Thành tựu nổi bật trong công tác điều hành tài chính – NSNN năm 2015
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo sát sao, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ, vào cuộc quyết liệt, có hiệu quả của các cấp, các ngành và địa phương, sự nỗ lực phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước cùng với 7 nhóm giải pháp điều hành tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015, ngành Tài chính đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Trước tình hình còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là giá dầu thế giới giảm sâu và khó dự báo, làm giảm thu NSTW; thị trường tiền tệ thế giới biến động phức tạp, gây áp lực lên tỷ giá, năm 2015, ngành Tài chính đã triển khai 7 nhóm giải pháp điều hành tài chính – NSNN, thu được kết quả cụ thể trên các mặt sau:
Một, điều hành thu, chi NSNN chủ động, chặt chẽ, tiết kiệm, giữ vững cân đối ngân sách; tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính:
Tình hình thu ngân sách: Ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã phối hợp cùng các Bộ KH&ĐT, Bộ Công thương đánh giá, dự báo tình hình và báo cáo các kịch bản giá dầu (40-50-60 USD/thùng), trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 06/CT-TTg tăng cường chỉ đạo, điều hành, thúc đẩy phát triển SX- KD, phấn đấu tăng thu NSNN để bù đắp giảm thu do giá dầu, điều hành chi NSNN cơ bản theo dự toán, chặt chẽ, tiết kiệm, giữ bội chi NSNN trong phạm vi Quốc hội cho phép. Thực tế năm 2015 diễn ra trong phạm vi kịch bản đã được dự tính với giá dầu bình quân cả năm khoảng 55 - 56 USD/thùng.
Bộ Tài chính đã chỉ đạo làm tốt hơn công tác thu NSNN (đặc biệt là thu NSTW); tăng cường các biện pháp thu NSĐP (đã thu trên 39 nghìn tỷ đồng nợ thuế nội địa tại thời điểm 31/12/2015), công khai số nợ thuế của từng địa phương, từng doanh nghiệp. Nhờ vậy, kết quả thu NSNN đã đạt khá hơn dự báo.
Đến ngày 28/12/2015, thu cân đối NSNN đạt xấp xỉ 957 nghìn tỷ đồng (đạt 105% dự toán), bằng 103,1% số ước thu cả năm đã báo cáo Quốc hội; trong đó: thu nội địa đạt 110,9% dự toán, bằng 103,1% số báo cáo Quốc hội; thu dầu thô đạt 73,1% dự toán, bằng 111,4% số báo cáo Quốc hội; thu cân đối từ hoạt động XNK đạt 98,2% dự toán và số báo cáo Quốc hội. Hầu hết các địa phương đều thu đạt và vượt dự toán được giao.
Tình hình chi ngân sách: Ngành đã thực hiện điều hành chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả chi NSNN ngay từ đầu năm; Bộ Tài chính đã trình và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép cắt giảm 4.143 tỷ đồng kinh phí tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên 8 tháng cuối năm của các bộ, cơ quan Trung ương và dự phòng NSTW để bù đắp hụt thu NSTW; yêu cầu các địa phương chủ động xử lý nguồn thu, đảm bảo yêu cầu chi cho các nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt là chi tiền lương và các chế độ ASXH, góp phần tăng cường quản lý chi, cải cách thủ tục hành chính và công khai, minh bạch.
Hai, đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, tái cơ cấu nền kinh tế, tạo môi trường thuận lợi phát triển SX-KD, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia:
Làm tốt công tác xây dựng luật: Bộ Tài chính đã hoàn thành 100% kế hoạch xây dựng luật của Quốc hội, nghị quyết của UBTVQH; trong đó 3 luật và2 Nghị quyết đã được Quốc hội và UBTVQH thông qua (Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán, Luật Phí và lệ phí; Nghị quyết của UBTVQH số 888a/2015/UBTVQH13 ngày 10/3/2015; Nghị quyết số 1084/2015/UBTVQH13 ngày 10/12/2015); 2 luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 (Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế). Đã trình Chính phủ ban hành rất nhiều nghị định, quyết định. Đã ban hành gần 200 thông tư, thông tư liên tịch. Tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến văn bản, chính sách, chế độ mới; hỗ trợ và tư vấn pháp luật về thuế; thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại với doanh nghiệp để nắm bắt tình hình, giải đáp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Triển khai quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ. Cơ quan Thuế đã rà soát, chuẩn hoá 70 quy trình, quy chế, cắt giảm 63 thủ tục, đơn giản hóa 50 thủ tục; cơ quan Hải quan đã ban hành mới 23 thủ tục, thay thế 128 thủ tục, bãi bỏ 84 thủ tục, đề xuất phương án đơn giản hóa 11 thủ tục. Tính chung, năm 2015 đã giảm thêm được 50 giờ nộp thuế, đưa tổng số giờ nộp thuế xuống còn 117 giờ, vượt mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 19/NQ-CP là 121,5 giờ. Mở rộng áp dụng kê khai, nộp thuế điện tử trên phạm vi cả nước (tính đến 30/10/2015, đã thực hiện khai thuế qua mạng đối với 98,95% số doanh nghiệp thuộc diện quản lý thuế nội địa); triển khai hải quan điện tử tại 100% cục và chi cục hải quan địa phương. Chính thức thực hiện cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và kết nối kỹ thuật cơ chế một cửa ASEAN (ASW) từ tháng 9/2015. Những nỗ lực cải cách trong quản lý hành chính thuế, hải quan đã được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá rất cao.
