Tham vọng Made in China 2025
(Taichinh) - Tuần này, Chính phủ Trung Quốc đã công bố kế hoạch hành động quốc gia đầu tiên về phát triển công nghiệp có tên gọi Made in China 2025. Ngoài ra, Trung Quốc cũng sẽ công bố hai kế hoạch khác nhằm biến Trung Quốc trở thành cường quốc số 1 thế giới vào năm 2049, đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Đối trọng của Make in India
Made in China 2025 ra đời trong bối cảnh sau giai đoạn tăng trưởng nóng, các nhà sản xuất công nghiệp Trung Quốc đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn do cỗ xe kinh tế của Trung Quốc giảm tốc, nhu cầu trong nước suy giảm và sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt từ các đối thủ. Trong quý I.2015, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc chỉ tăng 6,4%, giảm so với con số 8,7% của năm trước.
Mặt khác, trong thời gian gần đây, nhiều nước phát triển và mới nổi đã công bố các chiến lược, kế hoạch phát triển công nghiệp của riêng mình như Industrie 4.0 của Đức hay Make in India của Ấn Độ. Hãng tin Tân Hoa xã dẫn lời một quan chức Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc cho biết, Trung Quốc đang phải chịu áp lực từ hai phía. Các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Đức và Nhật Bản đều đã xây dựng các chính sách nhằm hỗ trợ cho ngành công nghiệp tiếp tục phát triển. Cùng thời điểm đó, các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ và Brazil cũng đang tận dụng các lợi thế riêng có để bắt kịp (Trung Quốc).
Trong số các nước đã công bố chiến lược phát triển công nghiệp, đáng chú ý có Ấn Độ, đối thủ không đội trời chung của Trung Quốc. Tháng 9.2014, chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi đã công bố chiến lược Make in India nhằm khuyến khích các công ty nước ngoài sản xuất sản phẩm của họ ở Ấn Độ. Kể từ đó, sáng kiến trên đã liên tục được ông Modi đưa vào chương trình nghị sự trong các chuyến công du nước ngoài. Ngay trong chuyến thăm Trung Quốc gần đây, Thủ tướng Modi đã tiết lộ nhiều công ty của Trung Quốc có khả năng sẽ đầu tư vào Ấn Độ để tận dụng các tiềm năng của nước này.
Chính vì vậy, cho dù tại thời điểm hiện nay, trình độ phát triển công nghiệp của Trung Quốc cao hơn Ấn Độ nhưng việc Ấn Độ công bố Make in India cũng khiến Trung Quốc hết sức lo ngại. Vì vậy, giới chuyên gia cho rằng, Bắc Kinh đã công bố Made in China 2025 để cạnh tranh với Make in India trong việc thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Kế hoạch đầy tham vọng
Trong Made in China 2025, Bắc Kinh xác định 9 nhiệm vụ ưu tiên để phát triển ngành công nghiệp nước này trong giai đoạn 2015 - 2025 gồm: cải thiện hoạt động đổi mới sáng tạo công nghiệp, kết hợp công nghệ thông tin với công nghiệp, tăng cường nền tảng công nghiệp, khuyến khích phát triển các thương hiệu của riêng Trung Quốc, phát triển công nghiệp xanh, tạo ra các bước đột phá trong 10 ngành trọng điểm, thúc đẩy tái cơ cấu lĩnh vực công nghiệp, phát triển ngành công nghiệp định hướng dịch vụ và các ngành dịch vụ liên quan tới công nghiệp, quốc tế hóa ngành công nghiệp.
Chính phủ Trung Quốc xác định 10 ngành trọng điểm phải có bước đột phá, trong đó có công nghệ thông tin mới, các công cụ kiểm soát số và tự động hóa, trang thiết bị vũ trụ, trang thiết bị cơ khí đại dương và tàu thuyền công nghệ cao, trang thiết bị đường sắt, các phương tiện tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới, trang thiết bị điện, các vật liệu mới, dược phẩm sinh học và các thiết bị y tế, và máy nông nghiệp.
Để hoàn thành 9 nhiệm vụ ưu tiên trên, kế hoạch hành động kéo dài 10 năm này sẽ tập trung vào 5 dự án trọng điểm, trong đó có dự án thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo công nghiệp và dự án thúc đẩy ngành công nghiệp thông minh.
Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Miao Wei cho biết, trong tất cả các dự án được nêu trong Made in China 2025, phát triển ngành công nghiệp thông minh là cực kỳ quan trọng. Công nghiệp thông minh sẽ giúp biến Trung Quốc từ một nước công nghiệp lớn trở thành nước công nghiệp mạnh.
Trước đó, hôm 5.3, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết Trung Quốc sẽ thực hiện song song Made in China 2025 với kế hoạch Internet Plus (Internet cộng) dựa trên cơ sở đổi mới sáng tạo, công nghệ thông minh, internet di động, điện toán đám mây, cơ sở dữ liệu lớn... Tất cả những động thái trên sẽ giúp Trung Quốc lột xác, trở thành thế lực đáng gờm của thế giới.