Tạo nền tảng cho thị trường bảo hiểm Việt Nam phát triển bền vững

Ngô Việt Trung – Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính)

Trải qua 30 năm hình thành, thị trường bảo hiểm đã có những bước tiến quan trọng, đánh dấu sự thay đổi đáng kể về chất và lượng, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng. Với nỗ lực triển khai hàng loạt chính sách của Chính phủ về hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế và việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực bảo hiểm, thị trường bảo hiểm được kỳ vọng hồi phục và tăng trưởng bền vững trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi cho thị trường phát triển an toàn, bền vững

Trong thời gian qua, ngành Bảo hiểm đối mặt với không ít khó khăn, thách thức như tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu; cạnh tranh ngày càng gia tăng; rủi ro từ yếu tố thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh; đầu tư nguồn lực để ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại; tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật; công tác quản trị rủi ro, quy định về kênh phân phối chưa theo sát thay đổi từ thực tiễn của thị trường và cả sự thiếu hụt niềm tin và nhận thức về bảo hiểm của khách hàng…

Trước những khó khăn, thách thức đó, cơ quan quản lý cùng các thành viên thị trường bảo hiểm đã không ngừng nỗ lực tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn hữu hiệu, trong đó có cả những biện pháp chấn chỉnh cứng rắn, tạo thuận lợi cho thị trường phát triển an toàn, bền vững và hiệu quả. Đến nay, ngành Bảo hiểm đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Thứ nhất, về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, trong năm 2023, khuôn khổ pháp lý về kinh doanh bảo hiểm đã được hình thành đầy đủ và đồng bộ, đảm bảo môi trường pháp lý công khai, minh bạch và bình đẳng cho các doanh nghiệp bảo hiểm thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động trên thị trường.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính đã xây dựng các giải pháp đồng bộ, trong đó, giải pháp điều chỉnh cơ chế, chính sách đã được thực hiện theo hướng tăng cường tính minh bạch thông tin trong việc cung cấp sản phẩm bảo hiểm nhân thọ; đảm bảo quyền chủ động lựa chọn tham gia của khách hàng; tăng cường trách nhiệm giám sát và đảm bảo chất lượng của hoạt động kinh doanh bảo hiểm qua các kênh bán hàng.

Đến nay, các quy định luôn được kịp thời sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình phát triển thực tế của thị trường cũng như phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam. Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2022 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2023 cùng các văn bản nghị định, thông tư hướng dẫn cũng đã được hoàn thiện đồng bộ để tạo cơ sở cho thị trường bảo hiểm Việt Nam tiếp tục phát triển ổn định.

Bộ Tài chính cũng nỗ lực tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế về hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Theo đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm đã có những thay đổi cơ bản nhằm thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển an toàn, ổn định và bền vững, đảm bảo tối đa quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 03 Nghị định quy định chi tiết Luật Kinh doanh bảo hiểm và chủ trì ban hành 01 Thông tư quy định chi tiết Luật Kinh doanh bảo hiểm và các Nghị định hướng dẫn, bao gồm: Nghị định số 46/2023/NĐ-CP ngày 01/7/2023 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm; Nghị định số 21/2023/NĐ-CP ngày 05/5/2023 của Chính phủ Quy định về bảo hiểm vi mô; Nghị định số 67/2023/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ; giới, báo hiểm cháy, nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng; Thông tư số 67/2023/TT-BTC ngày 02/11/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Nghị định số 46/2023/NĐ-CP ngày 01/7/2023 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đầy đủ về hoạt động kinh doanh bảo hiểm được kỳ vọng sẽ tạo ra cú huých và những thay đổi cơ bản nhằm thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển an toàn, ổn định và bền vững.

Thứ hai, về kết quả hoạt động, hiện nay, thị trường bảo hiểm có 81 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, trong đó có 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 02 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 29 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và 01 chi nhánh doanh nghiệp phi nhân thọ nước ngoài. Tổng tài sản của thị trường bảo hiểm năm 2023 ước đạt 913.336 tỷ đồng, tăng 11,12% so với cùng kỳ năm 2022. Các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 762.580 tỷ đồng, tăng 12,78% so với cùng kỳ năm trước. Tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 190.227 tỷ đồng, tăng 7,09% so với cùng kỳ năm trước. Tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 227.596 tỷ đồng, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tăng 2%, thị trường bảo hiểm nhân thọ giảm khoảng 12,5% so với cùng kỳ năm 2022; chi trả quyền lợi bảo hiểm ước khoảng 86.467 tỷ đồng, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm trước.

