Tổng cục Hải quan yêu cầu đẩy nhanh tiến độ xử lý phế liệu tồn đọng tại các cảng biển
Tổng cục Hải quan vừa yêu cầu một số Cục Hải quan tỉnh, thành phố đẩy nhanh tiến độ xử lý phế liệu tồn đọng tại các biển.
Để triển khai công tác xử lý phế liệu tổng đọng tại cảng biển, Tổng cục Hải quan đã có các văn bản hướng dẫn, đôn đốc Cục Hải quan các tỉnh, thành phố triển khai, thực hiện, tuy nhiên, hiện nay việc xử lý hàng hóa tồn đọng là phế liệu chưa được xử lý dứt điểm.
Tính đến cuối tháng 4/2020, thống kê sơ bộ tại một số cảng của TP. Hồ Chí Minh đã tồn động đến hơn 2.100 container phế liệu (trên 90 ngày chưa thông quan), được đưa vào nhóm kiểm kê, phân loại, trong đó khoảng 70% là rác phế liệu chủ yếu nhập khẩu qua cảng Cát Lái (Quận 2).
Do vậy, để đẩy nhanh tiến độ xử lý hàng hóa tồn đọng là phế liệu tại cảng biển và sớm có kết quả báo cáo Lãnh đạo Bộ Tài chính và Thủ tướng Chính phủ, trong Công văn 5918/TCQH-GSQL ngày 9/9/2020 gửi tới Cục Hải quan TP. Hải Phòng, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu và Cục Hải quan tỉnh Bình Định, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị thực hiện các nội dung sau:
Thứ nhất, về việc phân loại và báo cáo kết quả phân loại
Trước đó, Tổng cục Hải quan đã có Công văn số 6632/TCHQ-GSQL ngày 22/10/2019, Công văn số 3230/TCHQ-GSQL ngày 19/5/2020 hướng dẫn Cục Hải quan các tỉnh, thành phố về việc xử lý hàng hóa tồn đọng là phế liệu tại cảng biển. Tuy nhiên, đến nay, Tổng cục Hải quan chưa nhận được báo cáo kết quả giám định và hoàn thành việc phân loại phế liệu tồn đọng của Cục Hải quan TP. Hải Phòng và Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh. Do vậy, Tổng cục Hải quan đề nghị 02 Cục Hải quan thành phố khẩn trương hoàn thành việc phân loại, giám định và báo cáo kết quả gửi về Tổng cục. Riêng đối với Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, ngày 18/8/2020, Tổng cục Hải quan đã có Công văn số 5457/TCHQ-GSQL yêu cầu khẩn trương tổ chức giám định hàng hóa để hoàn thành việc phân loại, xác định chính xác hàng hóa tồn đọng.
Thứ hai, về việc thực hiện bán đấu giá đối với các lô hàng đã hoàn thành việc phân loại và xác định được chính xác hàng hóa là phế liệu thuộc danh mục theo Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg và đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường
Ngày 29/5/2020, Tổng cục Môi trường đã có Công văn số 1670/TCMT-QLCT về việc xử lý hàng hóa tồn đọng là phế liệu tại cảng biển, trong đó đã thông báo danh sách các cơ sở đã được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất để tham gia tổ chức đấu giá các lô hàng phế liệu tồn đọng. Vì vậy, Tổng cục Hải quan chuyển danh sách DN kèm Công văn số 1670/TCMT-QLCT nêu trên để Cục Hải quan tỉnh, thành phố biết và thông báo cho các DN để nộp hồ sơ tham gia đấu giá theo quy định.
Theo đó, đối với các lô hàng đã hoàn thành việc phân loại, giám định và xác định chính xác là phế liệu thuộc danh mục theo Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg và đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường thì Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện tổ chức bán đấu giá theo quy định cho các DN theo danh sách gửi kèm Công văn số 1670/TCMT-QLCT của Tổng cục Môi trường. Đối với các lô hàng chưa hoàn thành việc phân loại, giám định và chưa xác định được chính xác là phế liệu thuộc danh mục theo Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg và đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường thì Cục Hải quan các tỉnh, thành phố khẩn trương thực hiện phân loại, giám định để sớm kết thúc việc xử lý phế liệu tồn đọng tại cảng biển.