Đẩy mạnh tái cơ cấu:
Về cơ cấu đầu tư công: Bộ Tài chính đã tham gia, phối hợp cùng với Bộ KH&ĐT xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Đầu tư công. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc sử dụng vốn đầu tư từ NSNN, vốn TPCP, vốn ODA, vốn tín dụng đầu tư nhà nước. Kiểm soát chi chặt chẽ qua KBNN, đảm bảo đúng quy định, tạo thuận lợi cho các chủ đầu tư, thúc đẩy giải ngân vốn.
Về tái cấu trúc thị trường tài chính: Đối với thị trường chứng khoán, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 60/2015/NĐ-CP (có nội dung mới về tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài và gắn kết việc cổ phần hóa với việc đăng ký giao dịch trên sở giao dịch chứng khoán). Tăng số lượng công ty niêm yết, tăng nhà đầu tư tổ chức; tập trung tái cơ cấu công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo hướng giảm số lượng, nâng cao chất lượng dịch vụ. Quy mô thị trường năm 2015 tăng khoảng 20% so năm 2014 và đạt 34% GDP. Đối với thị trường bảo hiểm, Bộ Tài chính đã tập trung chỉ đạo phát triển các nghiệp vụ, sản phẩm bảo hiểm mới (như: bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động xây dựng, bảo hiểm tàu cá, thuyền viên theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, bảo hiểm hưu trí tự nguyện,...). Năm 2015 doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường tăng 21,4%, đầu tư trở lại nền kinh tế tăng 16% so năm 2014. Các mục tiêu Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm giai đoạn 2011-2015 đều đạt kế hoạch đề ra.
Về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách về cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước, Bộ Tài chính đã trình ban hành Nghị định số 87/2015/NĐ-CP về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; Nghị định số 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp; Quyết định số 41/2015/QĐ-TTg về việc bán cổ phần theo lô, để thu hút các nhà đầu tư, góp phần đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu DNNN. Đồng thời, tích cực phối hợp và đôn đốc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước khẩn trương triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu theo tinh thần Quyết định số 929/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tính đến tháng 12/2015, đã cổ phần hóa thêm 173 doanh nghiệp (nâng số doanh nghiệp được cổ phần hóa từ năm 2011 đến nay là 422 doanh nghiệp, đạt 78% kế hoạch); đã thoái vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm (chứng khoán; ngân hàng, tài chính; bảo hiểm; bất động sản và quỹ đầu tư) là 4.975 tỷ đồng.
Ba, tăng cường quản lý thị trường, giá cả, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô:
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2015 tăng 0,6% so với tháng 12/2014 (mức thấp kỷ lục trong vòng 14 năm qua). Ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện các chính sách, chế độ về quản lý giá; công khai, minh bạch trong điều hành giá; tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động đăng ký, kê khai giá, kiểm soát chặt chẽ phương án giá và mức giá đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, đặt hàng; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về giá, tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Trong năm, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công thương và các bộ, ngành có liên quan thực hiện điều chỉnh giá điện (tăng 7,5% vào tháng 3/2015); tiếp tục điều hành giá than theo cơ chế thị trường; điều hành giá xăng dầu linh hoạt theo thị trường (đã 21 lần điều hành giá xăng, dầu); trình Chính phủ quyết định bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi bằng biện pháp xác định giá tối đa đến hết ngày 31/12/2016; chuẩn bị các điều kiện để điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục, y tế để phản ánh sát hơn chi phí thực tế. Đồng thời, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện kê khai giá các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, hãng tàu biển, doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu...; qua đó, phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm.
Bốn, quản lý nợ công chủ động, tích cực; từng bước tái cơ cấu nợ, hướng tới bền vững:
Năm 2015, nhiệm vụ huy động vốn lớn (436 nghìn tỷ đồng, tăng 35 nghìn tỷ đồng so năm 2014); đặc biệt, phải phải thực hiện yêu cầu chỉ phát hành TPCP kỳ hạn từ 5 năm trở lên theo Nghị quyết của Quốc hội trong phần lớn thời gian của năm 2015; đây là thách thức rất lớn. Trên cơ sở kế hoạch vay, trả nợ năm 2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Tài chính đã chủ động triển khai quyết liệt các giải pháp huy động vốn, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho phép đa dạng hóa kỳ hạn trái phiếu (thêm trái phiếu kỳ hạn 3 năm) nhằm tăng khả năng huy động vốn và giảm lãi suất phát hành. Nhờ đó, đã hoàn thành nhiệm vụ phát hành TPCP được giao, đảm bảo nguồn đáp ứng các nhiệm vụ chi NSNN và đầu tư các dự án nguồn vốn TPCP.
Quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg; Tăng cường quản lý chặt chẽ nợ của chính quyền địa phương. Tăng phát hành TPCP kỳ hạn dài (kỳ hạn bình quân tăng từ 4,8 năm trong năm 2014 lên 7,12 năm trong năm 2015); giảm lãi suất trái phiếu phát hành (giảm khoảng 0,47% so năm 2014), góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu nợ công. Dự kiến dư nợ công đến hết năm 2015 khoảng 61,3%GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 48,9%GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 41,5%GDP, đảm bảo các chỉ tiêu nợ trong giới hạn cho phép, không tác động lớn đến kinh tế vĩ mô.
Năm, thực hiện đổi mới cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập: Bộ Tài chính đã trình ban hành Nghị định số 16/2015/NĐ-CP về cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập; Quyết định số 695/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch triển khai thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP.
Sáu, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tài chính-ngân sách: Trong năm 2015, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ đã triển khai thực hiện 75,6 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra trong các lĩnh vực: quản lý, điều hành ngân sách; quản lý, sử dụng vốn đầu tư; kinh phí tại các đơn vị hành chính, sự nghiệp, quỹ tài chính; quản lý tài chính doanh nghiệp; quản lý giá, thuế, hải quan, dự trữ quốc gia, dịch vụ chứng khoán, bảo hiểm. Qua đó đã phát hiện, kiến nghị xử lý về tài chính trên 38,6 nghìn tỷ đồng (trong đó: kiến nghị nộp NSNN 15,25 nghìn tỷ đồng; giảm khấu trừ 1,16 nghìn tỷ đồng; giảm lỗ 19,6 nghìn tỷ đồng; giảm trừ dự toán kinh phí, giảm trừ cấp phát kinh phí 882,9 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính 175,5 tỷ đồng), đã thực hiện xử lý 15,9 nghìn tỷ đồng; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, góp phần tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính.
Bẩy, tích cực, chủ động hội nhập, tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế: Bộ Tài chính đã tích cực tham gia các hoạt động hợp tác tài chính khu vực ASEAN, ASEAN+3, APEC, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) và G20; tích cực triển khai xây dựng phương án đàm phán, phương án kết thúc các hiệp định thương mại tự do (FTA). Tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp hội nhập và hợp tác tài chính quốc tế nhằm tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp, gián tiếp từ nước ngoài, thu hút vốn ODA và các nguồn vốn trung và dài hạn khác phục vụ phát triển sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thực hiện lộ trình cắt giảm thuế trong khuôn khổ 10 FTA đã ký kết; đã tiếp tục rà soát, xây dựng, chuyển đổi các biểu thuế suất; đánh giá tác động của các FTA đến thu NSNN để có giải pháp chủ động trong điều hành, đặc biệt là khi Hiệp định TPP và Việt Nam – EU có hiệu lực thi hành.
Thành tựu đạt được trong năm 2015
và cả giai đoạn 2011-2015
Năm 2015 nền kinh tế tiếp tục chuyển biến tích cực, tăng trưởng kinh tế ước đạt 6,68%, vượt mục tiêu đề ra (6,2%); lạm phát thấp (chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,6%); tín dụng tăng trưởng khá; sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng...
Quy mô thu NSNN giai đoạn 2011-2015 bằng gần 2 lần giai đoạn 2006-2010 và bằng hơn 5 lần giai đoạn 2001-2005.
Tỷ lệ huy động từ thuế, phí vào NSNN bình quân khoảng 21%GDP, khá sát với Nghị quyết Quốc hội (không quá 22-23%GDP).
Cơ cấu thu đã có chuyển biến tích cực, thu nội địa chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng thu NSNN (giai đoạn 2011-2015 khoảng 68%, trong đó năm 2015 khoảng 74%, cao hơn mục tiêu đề ra là 70%).