Dấu ấn trong phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam


Năm 2016 được đánh giá là dấu mốc quan trọng trong việc tái khởi động lại khu vực kinh tế tư nhân bằng việc hàng loạt chủ trương, chính sách của Nhà nước cũng như các bộ, ngành tập trung vào khu vực kinh tế tư nhân được đưa ra và vào cuộc thực hiện mạnh mẽ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tinh thần “Nhà nước kiến tạo” với trục chính là “Chính phủ hành động” trở thành kim chỉ nam cho mọi hành động từ Trung ương đến địa phương. Sự phát triển khu vực kinh tế tư nhân đã cho thấy nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng một môi trường kinh doanh minh bạch. Đây là nền tảng cho những khởi sắc của khu vực kinh tế tư nhân trong năm 2018 và những năm tiếp theo.

Dấu ấn trong phát triển kinh tế tư nhân  

Kế thừa và phát triển một cách logic thừa nhận "nền kinh tế nhiều thành phần" của Đại hội VI (1986), tại Đại hội lần thứ XII Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 1/2016) tiếp tục khẳng định: "Kinh tế tư nhân (KTTN) là một động lực phát triển quan trọng của nền kinh tế". Trên cơ sở quan điểm của Đại hội XII, Hội nghị lần thứ 5  Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 về phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) với mục tiêu tổng quát là “Phát triển KTTN lành mạnh, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền KTTT định hướng XHCN, góp phần phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) nhanh, bền vững, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” và những định hướng cụ thể cho sự phát triển của khu vực KTTN đã mang lại một cảm hứng mạnh mẽ, một động lực phát triển mới cho khu vực KTTN nói riêng và nền kinh tế với những nỗ lực để vượt khỏi “bẫy thu nhập trung bình” nói chung.

Trên cơ sở đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 03/10/2017 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII. Thông điệp truyền đi của Nghị quyết số 98/NQ-CP là xây dựng "Nhà nước kiến tạo phát triển" và "Chính phủ hành động” với mục tiêu chính là định vị đúng vai trò chức năng và phương thức hành động của Nhà nước, của Chính phủ trong nền KTTT, định vị đúng vai trò của từng khu vực kinh tế. Theo đó, Nhà nước hướng tới việc xây dựng thể chế, kiến tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của thị trường; Chính phủ tập trung tháo gỡ vướng mắc về thể chế giúp doanh nghiệp (DN) tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng cường năng lực cạnh tranh.

 Dấu ấn trong phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam - Ảnh 1

Triển khai Chương trình hành động của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động theo Nghị quyết số 10-NQ/TW và Nghị quyết số 98/NQ-CP của Chính phủ với các nhiệm vụ cụ thể, phân công rõ trách nhiệm đối với từng đầu mối thực hiện và có quy định thời hạn hoàn thành. Theo đó, hàng loạt chính sách quan trọng như: cải cách môi trường đầu tư - kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, tháo gỡ rào cản và giảm chi phí cho DN đã được triển khai theo đúng tinh thần của Nghị quyết của Đảng. Cụ thể:

Các chính sách hỗ trợ

Nhằm đẩy mạnh quá trình minh bạch hoá sản xuất kinh doanh của các DN, hạn chế sự can thiệp không cần thiết của cơ quan quản lý nhà nước đối với các DN siêu nhỏ, đặc biệt là, các DN khởi nghiệp sáng tạo, DN tham gia chuỗi giá trị và DN chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể, các bộ, ngành và địa phương trên cả nước đã tập trung 6 nhóm giải pháp hỗ trợ trực tiếp như: (i) Miễn thuế môn bài, đăng ký thành lập DN qua mạng điện tử; miễn phí, lệ phí thành lập DN, phí công bố đăng ký kinh doanh…; (ii) Hỗ trợ cho hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành DN như đối với DN thành lập mới, đồng thời còn miễn phí thẩm định, phí, lệ phí cấp giấy phép kinh doanh lần đầu đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện; miễn phí môn bài trong thời hạn 3 năm, tư vấn các thủ tục về thuế, bảo hiểm, kế toán trong thời hạn 3 năm…; (iii) Hỗ trợ 50% kinh phí thuê văn phòng trong năm đầu tiên; hỗ trợ 20% kinh phí xây dựng, cải tạo trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp…đối với DN khởi nghiệp sáng tạo; (iv) Hỗ trợ 50% chi phí đào tạo nâng cao trình độ khoa học công nghệ sản xuất tại hiện trường; hỗ trợ tới 80% chi phí gian hàng tham gia hội chợ triển lãm trong nước và ASEAN đối với DN tham gia chuỗi giá trị; (v) Hỗ trợ 100% chi phí bảo hộ thương hiệu; 50% chi phí thiết kế bao bì, nhãn mác, đăng ký địa chỉ đối với quyền sở hữu trí tuệ; (vi) Hỗ trợ 100% chi phí thử nghiệm, giám định, kiểm định chất lượng sản phẩm hàng hóa của DN.

 Dấu ấn trong phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam - Ảnh 2

 Rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh

Các bộ, ngành đã rà soát, trình ban hành 28 văn bản quy phạm pháp luật (03 Luật và 25 Nghị định), đã cắt giảm, đơn giản được 3.346 trong tổng số 6.191 điều kiện kinh doanh (ĐKKD), tương đương 54,5%, đạt 108,1%, vượt 8,1% so với yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ. Các bộ có nhiều ĐKKD và cũng có kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa nhiều nhất gồm: Bộ Công Thương (1.216 điều kiện, đã ban hành Nghị định số 08/2018/NĐ-CP cắt giảm 675 ĐKKD, đạt 55,5%); Bộ Y tế (1.871 điều kiện, dự kiến cắt giảm 1.363 ĐKKD, đạt 72,85%); Bộ Giao thông Vận tải (570 điều kiện, Kế hoạch sửa đổi, bổ sung 20 Nghị định để đơn giản, cắt giảm 346 ĐKKD, đạt 60,7%, đã trình Chính phủ được 9 Nghị định); Bộ Tài chính (370 ĐKKD, dự kiến cắt giảm 190 điều kiện, đạt 51,35%)… Đến nay, các bộ, ngành đã chính thức cắt giảm được 1.259 ĐKKD, đạt 30% so với phương án các bộ dự kiến sẽ cắt giảm (tăng 11,1% so tháng 10/2018). Trong đó, Bộ Công Thương cắt giảm 675/1.216 ĐKKD, vượt 11,02%; Bộ Y tế cắt giảm 1.343/1.871 ĐKKD, vượt 43,56%; Bộ Xây dựng cắt giảm 183/215 ĐKKD, vượt 70,23; Bộ Tài nguyên và Môi trường đơn giản, cắt giảm 101/163 ĐKKD, vượt 23,93%; Bộ Giáo dục và Đào tạo cắt giảm 121/212 ĐKKD, vượt 14,15%.

 Dấu ấn trong phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam - Ảnh 3

Đơn giản, cắt giảm danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành

Tính đến cuối tháng 11/2018, các bộ, ngành đã trình và ban hành 21 văn bản quy phạm pháp luật, cắt giảm, đơn giản hóa 6.776/9.926 dòng hàng kiểm tra chuyên ngành (tương đương 68,2%, đạt 136,5%, vượt 36,5% so với yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và vượt 13% so với phương án dự kiến của các bộ) và 30 thủ tục. Một số bộ, ngành đạt kết quả tốt như: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã đơn giản hóa, cắt giảm 33/33 dòng hàng; Bộ Khoa học và Công nghệ đã đơn giản hóa, cắt giảm 22/24 dòng hàng; Bộ Công Thương đã đơn giản, cắt giảm 402/702 dòng hàng; Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cắt giảm 38/74 dòng hàng...

Giảm chi phí cho doanh nghiệp

Năm 2018, nỗ lực cắt giảm chi phí cho DN, đặc biệt là các chi phí liên quan đến tuân thủ pháp luật đạt được nhiều kết quả khả quan. Bên cạnh đó, công tác cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành tiếp tục có những tiến triển tích cực, theo đó đã tiết kiệm cho DN và xã hội khoảng 11.642.068 ngày công/năm, tương đương 5.407 tỷ đồng/năm. Cụ thể: Trong lĩnh vực Y tế tiết kiệm được 7.754.650 ngày công/năm, tương đương 3.107,5 tỷ đồng/năm; Ngành Nông nghiệp ước tính tiết kiệm được 1.800.403 ngày công/năm, tương đương 1.291,1 tỷ đồng/năm; Giao thông Vận tải tiết kiệm được 1.340.000 ngày công/năm, tương đương 660,7 tỷ đồng/năm.... Bên cạnh đó, việc đơn giản, cắt giảm ĐKKD cũng ước tính tiết kiệm cho DN và người dân khoảng 5.847.925 ngày công/năm, tương đương 872,2 tỷ đồng/năm. Cùng với đó, lĩnh vực Y tế ước tiết kiệm được 750.000 ngày công/năm, tương đương 225 tỷ đồng/năm; Bộ Giao thông Vận tải tiết kiệm được 1.340.000 ngày công/năm, tương đương 183,6 tỷ đồng/năm... Như vậy, việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thanh tra kiểm tra chuyên ngành đã giúp DN và người dân tiết kiệm tổng cộng gần 18 triệu ngày công và hơn 6.000 tỷ đồng trong năm.

Những nỗ lực của Chính phủ trong xây dựng “Nhà nước kiến tạo” và “Chính phủ hành động” đã mang lại luồng sinh khí mới cho sự phát triển của KTTN, tạo động lực cho các DN ra đời và tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Năm 2018, cả nước có 131.275 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.478,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% về số DN và tăng 14,1% về số vốn đăng ký so với năm 2017[21]; vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới đạt 11,3 tỷ đồng, tăng 10,2%. Nếu tính cả 2.408,8 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các DN thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong năm 2018 là 3.886,9 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 34.010 DN quay trở lại hoạt động, tăng 28,6% so với năm trước, nâng tổng số DN đăng ký thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động trong năm nay lên gần 165,3 nghìn DN. Tổng số lao động đăng ký của các DN thành lập mới năm 2018 là 1.107,1 nghìn người, giảm 4,7% so với năm trước. Với đà tăng trưởng trên, tính cả năm 2018 số lượng DN thành lập mới sẽ tiếp tục phá kỷ lục được thiết lập trong năm 2017.  

Bên cạnh đó, khu vực KTTN tiếp tục có những đóng góp ấn tượng cho ngân sách nhà nước (NSNN). Theo bảng xếp hạng (Top) 1.000 DN nộp thuế thu nhập DN lớn nhất Việt Nam năm 2017 công bố tháng 8/2018 của Tổng cục Thuế cho thấy, tổng số thuế thu nhập DN mà các DN trong Bảng xếp hạng đã đóng góp vào NSNN đạt 110.027 tỷ đồng, chiếm 62,59% trên tổng số thuế thu nhập DN của cả nước năm 2017, tăng 8,45% so với năm 2016. Trong đó, khối DN tư nhân có tỷ lệ DN xuất hiện trong Bảng xếp hạng nhiều nhất, với 458 DN, chiếm 45,8% số DN, với tỷ lệ đóng góp thuế thu nhập DN chỉ chiếm khoảng 34,1% cao hơn mức đóng góp 27,7% của 17 DNNN. Một số DN tư nhân đóng góp nhiều cho NSNN như: Công ty Cổ phần sữa Việt Nam, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn Vingroup, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh vượng, Ngân hàng Cổ phần Thương mại Kỹ thương Việt Nam, Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải, Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet, Công ty Cổ phần FPT, Công ty Cổ phần tập đoàn Masan…

Sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết của Trung ương Đảng cũng như của Chính phủ về phát triển KTTN, KTTN tiếp tục chứng tỏ vai trò là động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Theo thống kê, KTTN là đầu kéo quan trọng để phát triển kinh tế đất nước. Từ năm 2010 đến nay, KTTN đóng góp trên 43% GDP, trong khi tỷ lệ này của khu vực kinh tế nhà nước là khoảng 28,9%. Thực tế hiện nay, trong hơn nửa triệu DN thì số lượng DNNN chỉ chiếm 0,5%, DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chỉ chiếm 2,8% còn DN thuộc khu vực KTTN chiếm tới 96,7%. Do đó, huy động nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế không còn phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư công và DNNN, cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ chỗ kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội sang khu vực tư nhân.

Hiện nay, cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội của khu vực KTTN chiếm khoảng 40%, trong khi của khu vực nhà nước chỉ chiếm khoảng 35%. Bên cạnh đó, khu vực KTTN còn chiếm khoảng 30% giá trị tổng sản lượng công nghiệp, gần 80% tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ, khoảng 64% tổng lượng hàng hóa vận chuyển, thu hút trên 51% lực lượng lao động cả nước và tạo khoảng 1,2 triệu việc làm cho người lao động mỗi năm. Đây là thành công lớn của khu vực KTTN trong năm 2018.

