Chuyển giá đã lan sang doanh nghiệp nội địa
Vấn nạn chuyển giá không chỉ xảy ra ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI). Nhiều DN nội địa đã có dấu hiệu rõ ràng của việc chuyển giá làm thất thu ngân sách nhà nước (NSNN).
Đó là khẳng định của Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Hồ Đức Phớc tại hội thảo: “Chuyển giá – Những vấn đề trong công tác quản lý hiện nay” ngày 19/7.
Theo ông Phớc, chuyển giá không chỉ làm thất thu ngân sách lớn mà còn làm méo mó môi trường kinh doanh, tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa các chủ thể kinh tế và chứa đựng nhiều rủi ro khác.
Không chỉ doanh nghiệp FDI
TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Đại học Fulbright Việt Nam, cho biết có rất nhiều cách thức chuyển giá được các DN sử dụng, trong đó nhiều cách thức rất phức tạp và tinh vi không dễ nhận biết.
Đối với DN FDI, từ thực tế các cuộc thanh tra, kiểm tra thuế chống chuyển giá ở Việt Nam thời gian qua cho thấy cách thức chuyển giá phổ biến nhất là nâng giá hàng hóa, nguyên vật liệu đầu vào, trong khi lại hạ thấp giá xuất khẩu đầu ra để có kết quả tài chính lỗ nhằm không phải chịu thuế thu nhập DN tại Việt Nam.
Trường hợp điển hình là công ty Chế biến trà Ô Long Jun Chow, công ty Trà Đài Loan, công ty Trà Kinh Lộ… sau 4 năm hoạt động đã báo lỗ hàng chục tỷ đồng, trong khi tại thời điểm đó, các DN chè ở Việt Nam đều có lãi và nộp NSNN.
Vì vậy, cơ quan thuế đã kiểm tra và phát hiện giá xuất khẩu của các DN FDI này luôn thấp hơn rất nhiều so với giá thành sản xuất sản phẩm.
Cụ thể, sau khi chế biến chè thành phẩm, các DN này đóng gói xuất khẩu sang thị trường nước ngoài (nơi có công ty mẹ) với giá rất thấp chỉ 2,8 – 4 USD/ kg, trong khi chi phí sản xuất 1kg trà thành phẩm đã lên tới 8 – 9 USD/kg.
Sau khi chuyển về công ty mẹ, sản phẩm trà được phân nhỏ rồi mới gắn nhãn mác và bán với giá cao hơn rất nhiều. Các DN FDI chè ở Lâm Đồng đã thừa nhận giá xuất khẩu thực tế là từ 5,5 đến 11,6 USD/kg, cao gấp nhiều lần số liệu đã báo cáo với cơ quan chức năng địa phương.
Đáng chú ý, “Không chỉ các DN FDI, mà đến nay có cả các DN nội địa cũng có dấu hiệu rõ ràng của việc chuyển giá làm thất thu NSNN. Dưới góc độ pháp lý, kiến nghị của KTNN truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với Sabeco có thể xem như gián tiếp chỉ ra một lỗ hổng trong việc quản lý thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định hiện hành”, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho biết.
Trong quá trình kiểm toán, KTNN đã phát hiện nhiều DN nội lớn có dấu hiệu trốn thuế thông qua hình thức chuyển giá, trong đó Habeco và Sabeco là hai trường hợp tiêu biểu.
Bằng cách thức thành lập các công ty con là các cơ sở kinh doanh thương mại, hai “ông lớn” này đã thực hiện bán hàng và kê khai thuế tiêu thụ đặc biệt theo giá bán của cơ sở sản xuất bán cho các công ty con và không thấp hơn 10% so với giá các công ty con bán ra, làm giảm số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp NSNN.
Sau khi phát hiện ra việc “trốn thuế” của Sabeco và Habeco, KTNN đã kiến nghị Tổng cục Thuế truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với Sabeco 408,8 tỷ đồng, Habeco là 920 tỷ đồng.
“Vá” lỗ hổng pháp lý
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Kiểm toán trưởng, KTNN Chuyên ngành VI, cho biết thời gian qua, quá trình cổ phần hóa các DN nhà nước cũng đã xuất hiện dấu hiệu chuyển giá giữa các công ty con, công ty liên kết ngày càng cao.
Hầu hết các chuyên gia đều nhận định chống chuyển giá, trốn thuế là một lĩnh vực khó khăn, phức tạp và nan giải, dù các lực lượng chức năng đã căng mình vào cuộc song tình trạng chuyển giá vẫn không hề thuyên giảm.
Điển hình, trong nhiều trường hợp cơ quan chức năng biết DN đang chuyển giá, trốn thuế, nhưng để chứng minh được là rất khó vì việc chuyển giá được thực hiện trong một hệ thống khép kín.
“Để xác định giá trong nước, giá nước ngoài như thế nào là việc không hề đơn giản”, một chuyên gia cho hay.
Theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, so với các nước phát triển trên thế giới, công tác chống chuyển giá ở Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập, chưa đạt được hiệu quả. Nguyên nhân là hệ thống pháp lý của Việt Nam liên quan đến chống chuyển giá vẫn còn rất thiếu và nhiều lỗ hổng.
Bên cạnh đó, thiết chế pháp lý của Việt Nam cũng còn yếu. Ngoài các lỗ hổng của quy định pháp luật thì năng lực xử lý, chế tài đối với các hành vi vi phạm pháp luật thuế còn nhẹ, chưa đủ sức ngăn ngừa và răn đe như nhiều DN nợ thuế kéo dài nhưng cơ quan chức năng không xử lý hình sự được. Các vụ kiện về thuế thường đi vào bế tắc, tốn kém nhưng không mang lại kết quả tích cực.
Các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần sớm hoàn thiện khung pháp lý về chuyển giá, giảm bớt ưu đãi cho các DN FDI theo hướng chọn lọc thay vì thu hút đầu tư đại trà. Đặc biệt, phải hợp tác chống chuyển giá với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới.