Tháng 5: Thời điểm sàng lọc cổ phiếu chất lượng
VN-Index sau nhịp điều chỉnh đã về lại vùng định giá hấp dẫn trong dài hạn (11 lần), nhà đầu tư nên tận dụng biến động để tích lũy những cổ phiếu của doanh nghiệp hồi phục và có kết quả kinh doanh tốt.
Hướng đến tăng trưởng bền vững và phục hồi
Sau chuỗi tăng 5 tháng liên tiếp, thị trường biến động giảm trong tháng 4 khi lực bán quyết liệt hơn trước lo ngại Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trì hoãn giảm lãi suất khi lạm phát tại Mỹ chưa hạ nhiệt đủ như kỳ vọng, lãi suất tiết kiệm trong nước có thể tăng trở lại.
Bên cạnh đó, những yếu tố khác như: Biến động tăng của tỷ giá đi kèm các biện pháp can thiệp của Ngân hàng Nhà nước và căng thẳng địa chính trị khu vực Trung Đông có dấu hiệu leo thang cũng tác động không nhỏ tới tâm lý nhà đầu tư.
Dù vậy, nhịp điều chỉnh tập trung diễn ra vào tuần giao dịch thứ 3 của tháng 4 và dần khởi sắc trở lại về cuối tháng. Nhịp giảm diễn ra với mức điều chỉnh 9,2% của VN-Index, tính từ giá đóng cửa cao nhất 1.284 điểm (phiên 02/4) so với mức đóng cửa thấp nhất trong tháng 1.175 điểm (phiên 19/4). Chỉ số VN-Index đóng cửa phiên cuối tháng 4/2024 tại mốc 1.209,5 điểm, giảm 5,8% so với cuối tháng 3 và thu hẹp tăng trưởng từ đầu năm xuống còn 7%.
Theo Trung tâm phân tích Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research), diễn biến thị trường tháng 4/2024 được chia thành 2 giai đoạn ngắn của thị trường là: Điều chỉnh (01/04 – 19/04) và Hồi phục (20/04 – 26/04).
Trong đó, điểm nhấn của thị trường thuộc về các nhóm: Viễn thông (+44,8%, phần lớn nhờ VGI +52,9%) và Du lịch giải trí (+8,9%, điểm sáng ở HVN +27,8%). Hai nhóm này gần như đứng ngoài nhịp điều chỉnh. Hai nhóm Công nghệ thông tin (tăng trưởng lợi nhuận bền vững) và Bán lẻ (có kết quả kinh doanh phục hồi) hòa cùng đà giảm chung trong nửa đầu tháng nhưng bật lại mạnh hơn trong giai đoạn hồi phục.
Ở nhóm còn lại, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế quý I/2024 vẫn hỗ trợ tích cực cho giá cổ phiếu các nhóm ngành, ghi nhận tăng trưởng cao như: Dịch vụ Tài chính, Tài nguyên cơ bản, Xây dựng và Vật liệu, Bất động sản khu công nghiệp… dù chưa hoàn toàn phục hồi điểm số đã mất. Như vậy, có thể thấy, tâm điểm dòng tiền tháng 4 hướng đến câu chuyện tăng trưởng bền vững và kết quả kinh doanh hồi phục mạnh từ đáy.
Điểm tích cực là khối ngoại đã thu hẹp đà bán ròng trong tháng 4/2024, với giá trị bán ròng về gần 6 nghìn tỷ đồng trên sàn HOSE. Tỷ trọng giao dịch của khối ngoại lại tăng lên 11,56%, cao nhất kể từ tháng 4/2023 trong bối cảnh thanh khoản chung thu hẹp. Việc hấp thụ tốt lực bán từ khối ngoại, nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước tiếp tục là động lực nâng đỡ chính khi mua ròng tổng cộng 4,1 nghìn tỷ đồng.
Tận dụng cơ hội tại các nhịp biến động
Đà phục hồi của thị trường kéo dài từ cuối tháng 4 sang đầu tháng 5. Tuy nhiên, xét về kỹ thuật, theo SSI Research, các chỉ số như RSI và ADX đều giữ ở trạng thái trung tính yếu, chưa ủng hộ cho sự hồi phục xu hướng hoàn toàn. Tín hiệu này cho thấy thị trường vẫn còn rủi ro điều chỉnh kỹ thuật, nhưng đây có thể là pha cuối của chu kỳ điều chỉnh này.
Theo đó, SSI Research, trong kịch bản tích cực, trong tháng 5, thị trường tiếp tục phục hồi. Nếu chỉ số VN-Index vượt ngưỡng 1.278-1.280 điểm thì vùng 1.310 sẽ là vùng chỉ số tiếp tục hướng đến.
Cũng không loại trừ kịch bản kém tích cực hơn là thị trường quay có thể trở lại nhịp điều chỉnh. Khi đó, chỉ số VN-Index được hỗ trợ quanh vùng 1.160-1.180 điểm, tích lũy và tạo nền để quay trở lại xu hướng tích cực, hướng về lại vùng 1.260-1.270 điểm trong tương lai.
Hiện tại, ở mặt bằng định giá chung, hệ số P/E Forward 1 năm của VN-Index sau nhịp điều chỉnh đã tiến về lại vùng định giá hấp dẫn trong dài hạn (11,2 lần). Thị trường sẽ được hỗ trợ khi tiến sâu hơn vào vùng định giá hấp dẫn này và sự phân hóa sẽ diễn ra với lợi thế thuộc về các nhóm cổ phiếu cho thấy sự phục hồi và quay lại quỹ đạo tăng trưởng của kết quả kinh doanh cốt lõi, như những gì đã diễn ra trong tháng 4 là tháng cao điểm hấp thụ thông tin kết quả kinh doanh quý I/2024.
SSI Research nhận định, các nhóm ngành Tiêu dùng, du lịch, hoạt động thương mại phục hồi, giải ngân FDI bứt phá có thể là các tín hiệu ban đầu hỗ trợ cho sự phục hồi lợi nhuận tiếp tục trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, để có nền tảng vững chắc cho xu hướng tăng bền vững của thị trường chứng khoán, tăng trưởng lợi nhuận phục hồi bền vững trên diện rộng trong các quý tiếp theo là điều cần thiết.
Riêng tháng 5 là tháng vùng trũng thông tin về lợi nhuận, sự quan tâm của thị trường chứng khoán sẽ quay lại chú ý đến các biến động về lãi suất, lạm phát và các thông tin chính sách từ Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khai mạc vào ngày 20/5/2024.
“Trước khi thị trường xây lại nền tảng vững chắc, việc đa dạng và cân bằng trạng thái danh mục, nắm bắt nhanh cơ hội ở những nhịp biến động là chiến lược phù hợp mà nhà đầu tư cần chuẩn bị trong bối cảnh hiện nay”, SSI Research khuyến nghị.
Một số cố phiếu được SSI Research khuyến nghị mua trong tháng là IDC, ACV, PVS,MSN và PVT.