Tạo nền tảng vững chắc từng bước nâng cao chất lượng giáo dục
Ngành Giáo dục nỗ lực từng bước nâng cao chất lượng giáo dục để không phụ sự tin tưởng, quan tâm và ủng hộ của Đảng, nhà nước, chính phủ, Quốc hội, đáp ứng được kỳ vọng và sự giao phó của người dân.

Nỗ lực vượt bậc thực hiện các mục tiêu phát triển sự nghiệp giáo dục
Năm 2024 đánh dấu thời điểm hoàn thành chu trình đầu tiên triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với 3 cấp học đồng bộ trên cả nước. Danh mục sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 đã hoàn thành việc thẩm định và phê duyệt. Việc tăng cường quản lý, bảo đảm sách giáo khoa theo hình thức xã hội hóa là một trong những nhân tố quan trọng góp phần hoàn thành chu trình đầu tiên đổi mới giáo dục phổ thông.
Thời điểm hoàn thành chu trình đầu tiên của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 còn ghi dấu bằng Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) cuối cùng theo Chương trình 2006 được tổ chức thành công và công tác chuẩn bị khẩn trương, tích cực, chất lượng cho Kỳ thi đổi mới từ năm 2025.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố phương án thi, cấu trúc định dạng đề thi, đề thi tham khảo Kỳ thi Tốt nghiệp THPT từ 2025 theo Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018. Theo đó, lần đầu tiên đánh giá theo hướng năng lực thay vì nội dung, kiến thức ở kỳ thi diện rộng cấp quốc gia và đạt 3 mục tiêu: Xét tốt nghiệp; Đánh giá quá trình dạy và học; Làm căn cứ tuyển sinh đại học và giáo dục nghề nghiệp.
Cùng với quá trình đổi mới thi tốt nghiệp THPT, những chuẩn bị cho đổi mới tuyển sinh phổ thông, tuyển sinh Đại học, Cao đẳng cũng đã được Bộ GDĐT triển khai trong năm 2024 thông qua việc sửa đổi, bổ sung các quy chế hiện hành.
Năm 2024 tiếp tục là một năm ngành Giáo dục dành sự quan tâm cho công tác chuyển đổi số và đạt thêm nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể, đã hoàn thành xây dựng 100% các cơ sở dữ liệu của ngành và kết nối thành công với các cơ sở dữ liệu quốc gia. Việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ Kỳ thi Tốt nghiệp THPT và công tác tuyển sinh Đại học đã được triển khai đồng bộ, triệt để từ đăng ký dự thi, đăng ký nguyện vọng xét tuyển, nộp phí xét tuyển và xác nhận nhập học được thực hiện theo hình thức trực tuyến đối với tất cả thí sinh.
Ngành Giáo dục đã triển khai thí điểm học bạ số ở cấp Tiểu học, đến nay, bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực trong quản lý, quản trị trường học làm căn cứ cho việc triển khai đại trà trong thời gian tới. Cũng trong năm 2024, nhiều hội thảo, hội nghị, tọa đàm, tập huấn về đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong dạy và học đã được tổ chức.
Tiếp nối thành tích của những năm trước, năm 2024, xếp hạng các cơ sở giáo dục Đại học khu vực châu Á và quốc tế tiếp tục có sự gia tăng ấn tượng. Theo công bố của Tổ chức Xếp hạng QS (Quacquarelli Symonds) về xếp hạng Đại học thế giới - QS World University Rankings: Sustainability 2025 cho 1.751 cơ sở giáo dục Đại học trên toàn thế giới, Việt Nam có 10 cơ sở giáo dục Đại học góp mặt, tăng 2 cơ sở so với năm trước. Đặc biệt ở lần xếp hạng này, Đại học Quốc gia Hà Nội có sự thăng tiến mạnh về vị trí khi được xếp hạng 325 thế giới (tăng 456 bậc so với vị trí xếp hạng trong top 781 - 790 tại kỳ xếp hạng 2024), xếp vị trí 51 của khu vực châu Á và số 1 Việt Nam.
Việt Nam còn có 17 cơ sở giáo dục Đại học trong Bảng xếp hạng hàng đầu châu Á của QS, trong đó có 4 cơ sở giáo dục Đại học nằm trong top 200; 9 cơ sở giáo dục Đại học trong Bảng xếp hạng Đại học tốt nhất thế giới của Tổ chức Times Higher Education (THE), trong đó, 4 cơ sở giáo dục đại học nằm trong TOP 1000; 13 cơ sở giáo dục Đại học trong Bảng xếp hạng tầm ảnh hưởng của THE.
Việt Nam có 7 đoàn học sinh tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế với 38 lượt học sinh tham gia. Các đoàn học sinh Việt Nam đã mang về thành tích vượt trội khi tất cả đều đoạt giải, với 12 Huy chương Vàng, 15 Huy chương Bạc, 10 Huy chương Đồng và 1 Bằng khen; tăng 4 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc so với năm 2023.
Các đoàn học sinh của Việt Nam dự thi đều đạt thứ hạng cao, giữ vững vị trí tốp 10 của thế giới; nhiều học sinh Việt Nam đạt điểm số trong tốp cao nhất, đặc biệt điểm thi thực hành tăng so với các năm trước đó.
Thành tích xuất sắc của học sinh Việt Nam tại các cuộc thi quốc tế tiếp tục khẳng định chất lượng giáo dục phổ thông; sự cố gắng, nỗ lực trong học tập, rèn luyện của học sinh, giáo viên và các nhà trường. Đồng thời, khẳng định hướng đi đúng trong công tác phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bám sát chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước từng bước nâng cao chất lượng giáo dục
Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Luật Nhà giáo, đây là cột mốc quan trọng khẳng định chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong việc tôn vinh, chăm lo, bảo vệ và phát triển đội ngũ nhà giáo – lực lượng then chốt của sự nghiệp giáo dục.
“Thay mặt cho 1,6 triệu nhà giáo và toàn thể ngành giáo dục, tôi muốn nói lời cảm ơn đối với Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quốc hội, nhà nước, chính phủ, toàn thể người dân đã quan tâm đến ngành giáo dục, quan tâm đến các nhà giáo, một khâu rất là quan trọng để đảm bảo chất lượng và có thể phát triển giáo dục của đất nước trong thời gian sắp tới” Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chia sẻ.
Một trong những chính sách nổi bật của Luật Nhà giáo là quy định về tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo. Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; Phụ cấp ưu đãi nghề và phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật.
Nhà giáo cấp học mầm non; nhà giáo công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; nhà giáo dạy trường chuyên biệt; nhà giáo thực hiện giáo dục hòa nhập; nhà giáo ở một số ngành, nghề đặc thù được hưởng chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với nhà giáo làm việc trong điều kiện bình thường.
Tiền lương của nhà giáo trong cơ sở giáo dục ngoài công lập thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động. Nhà giáo công tác ở ngành, nghề có chế độ đặc thù thì được hưởng chế độ đặc thù theo quy định của pháp luật và chỉ được hưởng ở một mức cao nhất nếu chính sách đó trùng với chính sách dành cho nhà giáo.
Luật Nhà giáo cũng quy định Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan chủ trì phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý trình cấp có thẩm quyền quyết định; Phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề xuất cơ quan có thẩm quyền phê duyệt số lượng biên chế nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập.
Cũng tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học Chương trình Giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày được Quốc hội thông qua và áp dụng từ năm học 2025-2026.
Tại Tờ trình số 283/TTr- CP, Chính phủ đã báo cáo chi tiết về tác động ngân sách với tổng kinh phí thực hiện chính sách là khoảng 30,6 nghìn tỷ đồng; trong đó, số kinh phí phải chi trả theo các quy định đã được ban hành về miễn, không thu, hỗ trợ học phí kể từ ngày 1/9/2025 là 22,4 nghìn tỷ đồng; số kinh phí phải đảm bảo thêm để thực hiện chính sách theo dự thảo Nghị quyết là 8,2 nghìn tỷ đồng.
Đối với số kinh phí dự kiến tăng thêm, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 196/2025/QH15 ngày 17/5/2025 chuyển nguồn 6,623 nghìn tỷ đồng dự toán chi thường xuyên ngân sách Trung ương năm 2024 chưa phân bổ còn lại sang năm 2025 để thực hiện chính sách miễn học phí, thực hiện các nhiệm vụ phát sinh do sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy. Đồng thời, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính có phương án để bố trí dự toán ngay trong năm 2025 đảm bảo hiệu quả, đúng quy định.
Trên cơ sở đó, trong thời gian tới ngành Giáo dục sẽ ra sức nỗ lực từng bước nâng cao chất lượng giáo dục để không phụ sự tin tưởng, quan tâm và ủng hộ của Đảng, nhà nước, chính phủ, Quốc hội, đáp ứng được kỳ vọng và sự giao phó của người dân.