Tháng thu thuế đặc biệt của Cục Thuế Cà Mau

Theo Đào Hồng/Báo Cà Mau

Gần trọn 1 tháng toàn tỉnh Cà Mau thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để phòng, chống dịch Covid-19 cũng là thời gian ngành thuế phải đối mặt với bao khó khăn, thách thức. Mọi hoạt động kinh doanh gần như đóng băng, sản xuất ngưng trệ. Nguồn thu trong tháng 8/2021 sụt giảm chưa từng có, nhiều nguồn không phát sinh hoặc phát sinh rất thấp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thu ngân sách.

Nhiều doanh nghiệp ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19 khiến nguồn thu ngân sách tháng 8 giảm sâu. Ảnh: Đào Hồng
Nhiều doanh nghiệp ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19 khiến nguồn thu ngân sách tháng 8 giảm sâu. Ảnh: Đào Hồng

Ông Nguyễn Thành Sua - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Cà Mau chia sẻ: “Chưa có năm nào như năm nay và chưa có tháng nào khó khăn như tháng 8 này. Dịch bệnh tác động mạnh làm nguồn thu tháng 8 giảm sâu. Doanh nghiệp gặp khó, hộ kinh doanh ngưng hoạt động. Các khoản thu lớn mất vài trăm tỷ đồng, sẽ rất khó bù đắp nếu dịch bệnh không được khống chế”.

Nhìn con số thu ngân sách của toàn tỉnh tháng 8/2021 có thể thấy rõ hơn điều đó. Với 190 tỷ đồng tổng hợp của tất cả 16 nguồn thu, chỉ bằng 40% số thu của tháng trước, nghĩa là giảm đến 60%. Trong đó, nguồn thu chủ yếu từ Tập đoàn Dầu khí.

Cụ thể, thu từ cụm khí - điện - đạm 90 tỷ đồng; doanh nghiệp Nhà nước Trung ương và địa phương 15 tỷ đồng; công thương nghiệp, dịch vụ ngoài quốc doanh 16 tỷ đồng; thuế thu nhập cá nhân 13 tỷ đồng; tiền thuê mặt đất, mặt nước 7 tỷ đồng. Thuế bảo vệ môi trường chỉ thu 17 tỷ đồng, thu khác ngân sách 9 tỷ đồng, xổ số kiến thiết chỉ thu về 12 tỷ đồng. Nhìn chung, tất cả các khoản thu đều nhỏ, không có nguồn lớn, các nguồn khác có phát sinh nhưng rất thấp.

Có thể thấy rõ nhất là nguồn xổ số kiến thiết, dường như không nộp (do không phát hành được vé số), mất hơn 100 tỷ đồng. Ðây là nguồn thu đem về số thu ngân sách rất lớn cho tỉnh. Thế nhưng, giãn cách xã hội, công ty xổ số kiến thiết Cà Mau ngưng hoạt động khiến ngân sách hụt khá lớn.

“Với nguồn này, dù cho tỉnh Cà Mau có kiểm soát được dịch bệnh, nhưng nếu các tỉnh khác vẫn còn phức tạp thì không thể nào khôi phục lại số thu ngân sách này”, ông Sua phân tích.

Một nguồn thu lớn nữa là các khoản thu từ đất đai. Hiện nay, hoạt động kinh doanh bất động sản đóng băng. Do chính sách tiền tệ và dịch bệnh mà giao dịch bất động sản không có phát sinh, khiến nguồn thu mất đi hàng trăm tỷ đồng.

Ðối với thuế bảo vệ môi trường cũng tương tự, doanh nghiệp hiện đang hết sức khó khăn, hoạt động giảm, không tiêu thụ được hàng hoá nên chưa thực hiện được nghĩa vụ thuế.

Cùng với đó, hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh, trong thời gian giãn cách xã hội nên tạm dừng, khiến thuế phát sinh tháng 8 đạt thấp. Thuế nhà thầu vãng lai từ các công trình xây dựng cơ bản đều dừng hết nên không có thuế phát sinh. Thuế sử dụng đất nông nghiệp, thu tiền bán nhà cũng tương tự.

Thực hiện chính sách gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất theo Nghị định 52/2021, toàn tỉnh có gần 700 người nộp thuế thực hiện gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất, với số tiền gia hạn là 62,4 tỷ đồng.

“Chỉ cần những nguồn thu chính bị ảnh hưởng sẽ kéo số thu ngân sách của tỉnh giảm theo. Do đó, khi nguồn thu đất, công thương nghiệp, dịch vụ ngoài quốc doanh, bảo vệ môi trường, xổ số kiến thiết đều bị ảnh hưởng, thì số thu giảm là điều thấy rõ. Hiện nay, chỉ duy nhất Tập đoàn Dầu khí còn số thu cao, nhưng tháng rồi cụm này cũng giảm. Thông thường 1 năm thu từ cụm khí - điện - đạm 1.600 tỷ đồng, mà đến thời điểm này chỉ được 1.200 tỷ đồng. Dự báo cuối năm, riêng cụm này có thể thu đạt, còn các nguồn khác sẽ hụt hết”, ông Sua cho biết.

Vấn đề nợ đọng trong tháng 8 cũng không được xử lý. Bởi gần như những khoản xử lý người nộp thuế, Chính phủ đã chỉ đạo trong thời gian giãn cách tạm thời chưa xử lý, kể cả tiền lãi suất ngân hàng, chi phí lãi vay cũng phải điều chỉnh, áp dụng cho tất cả hệ thống ngân hàng, thuế và bảo hiểm đều tạm thời dừng, chưa xử lý.

Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra đối với cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp cũng không thể tiếp cận. Kể cả hiện nay thực hiện Chỉ thị 15 cũng vậy, chưa thể đưa lực lượng làm nhiệm vụ, nên công tác thu chủ yếu cơ sở kinh doanh tự nộp, ngành thuế chỉ đôn đốc, nhắc nhở, không thể áp dụng các biện pháp xử lý nên số thu rất thấp và cũng không có phát sinh thuế.

Ông Sua nhấn mạnh: “Nếu tình hình dịch bệnh dừng sớm, số thu ngân sách có thể khai thác tăng thu, bù đắp. Nhưng nếu dịch bệnh kéo dài thì khả năng từ nay đến cuối năm sẽ hụt khoảng 400 tỷ đồng”