Tạo thuận lợi khi xác định trị giá tính thuế

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Để phản ánh đúng bản chất của trị giá hải quan, phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời tạo thuận lợi cho người nộp thuế xác định chính xác trị giá tính thuế hàng hoá xuất nhập khẩu (XNK), tại Điều 88 và 89 của Dự thảo Luật Hải quan sửa đổi đã quy định về trị giá hải quan và xác định thuế suất đối với hàng hoá xuất khẩu (XK), nhập khẩu (NK)…

Tạo thuận lợi khi xác định trị giá tính thuế
Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Hải Phòng KV1. Nguồn: baohaiquan.vn

Điều 14 Luật Thuế XK, thuế NK và các văn bản hiện hành quy định tỷ giá tính thuế XNK là tỷ giá tại ngày đăng ký tờ khai. Theo ban soạn thảo Luật Hải quan (sửa đổi), quy định này chưa phù hợp với việc thực hiện thủ tục hải quan điện tử và gây khó khăn cho các doanh nghiệp (DN) nếu như tỷ giá tại ngày đăng ký tờ khai khác với tỷ giá ngày DN kê khai tờ khai, nhất là DN ở xa nơi làm thủ tục hải quan phải quay về trụ sở DN để khai lại tờ khai hải quan, gây tốn kém thời gian, gia tăng chi phí và không phù hợp với xu hướng cải cách thủ tục hành chính.

Điều 88. Trị giá hải quan

1. Trị giá hải quan được sử dụng làm cơ sở cho việc tính thuế và thống kê đối với hàng hóa được xuất khẩu, nhập khẩu.

2. Trị giá hải quan đối với hàng hóa được xuất khẩu là giá bán của hàng hóa tại cửa khẩu xuất, không bao gồm phí bảo hiểm và phí vận tải quốc tế.

3. Trị giá hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên, phù hợp với cam kết quốc tế và pháp luật Việt Nam.

4. Tỷ giá tính thuế là tỷ giá hối đoái giữa đồng tiền Việt Nam với đồng tiền nước ngoài do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm tính thuế. Trường hợp tại thời điểm tính thuế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không công bố tỷ giá hối đoái thì áp dụng tỷ giá hối đoái của ngày hôm trước liền kề.

Chính phủ quy định cụ thể về trị giá hải quan đối với hàng hóa được xuất khẩu, nhập khẩu quy định tại điều này.

Điều 89. Xác định thuế suất đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu

Việc áp dụng mức thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu căn cứ vào mã số hàng hóa và chính sách thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu có hiệu lực tại thời điểm tính thuế.

Hiện nay, tỷ giá tính thuế trong trường hợp trị giá nguyên tệ là USD được áp dụng theo tỷ giá giữa đồng Việt Nam với USD do Ngân hàng Nhà nước công bố hàng ngày.

Trường hợp trị giá nguyên tệ là ngoại tệ khác thì áp dụng theo tỷ giá tính chéo giữa đồng Việt Nam với các ngoại tệ khác do Ngân hàng Nhà nước công bố theo kỳ 10 ngày. Trong khi đó, Tổng cục Hải quan hiện đang tiếp nhận Hệ thống thông quan tự động VNACCS do Nhật Bản tài trợ. Hệ thống này áp dụng tỷ giá bình quân theo tuần (tỷ giá bình quân các ngày từ thứ Tư tuần trước đến thứ Ba tuần sau, áp dụng cho các tờ khai đăng ký ở tuần kế tiếp).

Vì vậy, quy định này chưa phù hợp để thực hiện thủ tục hải quan điện tử, theo đó, hệ thống xử lý dữ liệu điện tử tiếp nhận, kiểm tra, đăng ký tờ khai hải quan điện tử 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần, bao gồm các ngày Chủ nhật và các ngày nghỉ lễ, tết. Các ngày này, Ngân hàng Nhà nước không công bố tỷ giá. Do đó, không có tỷ giá để làm cơ sở tính thuế.

Ban soạn thảo Luật Hải quan (sửa đổi) cho biết, mục tiêu của quy định về tỷ giá tính thuế sẽ tạo thuận lợi cho người khai hải quan ít phải khai báo lại do thay đổi tỷ giá, DN và cơ quan Hải quan đều dễ nhớ tỷ giá (do tỷ giá không thay đổi trong 1 tuần), không phải hiệu chỉnh hệ thống VNACCS.

