Thách thức trong quá trình phát triển năng lượng bền vững của ASEAN
Vấn đề tài chính là khó khăn lớn nhất của các quốc gia trong quá trình thực hiện chuyển đổi và phát triển, do vậy điều này đòi hỏi các quốc gia phải nỗ lực và tận dụng thế mạnh của mình.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mỗi quốc gia khác nhau chẳng hạn như mức tăng trưởng bình quân hàng năm của các quốc gia là 5%/năm, nhưng của Lào và Campuchia có thể đạt 7%/năm và thậm chí 8%/năm như đối với trường hợp của Myanmar.
Các quốc gia nên chủ động tìm kiếm hợp tác với các ngân hàng phát triển đa phương như Ngân hàng Thế giới (WB) hoặc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và nghiên cứu đưa ra các lựa chọn về vấn đề nợ mới hoặc vốn chủ sở hữu.
Một công cụ tài chính được xem là lựa chọn tối ưu đối với các nhà đầu tư trong lĩnh vực này là trái phiếu xanh. Trái phiếu xanh tương tự như trái phiếu thông thường nhưng chúng được sử dụng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoặc dự án có lợi cho khí hậu và môi trường sống.
Các dự án năng lượng tái tạo lớn có thời gian hoàn vốn dài hơn có thể tranh thủ sự trợ giúp của Ngân hàng Phát triển Mekong (MDB) hoặc các cơ quan tín dụng khác để tìm kiếm nguồn tài chính. Bên cạnh đó, cần mua bảo hiểm để tránh rủi ro trong quá trình thực hiện.
Bên cạnh vấn đề tài chính để thực hiện các dự án năng lượng tái tạo, các quốc gia ASEAN cũng cần xây dựng chính sách hợp lý đối với việc chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo. Đó chính là việc loại bỏ chính sách trợ giá sử dụng năng lượng truyền thống.
Các quốc gia như Brunei và Malaysia sử dụng một khoản tiền lớn trong ngân sách quốc gia để trợ giá nhiên liệu hóa thạch. Đặc biệt ở Malaysia, vấn đề trợ cấp xăng hoặc dầu diesel là một vấn đề chính trị gây nhiều tranh cãi. Việc loại bỏ các khoản trợ cấp như vậy sẽ có ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống của người dân và ảnh hưởng đến tình hình chính trị đất nước, do đó chính phủ luôn cân nhắc và thận trọng trong việc này.
Sẽ là quá xa vời khi cho rằng người dân của các quốc gia Đông Nam Á sẽ chuyển sang sử dụng xe điện (EV) trong một vài năm tới. Do vậy, trong những năm tới, các quốc gia vẫn phải cung cấp nhiên liệu truyền thống cho người dân, cho ngành vận tải cho đến khi các nhiên liệu sinh học như xăng ethanol, năng lượng Mặt Trời… đáp ứng đủ tiêu chuẩn để đưa vào sử dụng rộng rãi trong cuộc sống.
Tuy nhiên, đối với lĩnh vực phát điện, cần loại bỏ sự phụ thuộc vào nguồn than đá và khí đốt tự nhiên. Điều này có nghĩa là phải loại bỏ các khoản trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch đang được sử dụng để sản xuất điện.
Bên cạnh đó, người dân cần đồng lòng tham gia hưởng ứng việc tạo ra năng lượng tái tạo. Điều này sẽ đem lại sự khích lệ, động viên rất lớn đối với những người đang làm việc trong quá trình sản xuất năng lượng tái tạo.
Thực tế đã chứng minh, các lưới điện tái tạo tại vùng nông thôn của Indonesia, Myanmar và Philippines đã cho thấy năng lượng tái tạo không chỉ tốt cho môi trường mà còn là một giải pháp thiết thực cho ngành điện và đem lại lợi ích to lớn cho những người dân chưa được tiếp cận với ánh sáng điện.
Tóm lại, xây dựng, sản xuất năng lượng tái tạo không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Đó là một nhiệm vụ lâu dài, đầy khó khăn và thử thách. Tuy nhiên, nếu được thực hiện tốt, nó sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho tất cả chúng ta và đó là mục tiêu mà các quốc gia thành viên ASEAN nên hướng tới.