Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Hải quan trong hoạt động báo chí, xuất bản

PV.

Ngày 07/10/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 119/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản. Nghị định đã tăng thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan Hải quan trong lĩnh vực hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Cụ thể, tại Điều 15; điểm a, b và d khoản 2, khoản 4 Điều 30; điểm e khoản 1 và điểm d khoản 2 Điều 31 Nghị định đã quy định rõ những người có thẩm quyền của Hải quan trong xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản đối với các hành vi vi phạm hành chính và phù hợp chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Theo đó, Đội trưởng thuộc Chi cục Hải quan, Đội trưởng thuộc Chi cục kiểm tra sau thông quan có quyền phạt từ mức cảnh cáo đến phạt tiền đến 10 triệu đồng. Chi cục trưởng Chi cục Hải quan, Chi cục trưởng Chi cục kiểm tra sau thông quan, Đội trưởng Đội kiểm soát thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu, Hải đội trưởng Hải đội kiểm soát trên biển và Đội trưởng Đội kiểm soát bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thuộc Cục điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan có quyền phạt tiền đến 50 triệu đồng. Đồng thời, tịch thu tang vật vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại điểm a khoản này; đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điều 3 Nghị định này.

Cục trưởng Cục điều tra chống buôn lậu, Cục trưởng Cục kiểm tra sau thông quan thuộc Tổng cục Hải quan, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có quyền xử phạt tiền đến 100 triệu đồng; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn... Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan có quyền xử phạt tiền đến 200 triệu đồng; tịch thu tang vật vi phạm hành chính; đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điều 3 Nghị định này.

Theo Nghị định số 119/2020/NĐ-CP, những hành vi vi phạm trong hoạt động báo chí, xuất bản thuộc thẩm quyền xử phạt của Hải quan bao gồm:

Thứ nhất, vi phạm quy định về xuất khẩu, nhập khẩu báo chí in (Điều 15).

Thứ hai, nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh nhưng không có giấy phép nhập khẩu, trừ trường hợp không phải cấp giấy phép (điểm a, khoản 2, Điều 30).

Thứ ba, không tái xuất sau khi sử dụng đối với xuất bản phẩm nhập khẩu là tài liệu phục vụ hội thảo, hội nghị quốc tế tại Việt Nam đã được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép tổ chức hoặc là tài sản của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân để sử dụng riêng (điểm b, khoản 2, Điều 30).

Thứ tư, nhập khẩu xuất bản phẩm để kinh doanh nhưng không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận đăng ký nhập khẩu đối với từng xuất bản phẩm (điểm d, khoản 2, Điều 30).

Thứ năm, hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm nhưng không có giấy phép; Xuất khẩu xuất bản phẩm được xuất bản, in trái phép; xuất bản phẩm có quyết định đình chỉ in, đình chỉ phát hành, cấm lưu hành, tịch thu, thu hồi, tiêu hủy, xuất bản phẩm có nội dung bị cấm trong hoạt động xuất bản (khoản 4, Điều 30).

Thứ sáu, phát hành xuất bản phẩm điện tử không đúng nội dung bản thảo hoàn chỉnh đã được duyệt hoặc cấp giấy phép xuất bản đối với từng tên xuất bản phẩm (điểm e khoản 1, Điều 31).

Thứ bảy, không chấp hành yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về việc dừng xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử hoặc loại bỏ, ngăn chặn người sử dụng tiếp cận một phần nội dung hoặc toàn bộ xuất bản phẩm có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật (điểm d khoản 2, Điều 31).

Nghị định này quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản. Nghị định có hiệu lực từ ngày 01/12/2020 và thay thế Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ.