Tập đoàn đa quốc gia: Đa chiêu chuyển giá

Theo Kim Thanh/sggp.org.vn

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết “Facebook đang vi phạm pháp luật Việt Nam ở 3 lĩnh vực lớn: quản lý nội dung thông tin, quảng cáo trên mạng bất hợp pháp và trách nhiệm thuế với Việt Nam”.

Google giới thiệu hoạt động tại Việt Nam, nhưng đóng thuế lại là chuyện khác. Nguồn: sggp.org.vn
Google giới thiệu hoạt động tại Việt Nam, nhưng đóng thuế lại là chuyện khác. Nguồn: sggp.org.vn

Đây cũng là lúc cơ quan quản lý nhà nước đánh giá lại cách thức hoạt động, trốn thuế và siết chặt quản lý đối với các tập đoàn công nghệ đa quốc gia đang kinh doanh xuyên biên giới (XBG) trên lãnh thổ Việt Nam.

 

Hàng năm, lượng thuế thất thu từ các hoạt động kinh doanh XBG là con số cực kỳ lớn. Những khoản lợi nhuận khổng lồ ngang nhiên chảy vào túi của các doanh nghiệp XBG mà không qua bất kỳ sự quản lý của cơ quan thuế nào. Đây không chỉ là vấn đề của một quốc gia riêng lẻ mà chính phủ nhiều nước đang rất đau đầu với việc siết thuế những gã khổng lồ công nghệ như Google hay Facebook.

 

Các tài liệu từ Ủy ban Chứng khoán và Đầu tư Australia (ASIC) cho thấy, trong năm 2018, Google Australia có tổng doanh thu 1,07 tỷ AUD, bao gồm 560,6 triệu AUD quảng cáo và doanh thu của các đại lý, nhưng chỉ báo cáo lợi nhuận trước thuế chỉ 155,9 triệu AUD. Tính ra, công ty phải nộp 49,1 triệu AUD tiền thuế, nhưng sau một số điều chỉnh, công ty này thực trả có 26,5 triệu AUD. Sổ sách kế toán của công ty cho thấy phần lớn doanh thu quảng cáo được ghi nhận ở nước ngoài cho Google châu Á - Thái Bình Dương đóng trụ sở tại Singapore, nơi có mức thuế thấp.

Trong khi đó, năm 2018, Facebook Australia “bỏ túi” 579,7 triệu AUD từ quảng cáo và gần 696.000 AUD từ các hợp đồng dịch vụ. Sau khi trả 454,9 triệu AUD cho một công ty con ở nước ngoài, công ty còn doanh thu ròng là 125,5 triệu AUD. Cuối cùng, công ty chỉ phải trả vỏn vẹn 11,8 triệu AUD tiền thuế.

Tương tự, theo số liệu từ Công ty Nghiên cứu thị trường ANTS, năm 2018, mức độ chi tiêu cho quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam khoảng đạt 550 triệu USD. Tuy nhiên, các doanh nghiệp quảng cáo trong nước chỉ chiếm khoảng 150 triệu USD, tương đương 33,3%. Trong khi đó, Google và Facebook chiếm khoảng 66,7%, tương đương 387,1 triệu USD (trong đó, Facebook khoảng 235 triệu USD, Google khoảng 152,1 triệu USD).

Dù doanh thu khủng, nhưng Google, Facebook không đóng thuế tại Việt Nam. Không những thế, họ lại đẩy nghĩa vụ đóng thuế cho đối tác trong nước do họ hoạt động xuyên quốc gia và không đăng ký kinh doanh trong nước…

Bên cạnh đó, hiện Google và Facebook cung cấp dịch vụ quảng cáo trực tuyến cho thị trường Việt Nam thông qua đại lý hoặc mua - bán trực tuyến. Trường hợp thông qua các đại lý trong nước thì chính các doanh nghiệp này sẽ phải thực hiện các nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật khi phát sinh doanh thu.

Điều này lại phụ thuộc vào ý thức về nghĩa vụ thuế của các đại lý trong nước. Trường hợp này, cơ quan thuế thu được thuế nhưng là do doanh nghiệp Việt Nam nộp chứ không phải từ Facebook hay Google. Còn trường hợp mua - bán trực tuyến và thanh toán qua thẻ tín dụng thì khó xác định, nên theo đó thuế cũng khó thu.

Tại hội thảo “Quản lý thuế trong nền kinh tế số” do Tổng cục Thuế phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức ở Hà Nội vào tuần qua, các doanh nghiệp Việt Nam cho rằng đã đến lúc Việt Nam phải có thái độ rõ ràng, quyết liệt về trách nhiệm đóng thuế của Facebook nói riêng và doanh nghiệp kinh doanh XBG nói chung nhằm đảm bảo môi trường bình đẳng trong kinh doanh và pháp luật được thực thi nghiêm minh, công bằng.

Đó là chưa tính đến việc Facebook, Google không thể kiểm soát được hết nội dung thông tin, và trong nhiều trường hợp đã “tiếp tay” cho các quảng cáo, dịch vụ vi phạm pháp luật.

Là những công ty đa quốc gia, có trụ sở đặt ở nhiều nơi, chính vì thế các công ty công nghệ như Facebook, Google hay Apple dễ dàng lợi dụng sự sơ hở về luật của nước này để né thuế ở nước kia.

Chiến thuật mà những ông lớn công nghệ sử dụng dựa trên cái gọi là “chuyển giá” (Transfer Pricing), là những giao dịch trên giấy tờ giữa những công ty con, nhằm chuyển giao số thu nhập đến những quốc gia có mức thuế thấp, trong khi phí tổn lại rơi vào những quốc gia có mức áp thuế cao hơn.

Những mánh lới kiểu này gây tổn hại cho chính quyền Hoa Kỳ 60 tỷ USD mỗi năm. Google đã lợi dụng một loại cơ cấu thuế có tên là “Double Irish” và “Dutch Sandwich” ở Ireland, khi cho phép chuyển tiền từ một chi nhánh của Google ở Ireland sang một chi nhánh của Google ở Hà Lan, mà về thực chất được đặt ở Bermuda là nơi không có thuế thu nhập doanh nghiệp. Điều này giúp cho Google “tiết kiệm” được 2,4 tỷ USD.