Vì vậy, tại dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi) sẽ quy định về tỷ giá tính thuế theo hướng: Tỷ giá giữa đồng Việt Nam với đồng tiền nước ngoài dùng để tính thuế là tỷ giá bình quân theo tuần do Ngân hàng Nhà nước công bố. Tuy nhiên, tỷ giá bình quân sẽ không theo sát được biến động tỷ giá như tỷ giá hàng ngày, đứng trên góc độ từng DN có thể có “lợi, thiệt” khi có biến động lớn về tỷ giá. Mặt khác, quy định như Dự thảo thì cần thống nhất với Ngân hàng để thay đổi kỳ thông báo, áp dụng tỷ giá giữa đồng Việt Nam với các ngoại tệ khác (ngoài USD).

Bên cạnh đó, tại Điều 71 Luật Hải quan hiện hành quy định trị giá hải quan được sử dụng làm cơ sở cho việc tính thuế và thống kê hàng hoá XNK, không quy định nội dung chi tiết mà dẫn chiếu sang Luật Thuế XK, thuế NK để thực hiện. Nhưng theo quy định tại Điều 9 Luật Thuế XK, thuế NK thì việc xác định giá tính thuế đối với hàng hoá XNK lại phụ thuộc vào hợp đồng.

Để đảm bảo nội dung về  trị giá hải quan trong Luật Hải quan (sửa đổi) phù hợp định hướng sửa về hồ sơ hải quan (hợp đồng không phải là chứng từ bắt buộc trong hồ sơ hải quan) và phù hợp với cam kết quốc tế vì theo Hiệp định trị giá WTO, cần phải bỏ cụm từ “theo hợp đồng” trong nội dung quy định về trị giá hải quan.

Mặt khác, trên thực tế trị giá theo hợp đồng trong một số trường hợp không bao gồm đầy đủ các chi phí phát sinh liên quan đến lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu mà các chi phí này là bộ phận cấu thành trị giá tính thuế. Ngoài ra, đối với một số trường hợp khác, có một số chi phí mặc dù nằm trong giá hợp đồng nhưng lại được loại trừ ra khỏi trị giá hợp đồng khi xác định trị giá tính thuế.

Vì vậy, để phản ánh đúng bản chất của trị giá hải quan, phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời tạo thuận lợi cho người nộp thuế xác định chính xác trị giá tính thuế hàng hoá XNK, tại Điều 88 và 89 dự thảo Luật Hải quan sửa đổi đã quy định về trị giá hải quan và xác định thuế suất đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu… 

Công ty tư vấn VFAM Việt Nam:

Khoản 3 Điều 88 cần quy định cụ thể hơn về  “Giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên” là giá nào? Được tính theo từng lô hàng nhập hay bảo gồm cả những chi phí DN đã chi để phục vụ kinh doanh trong một thời gian nhất định?

Tổng Công ty Sotrans Group:

Khoản 4 Điều 88 nên quy định thành: “Tỷ giá tính thuế là tỷ giá hối đoái giữa đồng tiền Việt Nam với đồng tiền nước ngoài do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố trước 1 ngày đăng ký tờ khai hải quan hoặc tại ngày đăng ký tờ khai hải quan. Trường hợp trước 1 ngày đăng ký tờ khai hải quan hoặc tại ngày đăng ký tờ khai hải quan, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không công bố tỷ giá hối đoái thì áp dụng tỷ giá hối đoái của ngày hôm trước liền kề”. Bởi đối với lô hàng thuộc luồng Vàng, Đỏ, các DN ở xa địa điểm làm thủ tục hải quan hoặc vì những lý do khách quan, DN tiến hành nộp hồ sơ giấy 1 ngày sau khi khai báo hải quan, điều này sẽ phải tính lại thuế nếu tỷ giá thay đổi, gây nhiều thủ tục khó khăn cho DN.

Công ty TNHH Pricewaterhouse Coopers Việt Nam:

Dự thảo Luật nên nêu rõ tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố. Có thể sẽ có trường hợp đồng tiền nước ngoài không thuộc các đồng tiên mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố. Do đó, nên thêm vào một đoạn nói về vấn đề này, ví dụ như: “đối với các ngoại tệ không có tỷ giá hối đoái với đồng Việt Nam thì được quy đổi thành ngoại tệ có tỷ giá hối đoái với đồng Việt Nam theo tỷ giá tại ngân hàng mà DN có mở tài khoản giao dịch công bố”.