Thách thức tài năng điều hành vĩ mô khi giá dầu giảm đáy
(Tài chính) Nhiều chuyên gia cho rằng, để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,2% trong bối cảnh ổn định vĩ mô, tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 5% thì việc dự báo/tính toán sát đường đi cũng như sự biến động của giá dầu gắn với kiểm soát giá cả hàng hóa là vấn đề đặc biệt quan trọng trong điều hành vĩ mô năm 2015.
Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỷ trọng ngành khai khoáng chiếm khoảng 11% GDP, trong đó dầu thô chiếm khoảng 70 - 80%. GDP năm 2015 được dự báo tăng trưởng khoảng 6,2% trong bối cảnh giá dầu thô xuất khẩu ước đạt khoảng 100USD/thùng và giá thành sản xuất mỗi thùng dầu thô dao động từ 40 - 70USD. Thế nhưng, giá dầu thế giới trong năm 2015 vẫn được dự báo sẽ ở mức thấp, dao động quanh ngưỡng 70USD/thùng - tương đương với giá thành sản xuất của Việt Nam, thậm chí giá xuất khẩu thấp hơn giá khai thác. Vì vậy, giới chuyên gia đặc biệt quan tâm đến kịch bản khai thác dầu thô trong năm 2015. Tăng lên hay giảm đi? Hay sẽ giữ nguyên sản lượng khai thác tương ứng với sản lượng của năm 2014? Trong bối cảnh biến động giá dầu diễn biến phức tạp nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp tới điều hành vĩ mô và tăng trưởng kinh tế, nhiều kịch bản về kế hoạch khai thác dầu thô cũng đã được đưa ra. Nhiều quan điểm cho rằng, với giá dầu thô xuất khẩu thấp hơn giá thành sản xuất như hiện nay, nếu tiếp tục gia tăng sản lượng khai thác để xuất khẩu sẽ cùng lúc mất đi nhiều thứ, trong đó có nguồn nguyên liệu và nhân công.
Năm 2015, dự toán thu ngân sách từ dầu thô là 93 nghìn tỷ đồng với kịch bản giá dầu thô là 100USD/thùng. Nếu giá dầu giảm 1USD/thùng, ngân sách sẽ hụt thu hơn 1.000 tỷ đồng. Nếu bình quân giá dầu trong năm 2015 đạt 70USD/thùng thì ngân sách hụt thu khoảng 30.000 tỷ đồng. Nếu giá dầu bình quân thấp hơn 60USD/thùng thì ngân sách sẽ giảm rất lớn.
Viện trưởng Viện Khoa học năng lượng Đoàn Văn Bình cho rằng, hiện nay, nguồn tài nguyên dầu khí của Việt Nam ngày càng hạn chế, khả năng khai thác khó khăn, công nghệ đầu tư lớn nên giá thành khai thác dầu thô ngày càng tăng. Vì vậy, việc sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên này ngay từ bây giờ là vô cùng cần thiết, đặc biệt, trong bối cảnh chúng ta vẫn đang phải nhập khẩu tới khoảng 12 triệu tấn dầu quy đổi, cần nghiên cứu đầu tư chế biến sâu tại nguồn để gia tăng giá trị khai thác và chủ động nguồn xăng dầu từ nội địa. Vì vậy việc chủ động dự trữ và sử dụng tiết kiệm các nguồn tài nguyên hóa thạch như dầu và than là mục tiêu chiến lược. Tuy nhiên, để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia thì xu hướng tất yếu là phải giảm xuất khẩu thô trong đó có dầu và than.
Trong bối cảnh giá dầu giảm sâu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán nếu giảm khoảng 30% sản lượng khai thác dầu thô để xuất khẩu thì tăng trưởng GDP có thể suy giảm từ 0,8 điểm % đến 1,2 điểm %. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, giá dầu thô trong thời gian tới sẽ không thể thấp hơn ngưỡng 60 - 65USD/thùng mà sẽ ổn định quanh ngưỡng 70USD/thùng. Việt Nam là nước xuất khẩu dầu thô nhưng cũng đồng thời là nước nhập khẩu xăng dầu lớn. Vì vậy, cần tính toán giữa thu từ thuế nhập khẩu xăng dầu với khai thác dầu thô ở mức hợp lý trong cân đối vĩ mô 2015. Nhà nước cần có chính sách hài hòa cả xuất khẩu và nhập khẩu, kể cả thuế và những chính sách điều tiết khác để bảo đảm khai thác được lợi ích cao nhất của các hiện tượng xăng dầu giảm và giá thấp cũng như đảm bảo sự công bằng và cạnh tranh, đồng thời duy trì được các nguồn thu, tránh hụt thu ảnh hưởng tới kế hoạch vĩ mô.
Đồng quan điểm này, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu giá dầu thế giới tiếp tục giảm sâu trong thời gian tới, trong bối cảnh giá xăng dầu thành phẩm đang ở mức thấp, cơ quan quản lý nhà nước nên tính tới việc tăng thu thuế từ nguồn nhập khẩu xăng dầu để đồng thời bảo đảm cả nguồn thu ngân sách cũng như gia tăng nguồn lực để ổn định giá xăng dầu một khi có biến động đảo chiều tăng trở lại.
Công tác điều hành năm 2015 cũng đã xác định, quản lý giá có vai trò quan trọng trong mục tiêu bình ổn thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô. Do vậy, công tác điều hành giá phải gắn liền với công tác dự báo và đánh giá nhằm điều hành kịp thời, bám sát tình hình thị trường trong nước và quốc tế. Trong định hướng quản lý, điều hành, bình ổn giá năm 2015 cũng đã chú trọng tới 9 biện pháp, trong đó nhấn mạnh việc tiếp tục điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước theo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thực hiện công khai thông tin về giá, điều hành giá để tạo sự đồng thuận và giám sát từ công luận. Giới chuyên gia đánh giá cao các biện pháp này, nhưng khẳng định nó chỉ có hiệu quả khi được nghiêm túc triển khai trong thực tế.