Tập trung tháo gỡ vướng mắc để thực hiện thành công các chỉ tiêu kinh tế và ngân sách
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội dành hai ngày 27 và 28/10 tiến hành thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2023 cùng các nội dung quan trọng khác về kinh tế - xã hội và ngân sách.
Phát biểu mở đầu phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Quốc hội dành 2 ngày 27 và ngày 28/10 thảo luận về 3 nội dung kinh tế - xã hội.
Cụ thể, là kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 (trong đó có Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 03 năm 2023-2025, tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2022, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2023 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý); Cùng với nội dung này, chiều ngày 28/10, Quốc hội sẽ thảo luận việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh.
Trước đó, với các nội dung trên, Quốc hội đã dành 1 ngày 22/10 tiến hành thảo luận ở Tổ. Qua thảo luận tại tổ, đã có có 205 lượt ý kiến phát biểu về kinh tế xã hội, 83 lượt ý kiến về ngân sách và 33 lượt ý kiến về tổng kết Nghị quyết số 54/2017/QH14. Các ý kiến đều đồng thuận rất cao với những báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội.
Đa số các ý kiến đều nhất trí với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Các đại biểu bày tỏ phấn khởi trước những kết quả tích cực trong tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô… Sau 2 năm chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 nhưng với quyết sách đúng đắn kịp thời, quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, kinh tế đất nước đã có sự tăng tốc, tăng trưởng đạt cao hơn kỳ vọng. Về cơ chế chính sách đặc thù cho các địa phương, đại biểu thống nhất cao với dự thảo nghị quyết của Quốc hội kéo dài thời gian thực hiện đối với TP. Hồ Chí Minh.
Bên cạnh các nhận định tích cực về kết quả phát triển kinh tế xã hội, nhiều ý kiến cũng lưu ý về các vấn đề như dù lạm phát được kiểm soát, song giá xăng dầu trong nước tăng vẫn gây nhiều khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp và đời sống người dân; giải ngân chi đầu tư phát triển tiếp tục chậm, vẫn là điểm nghẽn chưa được giải quyết. Vẫn còn 39 bộ, cơ quan Trung ương và 22 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước (46,7%)…
Các đại biểu cũng nhất trí cao với đề xuất của Chính phủ dành 12.500 tỷ đồng cho tăng lương cơ sở này từ 1/7/2023. Bên cạnh đó, một số ý kiến đề xuất, Chính phủ cân đối nguồn để bảo đảm điều chỉnh tăng lương cơ sở sớm hơn, từ ngày 1/1/2023, góp phần bảo đảm đời sống cho người hưởng lương. Các nghị quyết, thảo luận đã được Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp gửi các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan liên quan để nghiên cứu, tiếp thu.
Thời gian thảo luận tại hội trường về các nội dung trên dự kiến là 2 ngày, trong đó 1,5 ngày đầu sẽ thảo luận về kinh tế xã hội và ngân sách 0,5 ngày cuối cùng sẽ tiếp tục thảo luận về kinh tế xã hội, ngân sách, cùng với việc tổng kết Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận vào các nội dung đã nêu trong các Tờ trình của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, gợi ý thảo luận của các cơ quan thẩm tra đã chuẩn bị. Trong đó, tập trung vào các vấn đề thách thức cần phải vượt qua, các bất cập, khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về kinh tế - xã hội và ngân sách.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận các nội dung còn có ý kiến khác nhau giữa cơ quan thẩm tra và Chính phủ như: đề nghị xây dựng dự toán thu tích cực hơn, thuyết minh cụ thể, rõ ràng hơn về tỷ lệ điều tiết, không đưa vào dự toán chi các khoản chưa đủ căn cứ điều kiện, không kiến nghị các nội dung chưa rõ, chưa cụ thể, không giao Chính phủ phân bổ các khoản chưa đủ điều kiện phân bổ của ngân sách trung ương…