"Thận trọng nếu phá giá VND"

Theo Diễm Ngọc/diendandoanhnghiep.vn

Đồng USD ngày càng củng cố vị trí trung tâm đối với nền kinh tế toàn cầu, do đó, các nhà đầu tư, doanh nghiệp cần hết sức thận trọng đánh giá quỹ đạo của các đồng tiền trong giao dịch thương mại.

Trước áp lực tỷ giá tăng, các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực xuất nhập khẩu sẽ chịu không ít ảnh hưởng
Trước áp lực tỷ giá tăng, các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực xuất nhập khẩu sẽ chịu không ít ảnh hưởng

Đồng bạc xanh củng cố sức mạnh

Theo tờ SCMP đưa tin, dữ liệu gần đây của Trung Quốc cho thấy nền kinh tế nước này bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc. Trong đó, chỉ số quản lý mua hàng (PMI) đã tăng lên 50,2 điểm trong tháng 6 từ mức 49,6 của tháng 5. Ngoài ra, chỉ số PMI phi sản xuất chính thức cũng phản ánh tâm lý kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ và xây dựng, đạt 54,7 điểm trong tháng 6, trái ngược hẳn với 47,8 điểm của tháng 5.

Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Trung Quốc cho biết, các công ty của Mỹ hoạt động tại nước này báo cáo, đã có những cải thiện nhỏ trong điều kiện kinh doanh, khi Bắc Kinh đưa ra công cụ chính sách để khuyến khích phát triển. Trước đó, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã lưu ý, Trung Quốc đã thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng và không in tiền quá mức trong những năm gần đây. Do hiện nay lạm phát ở Trung Quốc không phải là vấn đề đối với Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, nên ngân hàng trung ương có thể cung cấp hỗ trợ chính sách tiền tệ cho nền kinh tế nếu được yêu cầu.

Hiện tại ngoài Trung Quốc, nhiều ngân hàng trung ương lớn khác, dẫn đầu là Mỹ đang phải chống chọi với lạm phát. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang nỗ lực thắt chặt chính sách tiền tệ bằng cách tăng lãi suất với tốc độ nhanh. Các điều kiện tài chính thắt chặt hơn đó đã giúp chuyển hoá sức mạnh đồng bạc xanh trên thị trường, với vai trò là vị trí trung tâm của nền kinh tế toàn cầu. Hơn lúc nào hết, khả năng phục hồi của đồng bạc xanh đang rất được hoan nghênh lúc này.

Tuy nhiên, chuyên gia tài chính quốc tế Neal Kimberley cho rằng, nếu các sàn giao dịch nước ngoài kết luận, sự quá tay của Fed với chính sách tiền tệ thắt chặt hơn có nguy cơ đẩy nền kinh tế Hoa Kỳ vào suy thoái, thì khi đó sức hấp dẫn của USD có thể mất dần.

Ở những khu vực khác, đơn cử như Ngân hàng Trung ương châu Âu đi sau Fed trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản kiên định với lập trường của riêng mình, các nhà đầu tư dựa trên đồng Euro và đồng Yên bắt đầu xem xét việc mua tài sản ở Trung Quốc và có những tính toán về rủi ro tiền tệ để thực hiện giao dịch.

“Cụ thể, nếu đồng USD sẽ tiếp tục hoạt động tốt so với đồng Euro và đồng Yên, trong khi đồng Nhân dân tệ vẫn tương đối ổn định trên các sàn giao dịch nước ngoài, thì các nhà đầu tư đó có thể tiếp tục đầu tư vào tài sản Trung Quốc một cách bình thường. Điều này sẽ cho phép họ hưởng lợi từ bất kỳ sự tăng giá nào trong tương lai của đồng Nhân dân tệ so với đồng nội tệ của họ.

Giải quyết rủi ro tỷ giá hối đoái trong các khoản đầu tư xuyên biên giới không có gì mới, nhưng điều khiến tình hình hiện nay trở nên đáng chú ý là cần phải tách biệt giữa quan điểm lạc quan về triển vọng kinh tế Trung Quốc với kỳ vọng về sức mạnh của đồng NDT trên thị trường”, vị chuyên gia khuyến cáo.