Về dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm, trong năm 2023, tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm ước đạt 593.474 tỷ đồng (tăng 14,25% so với cùng kỳ năm 2022), trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 32.412 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 561.062 tỷ đồng.

Đối với hoạt động môi giới bảo hiểm, năm 2023, tổng số phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới bảo hiểm ước đạt 16.824 tỷ đồng (tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước), trong đó phí bảo hiểm gốc thu xếp qua môi giới ước đạt 9.338 tỷ đồng (tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2022), phí tái bảo hiểm thu xếp qua môi giới ước đạt 7.486 tỷ đồng (tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước). Hoa hồng môi giới bảo hiểm gốc ước đạt 894 tỷ đồng (tăng 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái), hoa hồng môi giới tái bảo hiểm ước đạt 265 tỷ đồng (tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2022).

Nếu xét cả quá trình 30 năm hình thành và phát triển, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã có những bước tiến đáng ghi nhận: Trong giai đoạn 2013-2022, doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường tăng trưởng trung bình 18,3%/năm, trong đó doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ tăng bình quân 11,6%/năm và doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ tăng trung bình 23,3%/năm.

Thứ ba, về công tác thanh tra, kiểm tra, trong năm qua, Bộ Tài chính chỉ đạo tăng cường quản lý, giám sát và thanh tra, kiểm tra, đi kèm với đó là những chế tài xử lý nghiêm các đối tượng, hành vi vi phạm theo quy định pháp luật.

Bộ Tài chính đã thiết lập Đường dây nóng tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về lĩnh vực bảo hiểm. Đầu tháng 10/2023, Bộ Tài chính (Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm) và Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng) đã ký kết Quy chế phối hợp công tác nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp trong công tác xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách; thanh tra, kiểm tra và giám sát; kịp thời phát hiện những bất cập, vướng mắc về cơ chế, chính sách, qua đó kiến nghị điều chỉnh phù hợp; phát hiện các hành vi vi phạm trong hoạt động đại lý bảo hiểm để chấn chỉnh, xử lý nghiêm, kịp thời, đảm bảo hoạt động đại lý bảo hiểm an toàn, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm đối với các ngân hàng, thương mại nghiêm túc tuân thủ quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm, đặc biệt tuân thủ quy định không được ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức. Cụ thể, tài liệu giới thiệu sản phẩm bảo hiểm phải thể hiện rõ việc tham gia các sản phẩm bảo hiểm không phải là điều kiện bắt buộc để thực hiện các hoạt động, dịch vụ tài chính của tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường các biện pháp giám sát chất lượng tư vấn bảo hiểm của nhân viên tổ chức tín dụng như: Thiết lập đường dây nóng, hòm thư điện tử và công khai trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh về trường hợp "ép buộc" khách hàng mua bảo hiểm. Ngoài ra, các doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện giám sát độc lập hoạt động cung cấp thông tin và tư vấn sản phẩm bảo hiểm của nhân viên tổ chức tín dụng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung ủy quyền tại hợp đồng đại lý của tổ chức tín dụng nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động và bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.

Trước những thông tin tiêu cực về một số hiện tượng xảy ra trên thị trường như “ép” khách hàng mua bảo hiểm qua ngân hàng… Bộ Tài chính ngay lập tức đưa ra những giải pháp quyết liệt để chấn chỉnh, tạo niềm tin trên thị trường bảo hiểm.

Cùng với Luật Kinh doanh bảo hiểm và Nghị định số 46/2023/NĐ-CP, Thông tư số 67/2023/TT-BTC đã thêm một bước hoàn thiện về quy định liên quan tới hoạt động đại lý bảo hiểm, hỗ trợ các kênh đại lý; bao gồm các đại lý là tổ chức tín dụng hoạt động quy củ, lành mạnh và an toàn hơn, qua đó, tăng cường tính minh bạch trong cung cấp bảo hiểm qua ngân hàng; đảm bảo quyền chủ động lựa chọn tham gia của khách hàng, quy định; tăng cường trách nhiệm giám sát và đảm bảo chất lượng của hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng.

Đồng bộ các giải pháp, tạo bứt phá

Với quy mô hơn 100 triệu dân và đang chuyển dịch từ thu nhập trung bình thấp sang trung bình cao, thị trường bảo hiểm Việt Nam được đánh giá là còn nhiều dư địa phát triển do nhu cầu bảo vệ của người dân từ bảo hiểm còn rất lớn, nhất là trong điều kiện chất lượng cuộc sống, tiêu dùng của các hộ gia đình đang ngày càng được nâng cao. Đây là điều kiện thuận lợi để thị trường bảo hiểm phát triển mạnh mẽ với giá trị tăng trưởng bền vững. Đi kèm với “lượng”, những giải pháp để tăng “chất” cho thị trường bảo hiểm luôn được Chính phủ, Bộ Tài chính ưu tiên nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.

Tại hội nghị Các cơ quan quản lý bảo hiểm ASEAN lần thứ 26 và hội nghị Hội đồng bảo hiểm ASEAN lần thứ 49 năm 2023 diễn ra tại Việt Nam với chủ đề “Bền vững, toàn diện và kết nối”, các chuyên gia đã đề cập tới tiềm năng của thị trường bảo hiểm Việt Nam nói riêng và khu vực ASEAN nói chung. Cùng với đà phục hồi kinh tế, ASEAN tiếp tục chứng kiến sự phát triển về bảo hiểm khi tốc độ tăng trưởng được duy trì và tổng tài sản bảo hiểm tăng lên với sự gia nhập của các công ty mới trên thị trường, đây là cơ hội phát triển ngành bảo hiểm và hợp tác chặt chẽ trong khu vực…

Để tiếp tục hỗ trợ thị trường bảo hiểm phát triển an toàn, bền vững, hiệu quả và hoàn thành các mục tiêu đề ra tại Chiến lược Phát triển thị trường bảo hiểm đến năm 2030, Bộ Tài chính, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như sau:

Một là, hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh doanh bảo hiểm. Để thị trường bảo hiểm phát triển một cách lành mạnh, bền vững. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về triển khai các sản phẩm bảo hiểm có tính đặc thù, sản phẩm bảo hiểm có tác động an sinh xã hội, thúc đẩy đầu tư và phát triển kinh tế xã hội như bảo hiểm bắt buộc, bảo hiểm vi mô, bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm thiên tai, liên kết bảo hiểm y tế thương mại và bảo hiểm y tế xã hội,... theo hướng rõ ràng, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm, cải cách thủ tục hành chính, tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp bảo hiểm ứng dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0.

Hai là, tăng cường năng lực tài chính, quản lý rủi ro, quản trị doanh nghiệp, chất lượng dịch vụ khách hàng và công khai minh bạch của doanh nghiệp bảo hiểm; tiếp tục yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm nâng cao năng lực tài chính, quản trị tài chính, từ đó tăng sức cạnh tranh nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường và quy định pháp luật; Xây dựng đầy đủ hệ thống quản trị rủi ro tại doanh nghiệp bảo hiểm, kịp thời phát hiện được các rủi ro phát sinh từ hoạt động nghiệp vụ, hoạt động tài chính và quản trị doanh nghiệp nhằm đo lường rủi ro, đánh giá rủi ro, kiểm soát và loại bỏ rủi ro, giám sát và đánh giá lại rủi ro của từng hoạt động và các rủi ro liên quan đến các hoạt động này; Doanh nghiệp bảo hiểm tự đánh giá, xếp loại, chủ động có biện pháp kiểm soát, phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro, hạn chế tổn thất, can thiệp và điều chỉnh kịp thời trong quá trình hoạt động nhằm ngăn chặn nguy cơ mất khả năng thanh toán, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh; Tăng cường công khai thông tin đầy đủ, toàn diện, kịp thời nhằm giúp cho bên mua bảo hiểm và các tổ chức có liên quan hiểu rõ về cơ cấu tổ chức, tình hình hoạt động kinh doanh và tình hình tài chính của doanh nghiệp, nâng cao kỷ luật và minh bạch của thị trường...