Thứ ba, về việc tái xuất các container phế liệu xác định là chất thải, chất thải nguy hại, phế liệu không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường
Ngày 08/7/2020, Tổng cục Hải quan đã có Công văn số 4589/TCHQ-GSQL hướng dẫn Cục Hải quan các tỉnh, thành phố về việc tái xuất phế liệu tồn đọng. Theo đó, để việc tái xuất container phế liệu tồn đọng đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật, đúng đối tượng, đồng thời việc quay vòng vỏ container không gặp vướng mắc trong công tác kiểm tra, kiểm soát phế liệu nhập khẩu, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện:
- Trước khi thực hiện tái xuất phế liệu tồn đọng, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố lập danh sách, báo cáo các Hãng tàu/Đại lý hãng tàu, số container, số seal về Tổng cục Hải quan để rà soát, thiết lập tiêu chí. Sau khi Tổng cục Hải quan rà soát và thiết lập các tiêu chí quản lý, Tổng cục Hải quan sẽ có văn bản hướng dẫn để Cục Hải quan các tỉnh, thành phố và Hãng tàu/Đại lý hãng tàu thực hiện tái xuất phế liệu tồn đọng.
- Cục Hải quan các tỉnh, thành phố yêu cầu các Hãng tàu/Đại lý hãng tàu cam kết thực hiện tái xuất toàn bộ các lô hàng tồn đọng xác định là chất thải, chất thải nguy hại, phế liệu không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường ra khỏi lãnh thổ Việt Nam để tránh việc lợi dụng chỉ tái xuất lượng hàng hóa còn khả năng tái chế còn để lại cảng biển Việt Nam các loại hàng hóa không còn khả năng tái chế gây ô nhiễm môi trường.
Để có cơ sở báo cáo kết quả xử lý phế liệu tồn đọng tại cảng biển, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố báo cáo kết quả xử lý phế liệu tồn đọng tại cảng biển, cụ thể: Tổng số container phế liệu tồn đọng tính đến 31/8/2020; Tổng số container phế liệu đã hoàn thành thủ tục hải quan nhập khẩu trong năm 2018, năm 2019 và 8 tháng năm 2020 (trong đó nêu rõ tổng số container phế liệu tồn đọng đã hoàn thành thủ tục hải quan nhập khẩu); Tổng số container phế liệu tồn đọng đã tái xuất trong năm 2018, năm 2019 và 8 tháng năm 2020 (trong đó nêu rõ tổng số container phế liệu tồn đọng đã tái xuất)...
Theo báo cáo của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, từ năm 2019 đến nay tình trạng hàng ngàn container, với 70% là hàng phế thải để tồn động, lưu kho tại các bãi cảng quá thời hạn (trên 90 ngày), kiểm kê kết luận không đủ điều kiện nhập khẩu theo quy định, buộc phải xử lý theo quy định. Dù theo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, quy định cấm tiếp nhận hàng nhập khẩu là phế liệu tại các cảng biển trên địa bàn thành phố đã thực hiện từ nhiều năm qua.
Tính đến cuối tháng 4/2020, thống kê sơ bộ tại một số cảng của TP. Hồ Chí Minh đã tồn động đến hơn 2.100 container phế liệu (trên 90 ngày chưa thông quan), được đưa vào nhóm kiểm kê, phân loại, trong đó khoảng 70% là rác phế liệu chủ yếu nhập khẩu qua cảng Cát Lái (Quận 2). Được biết, nhiều container chứa phế thải lẫn nhiều tạp chất, chất độc hại gây ô nhiễm môi trường.
Thời gian qua, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cũng đã chủ động phối hợp với Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn thống kê, phân loại tìm chủ sở hữu hoặc có liên quan đến các lô hàng phế liệu. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan yêu cầu các doanh nghiệp đến chi cục hải quan xác nhận hoặc xác nhận bằng văn bản chính thức việc làm thủ tục nhận hàng và bổ sung thông tin liên quan để được nhập khẩu, hoặc tái xuất. Để hỗ trợ khách hàng, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đã giảm 80% phí lưu bãi đối với các container phế liệu, qua đó góp phần giảm được hàng ngàn container phế liệu tại cảng trong thời gian qua.