Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp:
Tạo linh hoạt trong quản trị doanh nghiệp nhà nước trước biến động thị trường
Đó là nhận định của TS. Võ Trí Thành - Chuyên gia kinh tế, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh khi trao đổi với phóng viên về những nội dung xoay quanh dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Phóng viên: Bộ Tài chính đang lấy ý kiến cho dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, theo ông, đâu là những điểm mới của dự thảo này so với Luật số 69/2014/QH13 hiện hành?
TS. Võ Trí Thành: Sửa đổi Luật số 69/2014/QH13 là câu chuyện rất lớn và là một quá trình khá phức tạp, gian nan do đối tượng và phạm vi liên quan rộng, thậm chí chồng chéo với các luật khác. Song cách tiếp cận và tinh thần sửa luật như dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp mà Bộ Tài chính đã xây dựng là rất đáng ghi nhận, trong đó có nhiều điểm mới tích cực. Đây không chỉ là sửa đổi, hoàn thiện mà nói đúng hơn đây là một luật mới, có những cách tiếp cận rất có ý nghĩa.
Điểm mới đầu tiên theo tôi là đã làm rõ vai trò của Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, thể hiện như một nhà đầu tư chuyên nghiệp trong thị trường cạnh tranh và hội nhập. Nhà nước được tách bạch khỏi vai trò quản lý và không can thiệp trực tiếp vào quá trình vận hành, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Hay nói cách khác, đây là quản lý theo dòng vốn đầu tư chứ không quản lý doanh nghiệp với tư cách là một cái pháp nhân.
Thứ hai là tăng tính minh bạch, quyền hạn, trách nhiệm của đại diện chủ vốn sở hữu vốn của nhà nước tại doanh nghiệp. Có thể là cơ quan, là người đại diện. Theo tôi, cần cố gắng làm rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các đại diện.
Thứ ba là tạo sự linh hoạt trong quản trị doanh nghiệp trước những chuyển động nhanh chóng của thị trường...
Như đã nhận định thì lần sửa luật này có những nội dung rất tích cực, đổi mới căn bản trong việc quản lý và đầu tư vốn tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh thêm một lần nữa đây là quá trình khó khăn, vì thế, việc xây dựng Luật cần đảm bảo tránh chồng chéo với các luật khác, cũng như thế hiện hết vai trò, ý nghĩa của những điểm mới được đưa ra.
Phóng viên: Nhiều chuyên gia bày tỏ lo lắng với nội dung quản lý theo dòng vốn, liệu rằng có phải dòng vốn đến đâu quản lý đến đó, tức là mở rộng quản lý xuống đến các doanh nghiệp F2, F3...? Xin ông cho biết quan điểm của ông về vấn đề này?
TS. Võ Trí Thành: Những ý kiến bày tỏ lo lắng chính là một trong những vấn đề mà theo tôi cơ quan soạn thảo đã và đang nỗ lực xử lý trong lần sửa đổi này. Ngoài câu chuyện đầu tư trực tiếp vào F1 (doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp) thì câu chuyện F2 (doanh nghiệp có vốn đầu tư của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp) như thế nào.
Theo tôi, cần nhận thức rõ, đây là kinh tế thị trường, gắn với quá trình sắp xếp và bố trí dòng vốn. Bên cạnh đó, phải đảm bảo quyền tự chủ, tính linh hoạt và theo tinh thần sửa đổi Luật này là cố gắng tách bạch giữa việc quản trị dòng vốn với quyền tự chủ trong hoạt động của doanh nghiệp với tư cách là một cái pháp nhân bình đẳng với tất cả các loại hình pháp nhân kinh doanh khác.
Vì vậy, cần lưu ý, một là liên quan đến mục đích đầu tư của Nhà nước thì Nhà nước ngoài mục đích là hiệu quả kinh tế thì cũng quan tâm đến phát triển công nghệ, đảm bảo an ninh, quốc phòng... Do đó, tính linh hoạt là một mặt phải đảm bảo quyền tự chủ, nhất là cho các doanh nghiệp F2, nhưng mặt khác thì phụ thuộc vào mục đích đầu tư ban đầu của Nhà nước nên có thể có can thiệp ở mức độ nhất định. Đơn cử như theo quy mô vốn; xét theo tính chất quan trọng của công nghệ mong muốn phát triển; hay là gắn với những vấn đề an ninh quốc phòng... Cho nên can thiệp nhưng phải tính đến sự linh hoạt. "Cái khéo" của luật là cần làm sao thể hiện được điểm này.
Điểm lưu ý nữa là liên quan đến quá trình giám sát. Ví dụ đối với dòng vốn, mức độ giám sát như thế nào để vừa đảm bảo tính thị trường, tính minh bạch của hoạt động doanh nghiệp nhưng đồng thời cũng đảm bảo được mục tiêu mà Nhà nước mong muốn đối với khoản đầu tư bỏ ra. Đây cũng là một cái thách thức đối cơ quan soạn thảo.
Phòng viên: Tại dự thảo Luật, Bộ Tài chính đề xuất tăng tỷ lệ trích lập Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp từ lợi nhuận sau thuế từ 30% lên 80%. Theo ông, đề xuất này có ý nghĩa gì?
TS. Võ Trí Thành: Theo tôi, việc huy động vốn, đặc biệt là vốn sở hữu là rất quan trọng trong quá trình thúc đẩy phát triển cho doanh nghiệp.
Hướng mà dự thảo Luật lần này đề xuất là có 3 phương án trích lập Quỹ. Cụ thể: Tối đa 50%, tối đa 80% và 100% lợi nhuận sau thuế. Cả 3 phương án đề xuất này đều cao hơn so với mức 30% như tại Luật số 69/2014/QH13 về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và tại tờ trình trước đó của Bộ Tài chính.
Đây là hướng đề xuất theo tôi là rất tích cực, mang ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của doanh nghiệp khi đảm bảo đem lại động lực tốt cho người lao động, cán bộ, công nhân của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có thể sử dụng lợi nhuận sau thuế để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!