“Thanh bảo kiếm” chống thất thu thuế
Nhiều năm nay, theo Luật Quản lý thuế, Việt Nam đang thực hiện hai hình thức nộp thuế dành cho lĩnh vực thương mại, đó là thuế khoán và thuế giá trị gia tăng (GTGT).
Đối với thuế khoán, áp dụng cho các hộ có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm và thuế GTGT khấu trừ áp dụng cho các doanh nghiệp có doanh thu lớn hơn 100 triệu đồng trở lên và có điều kiện hạch toán, kế toán theo quy định.
Với hình thức thuế khoán, rất đơn giản cho cả hộ kinh doanh và cho cả cơ quan thuế, song cách thu này có lúc còn mang tính tùy tiện, hầu hết không sát với doanh thu thực tế. Bởi ấn định thuế hàng tháng là do các hộ tự khai báo, hội đồng quận phường duyệt là xong.
Tuy nhiên, việc này lại không dựa trên cơ sở hạch toán, kế toán thống kê một cách đầy đủ, hiện tượng chung chia với cán bộ thuế mà theo Bộ Tài chính công nhận là có thật và cần phải khắc phục sớm (theo trung tâm nghiên cứu, phát triển và hỗ trợ cộng đồng Việt Nam thì có đến 64% hộ kinh doanh luôn luôn thỏa thuận ngầm với cán bộ thuế). Đây là một sơ hở lớn trong cách thu theo hình thức khoán, gây thất thu lớn cho nhà nước.
Thuế khoán là như vậy, còn thuế GTGT thì sao? Những doanh nghiệp thực hiện thuế GTGT tuy có khoa học và chặt chẽ hơn thuế khoán, nhưng ngoài những ưu điểm thì không phải không bộc lộ những thiếu sót gây thất thu.
Quan sát trên thị trường kinh doanh và dịch vụ cho thấy, đa phần khi thực hiện giao dịch phục vụ khách hàng đều không xuất hóa đơn GTGT, mặc dù có tính GTGT vào giá bán hàng cho khách và khách chỉ được nhận lại 1 tờ hóa đơn nhỏ mà thực tế không có giá trị pháp lý. Doanh nghiệp chỉ xuất hóa đơn GTGT trong trường hợp khách có nhu cầu lấy hóa đơn, nhưng mấy ngày sau mới có thể lấy được.
Hiện nay, những con số kết toán hàng tháng của các siêu thị, nhà hàng về doanh thu, nộp ngân sách đều không được công khai (theo quy định nào?) hoặc không muốn công khai. Chỉ riêng tỉnh Quảng Ninh là làm được việc này, tại sao lại như vậy?
Phần mềm bán hàng của các doanh nghiệp chỉ có ý nghĩa hạch toán nội bộ hàng ngày mà chưa kết nối thường xuyên với cơ quan thuế các địa phương. Chưa có số liệu công bố qua các cuộc kiểm tra của cơ quan thuế là liệu có việc chỉnh sửa doanh thu theo chiều hướng xấu hay không, đề nghị cơ quan kiểm toán phai vào cuộc để phân biệt ai nghiêm chỉnh và ai không nghiêm chỉnh với ngân sách nhà nước.
Chính từ những tình hình trên của các công tác thu thuế hiện nay và đã kéo dài nhiều năm nay chưa được khắc phục, nên Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của luật quản lý thuế năm 2019 và nghị định số 123/2020 của chính phủ về hóa đơn chứng từ.
Nhà nước, địa phương và các bộ, nghành liên quan cần phải có những chính sách hỗ trợ cho họ trong việc xây dựng hạ tầng cứng và hạ tầng mềm để thực hiện kết nối một cách hiệu quả.
Dự thảo nêu rõ yêu cầu các đối tượng theo quy định trong các hoạt động, như trung tâm thương mại, siêu thị, quán ăn,nhà hàng, khách sạn, bán thuốc, dịch vụ vui chơi giải trí, đại lý bán lẻ hàng tiêu dung... đang sử dụng hóa đơn chứng từ có mã của cơ quan thuế, được khởi tạo từ máy tính tiền phải kết nối, truyền dữ liệu điện tử với cơ quan thuế, việc này được thực hiện liên tục 24/ngày và 7 ngày/tuần, thời gian thực hiện từ 1/7/2022 trở đi. Những đơn vị đã hoàn toàn đủ điều kiên có thể thực hiên sớm hơn quy định.
Nhớ lại cách đây gần 10 năm, sau khi đi nghiên cứu thanh toán tiền bán hàng và vấn đề nộp thuế ở một số nước trong khu vực ASEAN đã thấy rõ việc kết nối tại các nước trong khu vực đã thực hiện trước chúng ta hàng chục năm. Nhận thức được tình hình trên và đối chiếu với thực ở Việt Nam, tôi đã viết bài: “Chữa bệnh cho bán lẻ Việt Nam".
Nhận được thông tin, Văn phòng Chính phủ đã yêu cầu tôi trực tiếp gặp vụ quản lý thuế kinh doanh và Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) để trao đổi kinh nghiệm. Thời gian đã trôi đi và cho đến nay đề xuất này mới đang trở thành hiện thực. “Thanh bảo kiếm” quản lý này nếu được thực hiện đầy đủ sẽ đem lại thêm nguồn thu cho ngân sách một cách đầy đủ và chính xác hơn, cạnh tranh công bằng giữa các đơn vị kinh doanh thương mại dịch vụ trên cả nước.
Điều cần lưu ý, doanh nghiệp của chúng ta đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ vì vậy nhà nước, địa phương và các bộ, nghành liên quan phải có những chính sách hỗ trợ cho họ trong việc xây dựng hạ tầng cứng và hạ tầng mềm để thực hiện kết nối một cách hiệu quả.
Cần có các lớp đào tạo nhân lực cho cả quá trình phát triển minh bạch và nhân văn này. Đi đôi với việc kết nối cũng cần tăng cường kiểm tra việc giám sát thực hiện theo các quy định của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế. Các cơ quan báo chí nên góp phần vào việc tuyên truyền những đơn vị thực hiện nghiêm túc việc kết nối, thực hiện hóa đơn điên tử và xuất đầy đủ hóa đơn cho khách hàng khi phục vụ. Phê bình những đơn vị chưa nghiêm túc thực hiện và những biểu hiện vi phạm khác.
Chúng ta tin tưởng rằng, với sự quyết tâm của lãnh đạo cùng nỗ lực của các doanh nghiệp, “thanh bảo kiếm” này sẽ phát huy hiệu quả cho công tác quản lý thuế của Việt Nam hiện nay và thời gian tiếp theo. Góp phần vào việc thu đúng, thu đủ, tạo sự công bằng trong nghĩa vụ thuê với nhà nước của các doanh nghiệp trên thị trường Việt Nam.