướng phát triển như hiện nay. Điều đó ngày càng khẳng định vai trò của khu vực kinh tế tư nhân - khu vực kinh tế của người dân và các doanh nghiệp trong nước trong nỗ lực nhằm xây dựng một nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập, tự cường và phát triển bền vững ở Việt Nam.
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), nhận định ba mũi đột phá đã được xác định và triển khai trong nhiều năm qua là cải cách thể chế, phát triển kết cấu hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực; trong đó, cải cách thể thế giữ vai trò nền tảng. Dù đã có nhiều thành tựu, nhưng những nỗ lực cải cách thể chế cho đến nay vẫn đang loay hoay ở việc cởi trói, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, chứ chưa tạo được nhiều điều kiện thuận lợi để hỗ trợ khu vực tư nhân phát triển.
Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới và Diễn đàn Kinh tế Thế giới, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam vẫn ở mức “thường thường bậc trung," còn một khoảng cách khá xa so với nhóm 3-4 nền kinh tế hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN) và càng xa so với chuẩn mực của các nền kinh tế phát triển (OECD).
Những lĩnh vực quan trọng nhất để xếp thứ hạng năng lực cạnh tranh quốc gia như khởi sự doanh nghiệp, nộp thuế và bảo hiểm xã hội, giao dịch thương mại qua biên giới, giải thể và phá sản doanh nghiệp… vẫn đang xếp ở nhóm trung bình thấp của thế giới với thứ hạng trên 100 trong số 190 nền kinh tế.
Ông Cung nhấn mạnh, để phát huy vai trò động lực và rường cột của khu vực kinh tế tư nhân, nhất là khu vực kinh tế tư nhân trong nước, điều quan trọng không phải chỉ phát triển khu vực này về số lượng mà phải nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh.
Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp phát triển hay Nghị quyết 02/NQ-CP về các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đặt quyết tâm tất cả các chỉ tiêu phải đạt top 50 của thế giới và điểm số chung phải lọt vào top 3, top 4 trong ASEAN thì ưu tiên quan trọng nhất vẫn là tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh cho khu vực kinh tế tư nhân.
Tổng hợp ý kiến từ nhiều hiệp hội doanh nghiệp và ngành nghề, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đều đang trông đợi việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp, với những giải pháp mở đường giúp các hộ kinh doanh, doanh nghiệp phát triển về quy mô và tăng năng lực cạnh tranh.
Báo cáo của Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, khu vực doanh nghiệp tư nhân chính thức trong nước hiện chỉ đóng góp chưa tới 10% GDP; 20% thuộc về khối các doanh nghiệp tư nhân có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và 30% GDP thuộc về các hộ kinh doanh cá thể hay còn gọi là khu vực không chính thức.
Trong số 700.000 doanh nghiệp chính thức đăng ký đang hoạt động, doanh nghiệp lớn chỉ chiếm 0,65%, doanh nghiệp cỡ vừa chiếm 5,85% và tới 93,5% là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Tuy chiếm đa số, nhưng do quy mô nhỏ nên hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thường không có được lợi thế, dẫn tới hay gặp vướng mắc và dễ bị thua thiệt trên thị trường.
Để khắc phục tình trạng này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam, cho rằng tới đây Luật Doanh nghiệp sửa đổi cần phải hướng tới mục tiêu tạo lập khung khổ pháp lý vững chắc cho sự phát triển của khu vực hộ kinh doanh cá thể và khuyến khích họ chuyển đổi thành doanh nghiệp; đồng thời trong sửa đổi giảm mạnh các thủ tục hành chính và chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ để doanh nghiệp có thể lớn lên.
Bên cạnh việc sửa Luật Doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI cũng kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành một “luật sửa nhiều luật về doanh nghiệp và môi trường kinh doanh” - tương tự như chuỗi các Nghị quyết 19 trươc đây và Nghị quyết 02 hiện nay về giải pháp cải thiện mội trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia để khắc phục sớm những điểm nghẽn, bảo đảm sự nhất quán trong khung khổ pháp luật về doanh nghiệp và đầu tư kinh doanh.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế - VCCI, người từng tiếp xúc nhiều với các địa phương và doanh nghiệp qua quá trình triển khai dự án Đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), phản ánh hệ thống luật pháp về doanh nghiệp và môi trường kinh doanh như Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật về Môi trường, Luật Đầu tư công,… còn có nhiều điểm bất hợp lý, thiếu nhất quán và chồng chéo.
Tuy nhiên, chờ đợi để sửa đổi tổng thể các luật này rất khó khăn và cần có thời gian. Do đó, việc ban hành một luật sửa nhiều luật về doanh nghiệp và môi trường kinh doanh là một giải pháp phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp và các dự án đầu tư.
Mặc dù sau nhiều kiến nghị tới các cơ quan, bộ, ngành đã cắt giảm được trên 50% điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành, nhưng ông Đậu Anh Tuấn nhận định, đâu đó vẫn còn tình trạng cắt giảm mang tính chất đối phó và chưa thực chất. Vẫn có hiện tượng điều kiện kinh doanh hóa thân vào các quy chuẩn kỹ thuật và "nạn" cấp phép, xin cho vẫn còn tồn tại, thậm chí là nặng nề hơn. Thủ tục và chi phí cho kiểm tra chuyên ngành xuất nhập khẩu vẫn gấp 2-3 lần so với các nước ASEAN 4 là điều không thể chấp nhận.
Để tạo bứt phá trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt trong cải cách thủ tục hành chính và dẹp bỏ giấy phép con, đại diện VCCI kiến nghị, thay đổi cách tiếp cận truyền thống là giao cho các bộ, ngành tự rà soát và đưa ra các giải pháp cắt giảm, thay vào đó, giao cho VCCI chủ trì cùng với CIEM và các hiệp hội doanh nghiệp chủ động rà soát và kiến nghị danh sách các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính cần tiếp tục đơn giản hóa hoặc loại bỏ để báo cáo trực tiếp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành.