Sức ép tỷ giá khi Fed tăng lãi suất

Theo Diễm Ngọc/diendandoanhnghiep.vn

Khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thực sự tăng lãi suất thì sức ép tới tỷ giá của Việt Nam cần phải nghiên cứu rất kỹ, đặc biệt là ở khu vực các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Theo chuyên gia, Fedthực sự tăng lãi suất thì sức ép tới tỷ giá cần phải nghiên cứu rất kỹ
Theo chuyên gia, Fedthực sự tăng lãi suất thì sức ép tới tỷ giá cần phải nghiên cứu rất kỹ

Fed đã quyết định đã tăng lãi suất thêm 0,75% trong cuộc họp mới đây, như một động thái tích cực nhằm giải quyết tình trạng lạm phát nóng đang gây ảnh hưởng đến nền kinh tế nước này.

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital, việc quan sát vĩ mô không chỉ trên thế giới mà cả ở Việt Nam là vô cùng quan trọng, chỉ tập trung vào một vài biến số sẽ giúp chúng ta thấy được bức tranh toàn cảnh về nền kinh tế.

Khi Fed tăng lãi suất, lại có một chu kỳ kinh tế mới bắt đầu. Có một số điểm cần lưu ý đó là, trong 6 kỳ họp sắp tới, mọi người đều cho rằng từ nay đến cuối năm Fed sẽ tăng thêm 1,75% nữa, nghĩa là sãi suất có thể tăng khoảng 1,9% vào cuối năm 2022; 2,8%vào năm 2023 và khoảng 2,8% vào năm 2024.

“Khi Fed thay đổi lãi suất sẽ dẫn đến sự thay đổi đối với các doanh nghiệp, cá nhân, các khoản cho vay ngắn hạn từ thẻ tín dụng, đến dài hạn như mua nhà và sẽ đẩy nền kinh tế vào một chu kỳ thắt chặt. Có một điểm vô cùng quan trọng ngoài đánh giá về lãi suất, mà còn bao gồm kỳ vọng về tăng trưởng GDP. Trước đó, nhiều người nghĩ tăng trưởng GDP năm 2022 của Mỹ sẽ từ 3,8 - 3,9%. Tuy nhiên ở kỳ họp lần này, với những yêu tố kinh tế mới, một số người có suy nghĩ bi quan hơn khi GDP chỉ tăng trưởng ở mức 2-2,1%, nếu lạm phát 7% thì nền kinh tế sẽ có tốc độ tăng trưởng âm; còn đa phần mọi người kỳ vọng ở mức 3-3,1%”, ông Tuấn phân tích và đưa ra dự báo trước khi Fed thực thi liên tiếp các đợt tăng lãi suất trong 3 tháng qua. 

Vị CEO cũng nhận xét, kỳ vọng tăng trưởng kinh tế của các thành viên Uỷ ban Thị trường mở Liên bang đều bi quan hơn so với kỳ họp 3 tháng trước, vì bối cảnh địa chính trị đã hoàn toàn khác.

Bên cạnh môi trường kinh tế thay đổi, trong thời gian gần đây vấn đề đình đốn và lạm phát cũng được nhắc đến rất nhiều. Liệu có phải cứ thấy lạm phát tăng cao, GDP tăng trưởng thấp thì là đình lạm xảy ra hay không? Điều này là không hoàn toàn đúng vì còn cần một yếu tố nữa là tỷ lệ thất nghiệp.

Trong kỳ này, Fed cũng đã công bố tỷ lệ thất nghiệp khoảng 3,4-3,5%. Đây là mức vẫn ổn, nếu tỷ lệ thất nghiệp tăng theo, thì nền kinh tế mới thực sự đáng lo, khi đó mới xảy ra hiện tượng đình đốn và lạm phát.

“Về ảnh hưởng của Fed tới Việt Nam, chúng ta thấy rằng, chính sách Việt Nam đang có sự lệch pha so với Mỹ khi Chính phủ vẫn đang muốn kích thích nền kinh tế. Nhiều người cũng đặt câu hỏi ảnh hưởng của Fed tới thị trường Việt Nam ra sao, theo quan điểm của tôi tác động của nó sẽ không quá mạnh mẽ. Thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam không bị tác động lớn bởi thị trường chứng khoán Mỹ. Thậm chí khi lãi suất tăng, thì thị trường chứng khoán Việt Nam cũng tăng theo, vì thế còn có một số yếu tố khác cần phải quan sát”, vị CEO lý giải.

Về vấn đề này, ông Phan Lê Thành Long, chuyên gia kinh tế cho rằng, tác động từ thị trường Trung Quốc tới Việt Nam còn lớn hơn nhiều. Nhưng Mỹ có những tác động đặc biệt với thị trường tài chính đó là về tâm lý, khi tâm lý của các thị trường chứng khoán trên thế giới bị ảnh hưởng, thì dòng vốn vào các thị trường cận biên và thị trường mới nổi như Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng.

Ông Tuấn bổ sung thêm, nếu có tác động và tác động rõ nét nhất của việc tăng lãi suất của Mỹ đến Việt Nam đó là vấn đề tỷ giá. Như đầu năm vừa qua có biến động nhỏ về tỷ giá liên quan đến chính sách, nhưng khi Fed thực sự tăng lãi suất thì sức ép tới tỷ giá cần phải nghiên cứu rất kỹ. “Với nền kinh tế có độ mở lớn như ở Việt Nam, chúng ta sẽ thấy rõ nhất ở các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và sự ảnh hưởng đến từng doanh nghiệp. Vì thế những người đầu tư, ủy thác đầu tư, hoặc đầu tư vào các quỹ cần phải thận trọng xem xét họ đầu tư vào những doanh nghiệp như thế nào”.

Trong nửa đầu năm 2022, các đồng tiền trong khu vực như Nhân dân tệ của Trung Quốc, Won Hàn Quốc, Bath Thái Lan, Yên Nhật Bản… đều mất giá mạnh so với USD. Trong khi đó, các quốc gia trong khu vực nêu trên đều là các đối tác quan trọng về các quan hệ thương mại và đầu tư đối với Việt Nam. Trong bối cảnh này, Ngân hàng Nhà nước theo chỉ đạo của Chính phủ đã xác định mục tiêu vẫn duy trì ổn định tỷ giá và cho đến nay, đồng Việt Nam cũng chỉ giảm giá rất nhẹ so với USD.

Theo đánh giá của Công ty chứng khoán VNDirect, với việc Fed đẩy nhanh lộ trình tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, dư địa để Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng đang ngày một thu hẹp. Tuy vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ nỗ lực duy trì chính sách tiền tệ “phù hợp”, chưa vội thắt chặt chính sách ngay để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và ổn định thị trường. Mặc dù áp lực lạm phát trong nước dự kiến sẽ gia tăng trong những tháng tới, nhưng chỉ số giá tiêu dùng bình quân nửa đầu năm 2022 dự báo ở mức 2,5% so với cùng kỳ, vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu của Chính phủ là 4%.

Ngoài ra, nhu cầu trong nước vẫn yếu và chưa phục hồi hoàn toàn về mức trước đại dịch và Ngân hàng Nhà nước vẫn ưu tiên mục tiêu duy trì lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi.