Tập trung giải ngân vốn đầu tư công "nhanh nhất, hiệu quả nhất, nhiều nhất"
Ngày 10/12, Tổ công tác số 5 của Chính phủ về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc trực tuyến với 6 địa phương: Quảng Bình, Quảng Trị, An Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Cà Mau. Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng đề nghị các địa phương cần phải tập trung giải ngân nhanh nhất, hiệu quả nhất, nhiều nhất.
Giải ngân chậm hơn mức bình quân của cả nước
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, tính đến ngày 30/11/2021, cả nước mới giải ngân được 65,7% kế hoạch. Trong bối cảnh dịch COVID-19 hoành hành, cần phải giải ngân nhanh vốn đầu tư xây dựng cơ bản để thúc đẩy đầu tư.
Theo thống kê, đến ngày 30/11/2021, 6 địa phương mới giải ngân được 11.749 tỷ đồng, chiếm 48,9% kế hoạch, thấp hơn so với mức bình quân chung cả nước là 65,7%, như vậy là "thấp rất xa". Do đó, cần nhân diện khó khăn, vướng mắc để tìm giải pháp đẩy nhanh đầu tư công. Đây cũng là giải pháp khôi phục kinh tế.
Tại hội nghị, đại diện 6 địa phương đã báo cáo tình hình giải ngân vốn đầu tư công, nêu những khó khăn, vướng mắc cũng như đề xuất, kiến nghị để đẩy nhanh công tác này. Theo đó, đa số các địa phương đều chậm giải ngân do các nguyên nhân như: tác động của dịch bệnh COVID-19; giá cả vật liệu xây dựng tăng cao; khó khăn trong giải phóng mặt bằng; vướng mắc trong thực hiện thủ tục xin ý kiến tham gia của các nhà tài trợ đối với dự án dùng nguồn vốn nước ngoài...
Theo ông Lê Văn Phước - Phó Chủ tịch UBND Tỉnh cho biết, đến hết tháng 11/2021, tỷ lệ giải ngân của tỉnh đạt 33,6%. Nguyên nhân là do dịch bệnh COVID-19 bùng phát, An Giang phải thực hiện giãn cách xã hội nên các công trình phải dừng lại, làm ảnh hưởng đến huy động nhân công, cũng như tiến độ triển khai các dự án. Bên cạnh đó, có thời điểm giá cả vật tư xây dựng tăng đột biến cũng ảnh hưởng đến việc triển khai công trình. Năng lực tổ chức thực hiện của một số chủ đầu tư chưa đáp ứng; công tác giải phóng mặt bằng gặp khó khăn... cũng là nguyên nhân dẫn đến chậm giải ngân vốn đầu tư công.
Tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị quyết tâm từ nay đến ngày 31/12/2021 phấn đấu giải ngân 70% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tỉnh xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cả hệ thống chính trị, là giải pháp phục hồi kinh tế sau dịch. Do vậy, tỉnh có nhiều văn bản chỉ đạo các ngành địa phương và tổ chức hội nghị bàn giải pháp, đồng thời thành lập đoàn kiểm tra các công trình trọng điểm, chuyển vốn các công trình giải ngân thấp sang công trình có khả năng thực hiện cao.
Tại điểm cầu Đồng Tháp, ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND Tỉnh thông tin, đến hết ngày 30/11/2021, Tỉnh giải ngân được 2.083 tỷ đồng, đạt hơn 44% kế hoạch. Nguyên nhân chậm giải ngân là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 bùng phát, Tỉnh phải thực hiện giãn cách xã hội đã ảnh hướng đến tiến độ triển khai các dự án nhất là với các nhà thầu ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân do công tác giải phóng mặt bằng tạm hoãn, công tác mua sắm vật liệu xây dựng khó khăn...
Tập trung giải ngân "nhanh nhất, hiệu quả nhất, nhiều nhất"
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, 6 địa phương đã quyết tâm cao trong giải ngân và thúc đẩy đầu tư xây dựng cơ bản, tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Theo Bộ trưởng, Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 đề ra mục tiêu đến hết năm 2021 tốc độ giải ngân phải đạt 95%-100%.
Để phấn đấu đạt mục tiêu trên, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo của các tỉnh cần nỗ lực từ cấp tỉnh đến huyện để tháo gỡ khó khăn, tập trung đẩy nhanh xây dựng công trình đúng quy định, nắm vững thẩm quyền của mình để điều chỉnh dự án sớm. 6 địa phương này đều là những tỉnh còn nghèo, gần như hưởng trợ cấp ngân sách nhà nước mà chưa đảm bảo cân đối thu chi. Do đó, càng phải trân trọng hơn các nguồn vốn để kích cầu kinh tế, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. "Cho nên phải xác định vốn đầu tư công là vốn mồi, nên phải cố gắng giải ngân."- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về vấn đề giá cả vật liệu xây dựng tăng cao, Bộ trưởng cho rằng, các tỉnh cần phải báo cáo kịp thời, chi tiết về thời gian, giá của từng loại nguyên vật liệu tăng như thế nào, tăng trong bao lâu và đề xuất các giải pháp... Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng sẽ có tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đối với giá đất trong giải phóng mặt bằng là phân cấp cho chính quyền địa phương, do vậy khi giải phóng mặt bằng thì việc đền bù theo bảng giá đất do UBND Tỉnh quy định.
Để tập trung tháo gỡ nút thắt khó khăn cho giải ngân vốn đầu tư, Bộ Tài chính sẽ tham mưu cho Chính phủ có văn bản sớm nhất. Song, Bộ trưởng cũng yêu cầu lãnh đạo các địa phương cần nghiên cứu những vấn đề thuộc thẩm quyền của UBND Tỉnh để giải quyết sớm.
Đối với các kiến nghị cho phép kéo dài nguồn vốn sang năm 2022, Bộ trưởng cho biết, theo Luật, Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài đến hết 31/12/2021 của năm sau, nhưng vấn đề đặt ra là có nên kéo dài hay không, bởi sẽ ảnh hưởng đến chính sách tài khóa, trong khi đất nước còn đang khó khăn, người dân không có việc làm. Hơn nữa, chúng ta còn đang bàn về gói kích cầu kinh tế mà giải ngân đầu tư công lại đề nghị kéo dài thì không có ý nghĩa. Do đó, "cần phải tập trung giải ngân nhanh nhất, hiệu quả nhất, nhiều nhất thì mới tính đến kích cầu kinh tế." - Bộ trưởng nói.
Tại hội nghị, đại diện các đơn vị chức năng của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giải đáp các vướng mắc, kiến nghị của 6 địa phương. Đối với các ý kiến đề nghị ngoài thẩm quyền của tổ công tác, tổ công tác sẽ tổng hợp báo cáo tới Thủ tướng Chính phủ.