Sức ép với Việt Nam

Tại Việt Nam, sức ép tỷ giá cũng đang có chiều hướng căng thẳng. Ngân hàng UOB cũng khuyến cáo, động thái tăng lãi suất quyết liệt của Fed và lo ngại suy thoái tại Trung Quốc, khiến các đồng tiền châu Á chịu áp lực giảm giá (Chỉ số các đồng tiền châu Á – ADXY đã giảm hơn 4% trong quý II), trong đó VND không đứng ngoài xu thế. Mặc dù triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ và lạm phát trong nước vẫn được kiểm soát, xu hướng giảm của VND có phần khiêm tốn, nhưng tỷ giá USD/VND đã tăng khoảng 1,7% trong quý II/2022 lên 23.215, mức cao nhất kể từ tháng 8/2020.

“Để phản ánh xu hướng này, chúng tôi cập nhật dự báo tỷ giá USD/VND sẽ đạt mốc 23.400 VND/USD trong quý III/2022, 23.500 VND/USD trong quý IV/2022, 23.550 VND/USD trong quý I/2023 và 23.600 VND/USD trong quý II/2023”, Ngân hàng UOB dự báo.

Trước áp lực tỷ giá tăng, các doanh nghiệp nhất là trong lĩnh vực xuất nhập khẩu sẽ chịu không ít ảnh hưởng. Về vấn đề này, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính nhận định, trong điều kiện thị trường hàng hóa thế giới và thị trường ngoại hối có nhiều biến động như hiện nay, nếu phá giá VND không hẳn có lợi cho xuất khẩu, mà còn có nguy cơ tạo ra nhập khẩu lạm phát, vì phần lớn hàng xuất khẩu của Việt Nam có hàm lượng giá trị nhập khẩu lớn. Chưa kể nhiều mặt hàng sản xuất để tiêu thụ trong nước cũng phải nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu, phụ tùng, linh kiện từ nước ngoài.

Do đó, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu phải chú ý đến tỷ giá hối đoái giữa VND và các đồng tiền thanh toán ngoại thương, để lựa chọn thị trường xuất khẩu, nhập khẩu và lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi cho doanh nghiệp mình. Tốt nhất, nên đa dạng hoá các đồng tiền thanh toán quốc tế, tránh việc sử dụng chỉ đồng USD.

Hiện nay, nền kinh tế trong nước cũng như toàn cầu phải đối mặt với các vấn đề về tỷ giá hối đoái thay đổi, lạm phát tăng, một số thị trường tài sản có thể biến động và rủi ro tài chính mở rộng. Đáng chú ý là lạm phát, ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine, dịch bệnh tại Trung Quốc đều tác động đến một số thị trường trọng điểm của Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, EU. Vì vậy, việc xây dựng chiến lược thương mại trung hạn dựa trên những dữ liệu mới về thị trường là cần thiết với các doanh nghiệp nếu tình trạng kể trên kéo dài. Cụ thể, kế hoạch kinh doanh năm 2022 - 2023 nên được điều chỉnh theo hướng lãi suất tăng, các chính sách hỗ trợ phục hồi như giãn hoãn nợ, thuế… giảm dần hiệu lực.

Ngoài ra, các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu lớn, thường xuyên nên lựa chọn những ngân hàng có khả năng tài trợ thương mại tốt, cung cấp các dịch vụ phòng ngừa rủi ro hối đoái đơn giản, thuận lợi. Trên cơ sở các hợp đồng Swap, mua bán kỳ hạn đảm bảo cho các hoạt động xuất nhập khẩu được kế hoạch hoá một cách khoa học, dài hạn. Điều đó sẽ tạo lòng tin cho ngân hàng tài trợ cũng như là các khách hàng quốc tế của mình, để có thể ứng phó được với bất cứ rủi ro thị trường nào bao gồm cả đứt gãy chuỗi cung ứng, rủi ro lạm phát, tiền tệ… phát sinh.