Triển vọng phát triển kinh tế tư nhân năm 2019

Với mục tiêu được Chính phủ đề ra “Đến năm 2020, xây dựng DN tư nhân Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế; cả nước có ít nhất 1 triệu DN hoạt động, trong đó có các DN có quy mô lớn, nguồn lực mạnh; khu vực tư nhân Việt Nam đóng góp khoảng 50% GDP, năng suất lao động tăng khoảng 4-5%/năm; hàng năm, có hơn 35% DN tư nhân Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo; thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ, chất lượng nhân lực và năng lực cạnh tranh của DN tư nhân so với nhóm dẫn đầu ASEAN-4; nhiều DN tư nhân tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu”. Theo đó, để hiện thực hóa vai trò động lực của nền kinh tế, năm 2019, KTTN sẽ tiếp tục phát triển cả về chất, lượng và quy mô tiếp tục là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế. Triển vọng tươi sáng của KTTN được đưa ra dựa trên các yếu tố sau:

Thứ nhất, sự phát triển vượt trội trong tư duy, nhận thức về tính tất yếu của KTTN: Nhận thức về vai trò của KTTN đã có những bước chuyển biến tích cực, khẳng định vai trò “động lực” và “một động lực quan trọng” của KTTN trong nền KTTT định hướng XHCN. Và để KTTN đảm nhận đúng vai trò, phát huy được nội lực và tiềm năng sẵn có, trở thành một động lực quan trọng thì cần phải “xóa mọi định kiến, rào cản để KTTN phát triển”.

Thứ hai, năm 2019 tiếp tục là năm trọng tâm thực hiện “Nhà nước kiến tạo”, “Chính phủ hành động”: Sự cộng hưởng các nỗ lực nhằm tháo gỡ vướng mắc về thể chế của các bộ, ngành trong giai đoạn 2016-2018, đặc biệt là những nỗ lực trong việc cắt giảm, đơn giản hóa ĐKKD, thủ tục kiểm tra chuyên ngành đã và đang tạo nên một xung lực phát triển mới, một hy vọng mới về một môi trường kinh doanh thực sự minh bạch, bình đẳng cho sự phát triển vượt bậc của KTTN trong năm 2019-2020.

Thứ ba, Nhà nước tiếp tục chủ trương thu hẹp phạm vi ngành, lĩnh vực hoạt động của DNNN: DNNN tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh; những lĩnh vực mà DN thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư thông qua việc cơ cấu lại DNNN (cổ phần hóa, bán vốn, phá sản DNNN yếu kém), tạo không gian để KTTN phát triển và thực hiện vai trò động lực tăng trưởng.

Thứ tư, theo Nghị quyết số 69/2018/QH14 ngày 8/11/2018 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 đã đưa ra một số chỉ tiêu cụ thể về phát triển kinh tế - xã hội như: Dự kiến tổng sản phẩm trong nước GDP tăng khoảng 6,6-6,8% so với năm 2018; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7-8% so với năm 2018; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 33-34% GDP; Tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4-5%.

Theo phân tích của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia, để bảo đảm tốc độ tăng trưởng trong năm 2019, Việt Nam cần dựa vào 3 trụ cột: Phát triển khu vực tư nhân; Cải cách thể chế và môi trường kinh doanh; Khoa học công nghệ và nâng cao năng suất lao động. Vì vậy, triển vọng ổn định và lạc quan của nền kinh tế sẽ tạo dư địa cho sự phát triển của khu vực KTTN, khuyến khích DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong năm 2019.

Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội, Nghị quyết số 69/2018/QH14 ngày 8/11/2018 về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2019;
  2. Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ (2018), Báo cáo tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, pháp lệnh, các văn bản liên quan đến kiểm tra chuyên ngành và đăng ký kinh doanh và kết quả kiểm tra tháng 11 của Tổ công tác;
  3. Tổng cục Thống kê, Báo cáo tình hình KT-XH 11 tháng năm 2018;
  4. Trần Đình Thiên (2018), Kinh tế tư nhân trong nỗ lực vươn mình;
  5. Các website: baochinhphu.vn, tapchitaichinh.vn, thoibaotaichinhvietnam.vn, vietnambiz.vn, ncif.gov.vn.