Ba là, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm. Chuyển đổi sang quản lý, giám sát trên cơ sở rủi ro thông qua việc kiểm tra chỉ tiêu an toàn vốn, phân loại, đánh giá doanh nghiệp, quản trị rủi ro, cập nhật và hoàn thiện hệ thống giám sát và cảnh báo sớm; Nâng cao vai trò và trách nhiệm của Bộ Tài chính trong quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật để răn đe, tăng tính tuân thủ của các doanh nghiệp; Tăng cường trao đổi thông tin và phối hợp với các cơ quan quản lý trong lĩnh vực khác có liên quan trong phát triển các sản phẩm bảo hiểm mới, phương thức kinh doanh mới và quản lý, giám sát, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam; Đẩy mạnh hợp tác với các cơ quan quản lý nước ngoài trong quản lý, giám sát các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố đặc biệt trong việc quản lý, giám sát dịch vụ cung cấp bảo hiểm qua biên giới, hoạt động kinh doanh đa quốc gia của các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam.

Bốn là, phát triển và đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm và kênh phân phối bảo hiểm. Khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm phát triển đa dạng các dòng sản phẩm mới, lấy khách hàng làm trọng tâm nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu đa dạng của các tổ chức, cá nhân trong nhiều hoạt động kinh tế và đời sống. Đối với lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ: Khuyến khích nghiên cứu phát triển các sản phẩm bảo hiểm dành cho người già; các sản phẩm bảo hiểm tích hợp các dịch vụ hỗ trợ y tế, chăm sóc sức khỏe cho người tham gia bảo hiểm; Đối với lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ: Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm bảo hiểm mới như bảo hiểm rủi ro thảm họa, thiên tai, rủi ro mới phát sinh thông qua cơ chế quỹ rủi ro bảo hiểm; bảo hiểm xanh; sản phẩm bảo hiểm về an toàn, an ninh mạng và giao dịch trên không gian mạng; hạn chế cạnh tranh hạ phí bảo hiểm ảnh hưởng đến an toàn tài chính và giảm thiểu rủi ro trục lợi bảo hiểm.

Năm là, đẩy mạnh tuyên truyền về bảo hiểm, đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến về vai trò, ý nghĩa, sự cần thiết của bảo hiểm, pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đối với các tổ chức, cá nhân. Nâng cao nhận thức của người dân về bảo hiểm và thị trường bảo hiểm; Phổ biến kịp thời các thay đổi về quy định pháp luật kinh doanh bảo hiểm; chính sách bảo hiểm của Nhà nước đối với người dân và các doanh nghiệp bảo hiểm, các tổ chức có liên quan; Đa dạng hóa các phương thức tuyên truyền, phố biến kiến thức về bảo hiểm như qua các trang thông tin điện tử, các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức sự kiện ngành bảo hiểm, hội chợ, các cuộc thi...

Sáu là, tiếp tục thực hiện các giải pháp về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm và quản lý nhà nước hoạt động kinh doanh bảo hiểm; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế và hội nhập trong lĩnh vực bảo hiểm và tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.

Với những giải pháp đồng bộ và quyết liệt, cùng các biện pháp tăng cường quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra, thị trường bảo hiểm sẽ được minh bạch hóa, khôi phục niềm tin của người dân dành cho bảo hiểm, là nền tảng cho sự phát triển bền vững và an toàn.

Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội (2022), Luật số 08/2022/QH15 về Kinh doanh bảo hiểm;
  2. Chính phủ (2023), Nghị định số 46/2023/NĐ-CP ngày 01/7/2023 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm;
  3. Chính phủ (2023), Nghị định số 21/2023/NĐ-CP ngày 05/5/2023 quy định về bảo hiểm vi mô;
  4. Chính phủ (2023), Nghị định số 67/2023/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ; giới, báo hiểm cháy, nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng;
  5. Bộ Tài chính (2023), Thông tư số 67/2023/TT-BTC ngày 02/11/2023 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Nghị định số 46/2023/NĐ-CP;
  6. Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm - Bộ Tài chính (2023), Báo cáo tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ năm 2024.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1+2 tháng 2/2024