Tạp chí Forbes: Tại sao thế giới nên đầu tư vào Việt Nam hậu Covid-19?

Theo Việt An/Forbes/baoquocte.vn

Các nhà đầu tư quốc tế nên hướng đầu tư vào Việt Nam khi nhiều quốc gia khác hiện đang vật lộn đối phó với đại dịch Covid-19 và nguy cơ suy thoái kinh tế đang bao trùm lên toàn bộ thế giới phương Tây.

Theo Tạp chí Forbes, thế giới nên tăng cường đầu tư vào Việt Nam thời kỳ hậu Covid-19. Nguồn: TTXVN
Theo Tạp chí Forbes, thế giới nên tăng cường đầu tư vào Việt Nam thời kỳ hậu Covid-19. Nguồn: TTXVN

Tạp chí Forbes cho biết, Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng GDP 7,02% trong năm 2019, thuộc hàng cao nhất thế giới. Đây cũng là năm thứ hai tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt trên 7%. Ngành công nghiệp chế biến và sản xuất tăng trưởng 8,9% và tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Về thương mại, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 500 tỷ USD và thặng dư trong 4 năm liên tiếp trong bối cảnh xu hướng giảm thương mại ở nhiều nước. Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2019 cho thấy Việt Nam tăng 10 bậc từ năm ngoái lên mức 67, trở thành quốc gia tăng nhanh nhất năm 2019. Chính phủ đã tập trung tạo ra môi trường kinh doanh mở, thuận lợi và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Tiếp tục vượt lên trong năm 2020

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam cải thiện vượt bậc môi trường kinh doanh trong 10 năm qua. Báo cáo Kinh doanh năm 2020 của WB đã xếp Việt Nam ở vị trí thứ 70 trong số 190 nền kinh tế. Thứ hạng này tương đối tốt so với trước đây khi Việt Nam chỉ xếp ở vị trí thứ 90 năm 2010 trong tương quan với các nền kinh tế có thu nhập bình quân đầu người tương tự.

WB cũng lạc quan cho rằng, Việt Nam sẽ tiếp tục vượt lên trong năm 2020 và trong nhiều năm tới. Đánh giá này dựa trên hai lý do chính:

Thứ nhất, Việt Nam đã nâng cao khả năng tiếp cận thông tin tín dụng thông qua phân phối dữ liệu từ các nhà bán lẻ. Điều này sẽ giúp giảm chi phí dịch vụ và tăng tính minh bạch trên thị trường.

Tháng 10/2019, Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ra mắt cổng thông tin kết nối người vay và các tổ chức tín dụng. Người vay hiện nay có thể dễ dàng chọn các gói tín dụng và đăng ký nhu cầu vay tại các tổ chức tín dụng phù hợp thông qua cổng thông tin trực tuyến. Người vay có thể tự xem thông tin tín dụng và điểm tín dụng và theo dõi mức tín dụng cũng như tránh được gian lận.

Thứ hai là về thuế. Năm 2019, Việt Nam nâng cấp hệ thống điện tử quản lý quy trình nộp thuế cho doanh nghiệp. Nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đã khiến việc nộp thuế trở thành một quy trình dễ dàng hơn cho hầu hết các doanh nghiệp. Các quy trình thanh toán thuế hiện có thể được hoàn thành trong vòng một ngày, so với hai đến ba ngày làm việc trong vài năm qua.

Môi trường kinh doanh được cải thiện cũng giúp Việt Nam thu hút thêm đầu tư nước ngoài. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cam kết cho Việt Nam vượt 38 tỷ USD trong năm 2019. Con số này là cao nhất 10 năm qua và tỷ lệ tăng trung bình 10 năm qua là 7,2%/năm.

Cho đến nay, Việt Nam đã ký 12 FTA với các đối tác, bao gồm các FTA thế hệ mới trên thế giới với các cam kết sâu rộng. EU đã ký một hiệp định thương mại tự do mang tính bước ngoặt với Việt Nam vào tháng 6/2019, lần đầu tiên với một quốc gia đang phát triển ở châu Á, mở đường cho việc giảm thuế đối với 99% hàng hóa giữa Việt Nam và khối này.

Theo hãng tin Reuters, Liên minh châu Âu (EU) mô tả Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) là một thỏa thuận thương mại tự do tham vọng nhất từng được ký kết với một quốc gia đang phát triển. EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam sau Mỹ.

Chính phủ Việt Nam cũng cho rằng, EVFTA sẽ tăng 20,28% xuất khẩu của EU sang Việt Nam và 20% từ Việt Nam sang EU vào năm 2020. Thỏa thuận này sẽ thúc đẩy GDP Việt Nam tăng 2,18 - 3,25% hàng năm vào năm 2023 và 4,57 - 5,30 % hàng năm từ 2024 đến 2028. Nghị viện châu Âu phê chuẩn EVFTA và Hiệp định bảo hộ đầu tư EU - Việt Nam (EVIPA) ngày 12/2.

Tính đến cuối năm 2018, các nhà đầu tư EU đã đầu tư hơn 23,9 tỷ USD vào 2.133 dự án tập trong 18 lĩnh vực kinh tế và tại 52 trong số 63 tỉnh của Việt Nam. Trong số 24 quốc gia thành viên EU đầu tư vào Việt Nam, Hà Lan đang đứng đầu, tiếp theo là Pháp và Anh.

Việt Nam cũng là một thành viên của Hiệp định toàn diện và tiến bộ về quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Hiệp định sẽ tạo ra một khu vực kinh tế tự do khổng lồ, với quy mô thị trường khoảng 500 triệu người và GDP tổng cộng hơn 13,5 nghìn tỷ USD, chiếm 13% GDP toàn cầu.

Việt Nam nhận được nhiều lời khen của quốc tế trong cuộc chiến chống Covid-19. Nguồn: AFP
Việt Nam nhận được nhiều lời khen của quốc tế trong cuộc chiến chống Covid-19. Nguồn: AFP
 

Nhiều thành tựu nổi bật

Việt Nam cũng đạt những thành tựu quan trọng trong đối phó với dịch Covid-19. Gần đây, tờ Financial Times nổi tiếng có trụ sở tại London đưa tin, Việt Nam đưa ra một hình mẫu ngăn chặn dịch bệnh thành công chỉ bằng nguồn lực hạn chế và tập thể lãnh đạo quyết tâm.

Việt Nam đã tập trung vào việc cách ly những người nhiễm bệnh và truy vết F1, F2 thay vì áp dụng phản ứng theo kiểu Hàn Quốc đối với ổ dịch, tiến hành thử nghiệm hàng loạt. Tất cả những người này sau đó được đưa vào chế độ cách ly nghiêm ngặt. Việt Nam có chung biên giới dài 1.100 km với Trung Quốc, song chỉ có 271 ca nhiễm bệnh và không có bất kỳ ca tử vong nào. Nhiều người trong số họ trở về từ nước ngoài.

Tại cuộc họp của Bộ Chính trị Việt Nam vào cuối tháng 1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố: “chống dịch như chống giặc”. Thực tế, Việt Nam đã tích cực chuẩn bị đối phó với sự bùng phát virus trước khi công bố ca nhiễm đầu tiên.

Bộ Y tế đã ban hành các công văn khẩn cấp về phòng chống dịch bệnh cho các cơ quan chính phủ có liên quan vào ngày 16/1 và tới các bệnh viện và phòng khám trên toàn quốc vào ngày 21/1. Bên cạnh việc chống dịch bệnh trong nước, Việt Nam đã tặng bộ dụng cụ thử nghiệm và khẩu trang cho nhiều quốc gia, bao gồm Lào và Campuchia, các nước láng giềng, Mỹ, Vương quốc Anh và Tây Ban Nha là những đối tác chiến lược và toàn diện.

Việt Nam là Chủ tịch ASEAN 2020 và là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021. Đây là lần thứ hai nước này giữ chức vụ này, thể hiện mong muốn đóng góp cho an ninh và hòa bình thế giới và chứng minh Việt Nam là thành viên có trách nhiệm.

Với việc lần đầu tiên nắm giữ hai trọng trách lớn với cộng đồng quốc tế, đây sẽ là cơ hội để Việt Nam tận dụng mối quan hệ song phương với các quốc gia khác, tạo động lực mới cho việc nâng cao vai trò và vị thế của đất nước.

Thành tựu này nêu bật những nỗ lực ngoại giao của Việt Nam và mối quan hệ bền chặt với các quốc gia khác trên thế giới. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội đã có 17 chuyến thăm chính thức ra nước ngoài và đón 22 đoàn đại biểu cấp cao đến thăm Việt Nam vào năm ngoái. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập một mạng lưới gồm 30 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện.

Không chỉ thế, năm 2019, Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh lần 2 giữa Triều Tiên và Mỹ, một động thái được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Sự nổi bật về ngoại giao của Việt Nam giúp nước này bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia, cả trên đất liền và trên biển.

Biển Đông là không gian sống và phát triển của các quốc gia ven biển, bao gồm cả Việt Nam và không gian hợp tác giữa các quốc gia trong và ngoài khu vực. Biển Đông cũng có các tuyến hàng hải toàn cầu quan trọng về cả hàng hóa và số lượng tàu. Trung Quốc đã tiến hành chiếm giữ các đảo lớn và xây dựng trên khắp Biển Đông trong những năm gần đây, biến nhiều rạn san hô thành đảo nhân tạo có thể hỗ trợ các cơ sở quân sự, bất chấp các yêu sách chủ quyền của Brunei, Malaysia, Việt Nam, Philippines và vùng lãnh thổ Đài Loan.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tuyên bố chính sách nhất quán của Việt Nam rằng tất cả các tranh chấp quốc tế, bao gồm cả các vấn đề ở Biển Đông, phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình theo quy định của Luật Biển (UNCLOS 1982). Điều này đã được khẳng định mạnh mẽ trong nghị quyết của Quốc hội Việt Nam phê chuẩn UNCLOS năm 1994.

Việt Nam đã ký kết hiệp định phân định và hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc năm 2000, phân định hàng hải với Thái Lan năm 1997 và phân định thềm lục địa với Indonesia năm 2003, ký Hiệp định khai thác dầu khí chung với Malaysia năm 1992 và một Hiệp ước trên vùng biển lịch sử với Campuchia năm 1988.

Việt Nam cũng đang đẩy mạnh các cuộc đàm phán để xử lý việc phân định biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc và phân định Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) với Indonesia.

Quốc gia Đông Nam Á này đã kiên trì và kiên quyết đấu tranh chống các hành vi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm gửi các công hàm ngoại giao lên tiếng phản đối, lưu hành các công hàm tại Liên hợp quốc, và liên tục tái khẳng định rằng Việt Nam bảo lưu quyền sử dụng tất cả các biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của đất nước theo UNCLOS.

Theo hãng tin Reuters, Liên minh châu Âu (EU) mô tả Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) là một thỏa thuận thương mại tự do tham vọng nhất từng được ký kết với một quốc gia đang phát triển. EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam sau Mỹ.