Tháng cuối năm, giá cả không biến động

Theo baohaiquan.vn

Mặc dù thời điểm Tết Dương lịch đang đến gần, nhưng dự báo giá cả một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trong tháng 12 không có biến động nhiều.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Chỉ 3 mặt hàng tăng giá

Theo Cục Quản lý giá, tháng 12/2015 là tháng cận Tết, nhu cầu nguyên vật liệu tăng do các doanh nghiệp tăng cường sản xuất, dự trữ hàng hóa, chuẩn bị nguồn cung hàng hóa phục vụ nhân dân dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Bính Thân 2016. Mặt khác, do yếu tố mùa vụ (thời tiết chuyển mùa lạnh) nên nhu cầu đối với một số mặt hàng may mặc, mũ nón, giầy dép, thiết bị đồ dùng gia đình,... tăng có thể tác động gây sức ép lên mặt bằng giá.

Trong nhóm các mặt hàng dự báo giá cả biến động theo chiều hướng tăng đó là gạo và mặt hàng tươi sống.

Mặt hàng gạo, tính đến ngày 16/11/2015 tồn kho trên cả nước ước đạt 1,23 triệu tấn, chưa kể lượng tồn trong dân. Dự báo thị trường lúa gạo có khả năng tăng trong tháng 12/2015 do thời tiết khô hạn kéo dài do tác động của El Nino và mực nước tại các sông ở vùng Đồng bằng đang ở mức thấp nhất kể từ năm 1926, tình trạng nhiễm mặn nghiêm trọng có thể xuất hiện trong các tháng tới.

Được biết, trong tháng 11, giá gạo hai miền Bắc, Nam diễn biến trái chiều. Trong khi thị trường miền Bắc tiếp tục ổn định, thì giá lúa gạo tại miền Nam tăng do các doanh nghiệp xuất khẩu đẩy mạnh thu mua để có đủ lượng hàng theo hợp đồng đã ký với Phi-lip-pin và In-đô-nê-xia.

Cùng chiều hướng dự báo trong thời gian tới đó là giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống có thể tiếp tục có xu hướng tăng nhẹ do nhu cầu thị trường đang ở mức cao.

Mặt hàng gas (LPG) nguồn cung ổn định, nhưng do vào mùa đông nhu cầu sử dụng nguồn Propanne (C3) cháy bốc hơn tăng nên giá LPG thế giới tháng 12-2015 tăng nhẹ 10 USD/T so tháng 11-2015; do đó, dự báo giá LPG thị trường trong nước có thể tăng tương ứng (khoảng 3.200 đồng/bình 12kg).

Nhiều hàng hóa giáổn định

Theo Cục Quản lý giá, dù sức ép cuối năm tăng giá, nhưng trong tháng 12 có một số yếu tố quan trọng góp phần bình ổn mặt bằng giá như: Giá nhiều nguyên nhiên vật liệu thị trường thế giới dự báo biến động nhẹ; Nguồn cung hàng hoá trong nước vẫn dồi dào.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương đang tích cực thực hiện công tác bình ổn thị trường những tháng cuối năm 2015, các chương trình khuyến mại, giảm giá cũng được nhiều doanh nghiệp, địa phương thực hiện... cũng góp phần kìm sức ép tăng giá.

Mặc dù dự báo không có giá mặt hàng giảm, nhưng nhiều hàng hóa giá cả ổn định và không có biến động lớn, như giá phân bón urê, thức ăn chăn nuôi, giá sữa, giá sắt thép, xi măng...

Giá phân bón urê trong thời gian tới, do nguồn cung từ Trung Quốc và các nước lân cận giá khá cạnh tranh cùng với nhu cầu chưa tăng mạnh nên sẽ không có biến động lớn. Được biết. mặc dù nhu cầu phân bón trên thị trường bắt đầu tăng do chuẩn bị bước vào vụ Đông Xuân, tuy nhiên do nguồn cung dồi dào, tồn kho nhiều nên giá phân bón Urê trong nước giảm nhẹ trong tháng 11.

Do giá một số nguyên liệu giảm đã tác động làm giá thức ăn thành phẩm tiếp tục giảm. Dự báo, giá mặt hàng này trên thế giới và trong nước sẽ ổn định trong thời gian tới.

Đối với giá sữa, theo cơ quan quản lý giá, sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi tiếp tục ổn định. Tính đến 30-11-2015, đã có 787 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi được công bố giá tối đa, giá đăng ký, giá kê khai trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tài chính và Sở Tài chính các địa phương.

Giá thép, xi măng- mặt hàng là đầu vào của ngành xây dựng dự báo tiếp tục ổn định. Theo Tổng Công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam, do một số yếu tố như giá thành nguyên vật liệu đầu vào, chi phí sản xuất cơ bản ổn định nên các nhà máy sản xuất kinh doanh xi măng tiếp tục duy trì ổn định giá bán.

Hai mặt hàng là đầu vào của nền kinh tế là xăng dầu và gas, dự báo giá cả biến động khó lường. Theo phân tích, đánh giá của một số chuyên gia, giá xăng dầu thế giới tháng 11-2015 biến động giảm do trữ lượng dầu thô của Mỹ tăng và sự suy yếu của hoạt động sản xuất toàn cầu, đặc biệt là khu vực Châu Á. Dự báo, giá xăng, dầu thành phẩm thế giới tháng 12 tiếp tục biến động khó lường, có thể giảm nhẹ so với hiện nay.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11-2015 tăng 0,07% so với tháng 10-2015. Nếu không tính tháng 11-2014 có CPI giảm 0,27% thì CPI tháng 11-2015 có mức tăng thấp nhất trong giai đoạn từ 2009 đến nay.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 9 nhóm tăng với mức tăng không đáng kể, trong đó Nhóm Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng cao nhất ở mức 0,32%; Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,05%; May mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,14%. Có 2 nhóm hàng giảm: Bưu chính viễn thông giảm 0,1%; Giao thông giảm 0,38%.

CPI tháng 11-2015 tăng 0,34% so với cùng kỳ năm trước, CPI bình quân mười một tháng đầu năm 2015 so với cùng kỳ năm trước tăng 0,64%.