Khuyến công khu vực phía Nam:
Thách thức giải ngân rất lớn
Tính đến hết tháng 9, kinh phí khuyến công các tỉnh khu vực phía Nam đã thực hiện ước đạt 38,4 tỷ đồng. Kết quả này cao gần gấp đôi năm 2021 song vẫn khá khiêm tốn so với tổng kế hoạch kinh phí được duyệt cho năm 2022 (hơn 100 tỷ đồng). Do đó, mục tiêu hoàn thành 100% đề án được giao trong năm nay là thách thức không nhỏ.
Mới giải ngân 15,6% vốn khuyến công quốc gia
Cục Công Thương địa phương Bộ Công Thương cho biết, năm 2022, tổng kế hoạch kinh phí khuyến công được duyệt của 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam là 102,2 tỷ đồng, cao hơn 61,7% so với kế hoạch năm 2021; trong đó kinh phí khuyến công quốc gia giao theo kế hoạch là 36,5 tỷ đồng, còn lại là khuyến công địa phương.
Tính đến hết tháng 9, kinh phí toàn vùng đã thực hiện ước đạt 38,4 tỷ đồng, tương đương 37,6% kế hoạch năm và cao hơn gần 93% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia thực hiện 5,7 tỷ đồng, đạt 15,6% kế hoạch năm; kinh phí khuyến công địa phương thực hiện 32,7 tỷ đồng đạt 49,8% kế hoạch năm.
Cụ thể, kinh phí khuyến công tập trung nhiều nhất cho hoạt động xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng các mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn, xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường cho cơ sở công nghiệp nông thôn. Tổng kinh phí thực hiện gần 24 tỷ đồng, đạt gần 37% kế hoạch năm.
Bên cạnh đó, vốn khuyến công tập trung cho hoạt động hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn. Dự kiến, trong năm nay sẽ hỗ trợ 646 gian hàng tiêu chuẩn cho 513 lượt cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia các hội chợ triển lãm trong nước; hỗ trợ bình chọn 484 sản phẩm tiêu biểu các cấp cho 471 lượt cơ sở với tổng kinh phí 15,9 tỷ đồng. Tính chung 9 tháng qua, vốn khuyến công đã giải ngân hơn 6 tỷ đồng.
Mặt khác, vốn khuyến công hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, với hơn 150 lao động được đào tạo nghề, 99,4% lao động có việc làm sau đào tạo; tập huấn chuyên đề cho trên 300 đại biểu. Đồng thời, hỗ trợ tư vấn thông tin phát triển công nghiệp nông thôn, công tác truyền thông với tổng kinh phí đã thực hiện hơn 4 tỷ đồng...
Theo đánh giá của Cục Công Thương địa phương, hoạt động khuyến công của các tỉnh khu vực phía Nam đã góp phần hỗ trợ kịp thời và thiết thực đối với nhiều doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn, giúp các cơ sở nhanh chóng khôi phục, tái khởi động sản xuất kinh doanh hậu Covid-19. Tuy vậy, công tác khảo sát xây dựng kế hoạch, thẩm định cấp cơ sở và chất lượng đề án của một số địa phương còn hạn chế, có nơi mang tính thủ tục, việc đăng ký kế hoạch thường xuyên chậm so với quy định. Một số địa phương chưa mạnh dạn xây dựng đề án điểm có quy mô, tạo tính lan tỏa và phát huy lợi thế cạnh tranh. Hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp tuy đã được quan tâm đẩy mạnh, song hiệu quả chưa cao…
Chú trọng công tác phối hợp
Doanh thu tư vấn phát triển công nghiệp sụt giảm
Theo Cục Công Thương địa phương, năm 2021, toàn vùng có 18/20 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Công Thương thực hiện hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp, doanh thu là 13,98 tỷ đồng với 466 dự án, cao hơn so với kế hoạch là 5,95 tỷ đồng. Các địa phương có nguồn thu cao như: Đồng Nai đạt 5,31 tỷ đồng; Đồng Tháp đạt 1,9 tỷ đồng; Vĩnh Long 1,2 tỷ đồng; Long An đạt 1,14 tỷ đồng.
Theo kế hoạch năm 2022, có 16/20 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Công Thương thực hiện tư vấn phát triển công nghiệp, doanh thu dự kiến là 5,83 tỷ đồng, thấp hơn 41,7% so với thực hiện năm 2021. Trong 9 tháng năm 2022, đã tư vấn cho 293 dự án, với doanh thu đạt 4,85 tỷ đồng, đạt 83,19% kế hoạch năm, nhiều địa phương thực hiện vượt kế hoạch năm như Long An, Kiên Giang, Bạc Liêu...
Thực tế, mặc dù tỷ lệ giải ngân vốn khuyến công trong 9 tháng năm nay của các tỉnh khu vực phía Nam vượt xa so với cùng kỳ năm 2021, song mới chỉ đạt dưới 40% kế hoạch năm. Do vậy, để hoàn thành 100% các đề án khuyến công được giao trong năm nay khi quỹ thời gian chỉ còn 3 tháng nữa là nhiệm vụ rất nặng nề.
Trong bối cảnh đó, Cục Công Thương địa phương lưu ý các tỉnh, thành phố trong vùng cần đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các Nghị quyết, Chương trình hành động của Chính phủ, Bộ Công Thương về công tác khuyến công; rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khuyến công của địa phương; nghiên cứu xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật đối với hoạt động khuyến công.
Cùng với đó, đẩy mạnh công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, phổ biến văn bản, quy định về công tác khuyến công để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công; kiện toàn tổ chức, xây dựng đội ngũ lãnh đạo, cán bộ đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Công Thương thực hiện nhiệm vụ về khuyến công theo hướng ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các đề án khuyến công quốc gia trên địa bàn, bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ và nội dung hợp đồng đã ký.
Cục Công Thương địa phương cũng yêu cầu các Sở Công Thương tham mưu UBND cấp tỉnh tăng cường bố trí ngân sách địa phương cho các hoạt động khuyến công trên địa bàn; chú trọng lồng ghép với các dự án, chương trình mục tiêu khác để khuyến khích, thu hút nguồn vốn của cá nhân, tổ chức đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn.
Đồng thời, các tỉnh cần chú trọng công tác phối hợp với Bộ Công Thương, giữa các đơn vị trực thuộc Sở Công Thương về công tác khuyến công và liên kết vùng; tiếp tục tập trung hỗ trợ nội dung xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến nhằm giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn tạo ra được những sản phẩm tiêu biểu, có chất lượng…