Tất bật sản xuất cuối năm
(Tài chính) Dịp cuối năm, các đơn hàng dồn dập, lượng công việc tăng cao nên nhiều doanh nghiệp xuất khẩu phải tiến hành tăng ca để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Tuy nhiên, bên cạnh sự tất bật đó, doanh nghiệp vẫn canh cánh nỗi lo thiếu vốn.
Giao hàng đúng tiến độ
Ông Nguyễn Hữu Hiếu, Giám đốc chi nhánh Hà Nội Công ty TNHH Thương mại Hùng Cường cho biết: Là đơn vị chuyên sản xuất, xuất khẩu chè, Công ty khá bận rộn dịp cuối năm. Đây là thời điểm các đơn đặt hàng dồn dập hơn, sản lượng tiêu thụ cao. Đặc biệt, sát dịp lễ Giáng sinh và tết Dương lịch, thị trường EU mà doanh nghiệp thường xuyên xuất hàng chuẩn bị những kỳ nghỉ dài, khách hàng thường yêu cầu giao hàng kịp thời. Theo ông Hiếu, doanh nghiệp đặc biệt tất bật vào tháng 11 và 12.
Lượng hàng tiêu thụ trong hai tháng này chiếm khoảng 30-40% tổng số hàng tiêu thụ cả năm của Công ty. Mặc dù đã có kế hoạch sớm từ giữa năm nhưng để đảm bảo tiến độ giao hàng, doanh nghiệp cũng phải tăng ca, đặc biệt là bộ phận trực tiếp sản xuất. Đợt tập trung sản xuất sẽ kéo dài tới sát tết Nguyên đán 2013.
Theo đánh giá của ông Hiếu, đối với riêng Công ty Hùng Cường, năm nay sản xuất kinh doanh có tốt hơn một chút so với 2012 nhưng so với vài năm trước thì chưa bằng. Do đặc thù của ngành hoạt động theo mùa vụ nên dự kiến, sau Tết nhịp độ sản xuất của doanh nghiệp sẽ giảm nhanh.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Công ty cổ phần Thúy Đạt (chuyên sản xuất, xuất khẩu hàng dệt may) cho biết: Đã có kế hoạch sớm, nhận đơn đặt hàng theo quý nên hoạt động doanh nghiệp tương đối ổn định, không có biến động lớn. Tuy nhiên, dịp cuối năm, do lượng hàng xuất khẩu tăng nên toàn công ty cũng bận rộn hơn.
Do có những đợt nghỉ dài của tết Dương lịch, lễ Giáng sinh, các đối tác nước ngoài cần lượng hàng lớn để tiêu thụ nên doanh nghiệp cũng ráo riết chuẩn bị giao hàng cho kịp thời. “Tính trung bình, lượng hàng tiêu thụ hai tháng cuối năm tăng hơn khoảng 40% so với các tháng trước đó. Tuy nhiên, do có sự chuẩn bị trước, mỗi tháng doanh nghiệp đều sản xuất dư một phần so với nhu cầu tiêu thụ trong tháng nên áp lực dồn lên những tháng cuối năm không quá lớn”, ông Châu nói.
Tuy nhiên, để đảm bảo tiến độ giao hàng, doanh nghiệp cũng tiến hành tăng ca 24/24h mỗi ngày với những chế độ hợp lý cho người lao động như tăng 150% lương cho những thời điểm tăng ca sản xuất.
Vẫn thấp thỏm nguồn vốn
Cuối năm, nhu cầu hàng hóa lớn, cường độ làm việc cao hơn, do đó nhu cầu về vốn của doanh nghiệp cũng tăng lên. Theo nhiều doanh nghiệp, khó khăn về nguồn vốn đã đeo đẳng doanh nghiệp suốt cả năm lại càng thể hiện rõ rệt ở thời điểm này. Ông Hiếu khẳng định: Cả năm 2013, ngân hàng áp dụng những chính sách thắt chặt cho vay.
Đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, việc tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng càng trở nên khó khăn hơn nhiều. Nhất là trong việc yêu cầu doanh nghiệp phải có tài sản thế chấp khi vay vốn ngân hàng. Ông Hiếu lý giải, Công ty TNHH Thương mại Hùng Cường chỉ có thể đem nhà máy đóng tại các tỉnh ra thế chấp nhưng lại rơi vào tình thế ngân hàng định giá tài sản rất thấp, vốn vay chẳng được là bao.
Mỗi năm, giá định lại thấp hơn một chút khiến cho vốn vay thêm thụt lùi. Ví dụ, trước đây, thế chấp nhà máy, doanh nghiệp vay được khoảng 50 tỷ đồng thì một vài năm trở lại đây chỉ vay được 25 tỷ đồng. Hiện nay, số tiền vay từ ngân hàng chỉ là hơn 10 tỷ đồng. Ngoài ra, nếu như trước đây, doanh nghiệp có thể sử dụng kho hàng để thế chấp thì nay không ngân hàng nào mặn mà hoặc định giá vô cùng thấp khiến bản thân doanh nghiệp cũng thấy nản.
Ông Hiếu hy vọng, trong năm 2014, doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn dễ dàng, thông thoáng hơn. Cùng với đó, ngân hàng sẽ có những chính sách điều chỉnh phù hợp để rộng lối cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Liên quan tới vấn đề này, ông Châu cũng cho rằng, ngày nay doanh nghiệp chỉ cần dài vốn là nắm hơn nửa thắng lợi trong kinh doanh. Tuy nhiên, đúng là trong cả năm qua và nhất là dịp sát Tết, doanh nghiệp thực sự “đói” vốn mà chẳng thể kêu ngân hàng. Đối với doanh nghiệp Thúy Đạt, vốn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh có tới gần 60% là vay ngân hàng cho nên mức độ ảnh hưởng càng lớn.
Nếu như trước đây, doanh nghiệp có thể sử dụng lợi nhuận để quay vòng sản xuất thì nay lợi nhuận ngày càng thấp do lãi suất vay ngân hàng để sản xuất cao mà giá thành bán sản phẩm lại có xu hướng giảm xuống. Ông Đạt lý giải, các doanh nghiệp nước ngoài thường chỉ hoạt động với mức lãi suất ngân hàng khoảng 1-2%/năm. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam thường phải chịu mức lãi suất cao hơn nhiều nên yếu thế hơn, không có sức cạnh tranh.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Phan Hùng Việt, Giám đốc Công ty cổ phần Cao su Hà Nội bày tỏ: 2014 vẫn là năm nhiều khó khăn với các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Do đó, doanh nghiệp hy vọng, lãi suất ngân hàng sẽ được điều chỉnh ổn định ở mức khoảng 6-7%/năm, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, nhất là khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu.
Ông Hùng Việt còn đánh giá, nếu tình hình về nguồn vốn không có nhiều biến chuyển, trên thực tế sẽ có hai xu hướng xảy ra. Thứ nhất, doanh nghiệp sẽ chấp nhận “sống chung với lũ”, co cụm hoạt động, thu hẹp sản xuất lại. Thứ hai, một số doanh nghiệp sẽ phát triển theo hướng không trực tiếp sản xuất, xuất khẩu nữa mà chỉ làm thuê, làm gia công cho doanh nghiệp nước ngoài là chính.