Tất cả cho phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế!
Vừa qua, nhân dân theo dõi sát sao và vui mừng khi thấy Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII vừa bế mạc đã nhìn nhận và đánh giá đúng thực trạng diễn biến của dịch bệnh COVID-19 ở nước ta, đưa ra quan điểm, chủ trương về phòng, chống dịch trong tình hình mới. Đặc biệt, Trung ương nhất trí cho rằng cần đổi mới tư duy, nhận thức đúng đắn hơn về phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh gắn với duy trì, phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh.
Thật sự với GDP tăng trưởng âm tới 6,17% trong quý III năm nay cho thấy chúng ta đã “chạm đáy” suy thoái, chạm ngưỡng của khủng hoảng toàn diện. Cứ nhìn hàng chục vạn lao động nghèo buộc phải rời bỏ các đô thị lớn, vốn là “miền đất hứa”, để trở lại với “bệ đỡ” muôn thủa của nền kinh tế là nông nghiệp, nông thôn cho dù các thành phố lớn mời gọi bà con ở lại, hứa hỗ trợ tối đa, mới rõ hơn thế nào là suy thoái. Rồi hàng nghìn số phận trẻ em mồ côi cha, mẹ do dịch bệnh, gia đình chia lìa mới biết là đợt bùng phát thứ 4 đã tràn qua như một cơn tsunami (sóng thần).
Rồi đây, khi dịch bệnh được kiểm soát, có lẽ nhiều người dân sẽ giữ những tấm phiếu đi chợ trong tuần do phường, tổ dân phố phát, rồi giấy xác nhận tiêm chủng vắc xin COVID-19… như “kỷ vật” về một giai đoạn vô cùng khốn khó khi mà nguy cơ dịch bệnh vẫn lẩn khuất đâu đây, rình rập chúng ta mất cảnh giác lại ập tới.
Các quyết sách của Trung ương tại Hội nghị về kinh tế - xã hội sẽ được Quốc hội, cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân cả nước, thảo luận và thể chế hóa trong các nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách nhà nước, đầu tư công năm 2022 tại Kỳ họp thứ Hai tới, bảo đảm tính sát hợp và khả thi nhất có thể.
Từ đó, cơ quan hành pháp sẽ điều hành công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới, theo đúng yêu cầu của Trung ương và nghị quyết của Quốc hội, thực hiện chính sách tài chính - tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, phục hồi sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa, lao động, nhất là ở các địa phương đã thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài, thúc đẩy xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh đầu tư, bao gồm cả đầu tư công và đầu tư tư nhân.
Những nội dung Trung ương bàn và thông qua tại Hội nghị lần này, chính là những giải pháp “kinh điển” mỗi khi nền kinh tế gặp khủng hoảng. Tuy nhiên mức độ, quy mô, liều lượng các gói kích cầu đầu tư nhà nước, đầu tư tư nhân để tạo ra năng lực sản xuất mới, kích cầu tiêu dùng trong nhân dân phải phù hợp với điều kiện cụ thể của nền kinh tế nước ta, khả năng chịu đựng của ngân sách và tác động nhiều chiều của chính sách, không như một số chuyên gia cứ yêu cầu Chính phủ phải có những gói hỗ trợ khủng như các nước tư bản giàu có.
Các gói hỗ trợ của Nhà nước trong năm 2021, tính gộp các nguồn, đã vào khoảng 10,45 tỷ USD theo công bố của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đây là một sự cố gắng rất lớn của Nhà nước trong việc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khi tăng trưởng âm, thu ngân sách khó khăn, không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Nhân dân trông chờ vào sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, xử lý có hiệu quả các vấn đề tồn đọng, các nút thắt và điểm nghẽn cho phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Trước mắt là xử lý tình trạng cát cứ, “địa phương chủ nghĩa”, chỉ biết lo cho mình của một số địa phương, làm tắc nghẽn “dòng chảy” lao động, chuyên gia, lưu thông hàng hóa, ban hành quá nhiều văn bản hướng dẫn, yêu cầu quá nhiều giấy tờ, thủ tục không hợp lý đối với doanh nghiệp, người lao động... dưới danh nghĩa “chống dịch” để làm khó dễ cho doanh nghiệp, người dân.
Chưa có những chỉ đạo, hướng dẫn phòng, chống dịch, phục hồi sản xuất theo đúng yêu cầu của Trung ương là “thích ứng an toàn, linh hoạt” với tình hình cụ thể của từng địa bàn và chủ yếu là trông chờ vào văn bản chỉ đạo chung cho cả nước mặc dù đã được phân cấp, phân quyền.
Trong đợt bùng phát dịch bệnh vừa qua, chính quyền cơ sở đã cho thấy vị trí, vai trò quan trọng của mình trong việc triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về an sinh xã hội, nắm chắc tình hình cơ sở, không để sót, để lọt đối tượng, địa bàn cần hỗ trợ...
Tuy nhiên, cơ quan công quyền các cấp cũng cần sớm phục hồi hoạt động, đáp ứng các yêu cầu của dân cư trên địa bàn về các thủ tục hành chính, pháp lý, xây dựng, đất đai… để khơi lại “dòng chảy” của cuộc sống trong trạng thái bình thường mới.
Sự nhuần nhuyễn, uyển chuyển, quyết tâm, quyết liệt trong hoạch định và thực thi chính sách phải đồng nhất từ Trung ương tới địa phương, từ Chính phủ tới chính quyền xã, phường thì mới phát huy được tối đa hiệu lực, hiệu quả của chính sách.
Bất kỳ sự ách tắc, vô cảm, thiếu trách nhiệm ở một khâu, một cấp, một địa bàn nào đó đều làm giảm lòng tin của người dân, doanh nghiệp vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế. Đây cũng là một trong những điều được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương.
Không thể lấy lại thời gian đã mất, nhưng sử dụng sao cho hiệu quả thời gian tới để hướng tới tương lai mới là quan trọng nhất.
Theo TS. Trần Văn - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách/daibieunhandan.vn