Tháng 1/2016 thu nội địa tăng 5,8% so với cùng kỳ 2015
Nhìn chung, trong năm 2016 tình hình kinh tế vĩ mô rất khó khăn, nhiều yếu tố bất lợi tác động tới nền kinh tế... đòi hỏi ngành tài chính phải nỗ lực hơn nữa để thực hiện nhiệm vụ tài khóa được giao. Số liệu cân đối NSNN tháng 1/2016 đã phản ánh rõ điều này.
Tình hình kinh tế thế giới tác động vào Việt Nam
Giá dầu thế giới tháng 1/2016 diễn biến theo xu hướng giảm. Giá dầu WTI và Brent bình quân tháng 1 lần lượt là 31,61 USD/thùng và 30,34 USD/thùng, giảm 15% và 20,16% so với tháng 12/2015.
- CPI tháng 1/2016 không tăng so với tháng 12/2015, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2015.
- Đầu tư trong nước tiếp tục khả quan nhờ GDP tăng trưởng tốt và ổn định kinh tế vĩ mô cũng như những cam kết FTA mà Việt Nam đã và sẽ ký kết.
- Lãi suất liên ngân hàng có xu hướng tăng nhanh kể từ cuối năm 2015. Lãi suất bình quân liên ngân hàng qua đêm là 4,94%/năm, là mức cao nhất trong 2 năm trở lại đây. Tuy nhiên mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay tiếp tục được duy trì ổn định.
- Tỷ giá VND/USD đã được điều hành theo cơ chế tỷ giá trung tâm trên thị trường ngoại hối chính thức từ ngày 04/01/2016 và có xu hướng tăng dần. Tuy nhiên, tỷ giá trung bình của NHTM và tỷ giá tự do trong tháng 1/2016 lại đang có xu hướng giảm, lần lượt ở các mức bình quân là 22.408 VND/USD và 22.535 VND/USD, thấp nhất 3 tháng gần đây (tính đến 22/1/2016).
- Thị trường cổ phiếu giảm điểm trong tháng 1/2016. Chỉ số VnIndex đạt mức 522 điểm (ngày 22/1), giảm 56 điểm tương ứng giảm 9,8% so với cuối năm 2015 (31/12).
Tình hình thực hiện dự toán NSNN tháng 01 năm 2016
Về thu ngân sách nhà nước
Tổng thu NSNN tháng 1 ước đạt 102,6 nghìn tỷ đồng, bằng 10,1% dự toán, bằng 95% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó:
Thu nội địa: Ước đạt 93 nghìn tỷ đồng, bằng 11,8% dự toán, tăng 5,8% so với cùng kỳ 2015; trong đó thu nội địa trừ thu từ đất ước đạt 85 nghìn tỷ đồng, bằng 11,6% dự toán, tăng 7,6% so với cùng kỳ 2015. Các khoản thu quan trọng đều đạt khá và cao hơn cùng kỳ năm 2015, như: thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt 14,6% dự toán, tăng 14,2%; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 14,4% dự toán, tăng 13,7%; thuế thu nhập cá nhân đạt 11% dự toán, tăng 20%... Đạt được kết quả trên do sự phát triển khả quan của kinh tế vĩ mô, bên cạnh đó, cơ quan Thuế cũng đã chủ động vào cuộc, với quyết tâm cao đảm bảo thu đúng, đủ, kịp thời các khoản phát sinh.
Thu từ dầu thô: Ước đạt 3,2 nghìn tỷ đồng, bằng 5,9% dự toán, giảm 65,7% so cùng kỳ năm 2015. Nguyên nhân do giá dầu thô trên thị trường giảm, xoay quanh mức 30 USD/thùng. Do có độ trễ trong thanh toán, giá dầu của Việt Nam bình quân trong tháng 1/2016 ước khoảng 38 USD/thùng, giảm 22 USD/thùng so với giá xây dựng dự toán.
Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu: ước đạt 17,8 nghìn tỷ đồng, bằng 6,6% dự toán, giảm 19,8% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu do giá dầu thô và các sản phẩm hóa dầu xuất nhập khẩu giảm mạnh; đồng thời, kim ngạch của một số mặt hàng nhập khẩu có đóng góp số thu lớn cho NSNN giảm (như: ô tô nguyên chiếc giảm 51,6% về lượng, giảm 55,9% về trị giá; sắt thép các loại giảm 21,6% về lượng, giảm 20,9% về trị giá; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác giảm 4,8% về trị giá,...). Sau khi hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ (11,5 nghìn tỷ đồng), thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 6,3 nghìn tỷ đồng, bằng 3,7% dự toán, giảm 41,1% so với tháng 1/2015.
Về chi ngân sách nhà nước:
Tổng chi NSNN tháng 1/2016 ước đạt 107,86 nghìn tỷ đồng, bằng 8,5% dự toán, tập trung đảm bảo các nhu cầu chi phát triển KT-XH, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước (chiếm 63,6% tổng chi) và chi trả nợ (chiếm 19,4% tổng chi).
Chi đầu tư phát triển và đầu tư XDCB đạt thấp, do đang trong quá trình phân bổ, thông báo kế hoạch vốn cho các chủ đầu tư nên thực hiện chủ yếu là thanh toán vốn cho các dự án chuyển tiếp thuộc các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, đê điều và một số dự án quan trọng đảm bảo quốc phòng, an ninh. Để tạo điều kiện cho các đơn vị triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyên môn ngay từ đầu năm, ngành Tài chính đã chủ động tạm cấp kinh phí tháng 1/2016 cho các đơn vị đang trong thời gian chờ phân bổ dự toán; thực hiện chi trả trước tiền lương hưu và các khoản trợ cấp đến hết tháng 2/2016 cho các đối tượng là người có công với cách mạng, người hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội vui đón Tết.
Bội chi NSNN tháng 1/2016: ước 5,26 nghìn tỷ đồng, được bù đắp bằng nguồn vay trong nước và ngoài nước.
Về tình hình huy động vốn cho NSNN và đầu tư phát triển được 10,776 nghìn tỷ đồng, đạt 14,2% kế hoạch Quý I/2016.
Trong tháng 1/2016, do dầu thô giảm giá làm ảnh hưởng nguồn thu, tuy nhiên, nhờ nguồn thu nội địa tăng nên đảm bảo đủ nguồn để chi. Có thể nói, hầu hết các chỉ tiêu thu-chi đều cố gắng đạt kế hoạch đề ra dù tình hình kinh tế vĩ mô có nhiều khó khăn.