Thánh chiến trong không gian mạng
(Tài chính) Không chỉ các cơ quan bảo vệ và thực thi pháp luật, giờ đây những tập đoàn truyền thông cũng trở thành mục tiêu tấn công của tin tặc. Tồi tệ hơn, các cuộc tấn công này còn đi kèm yếu tố Hồi giáo cực đoan, làm dấy lên lo ngại về mối đe dọa thánh chiến trong không gian mạng.
Ngày 9/4 vừa qua, sau gần một ngày bị tin tặc hỏi thăm, đài truyền hình tiếng Pháp TV5Monde mới hoạt động trở lại. Kể từ đầu năm đến nay, nhiều trang mạng của truyền thông Pháp liên tiếp bị tin tặc tấn công. Tuy nhiên, việc một đài truyền hình lớn bị tấn công trên mạng chưa từng xảy ra trước đó và tác giả vụ này phải là những chuyên gia tin học xuất sắc. Trước đó vài giờ, Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã phát một đoạn video cho thấy, năm chiến binh của lực lượng này đang thực hiện các cuộc tấn công tin học từ Raqqa, căn cứ của IS ở Syria.
Vụ tấn công mạng đã khiến toàn bộ 11 kênh của TV5Monde ngừng phát sóng. Đài truyền hình Pháp còn mất quyền kiểm soát trang chủ, Facebook và Twitter khi nhiều thông điệp của IS xuất hiện trên các trang này với những bức ảnh người mặc đồ đen quàng khăn truyền thống của Ảrập mang dòng chữ Tôi là IS và Vương quốc Hồi giáo ảo, kèm theo những lời đe dọa nhằm vào quân nhân Pháp đang tham gia chiến dịch chống Hồi giáo cực đoan tại châu Phi và Cận Đông.
Theo Daniel Martin, cựu thanh tra viên của Cơ quan An ninh nội địa Pháp DST và là nhà đồng sáng lập Viện Tội phạm trong không gian mạng, để thực hiện một cuộc tấn công như vậy, thủ phạm phải có phương tiện kỹ thuật đáng kể, đồng thời khẳng định, đây không phải là những kẻ khủng bố tầm thường. Gilbert Ramsey, chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu về khủng bố và bạo lực chính trị, Đại học Saint-Andrew, Scotland cho rằng, vụ tấn công tin tặc nhắm vào đài truyền hình TV5Monde có quy mô lớn hơn hẳn so với các đợt tấn công tin học trước đây. Ông Ramsey giải thích, các đơn vị chiến binh tin học của những tổ chức như IS phối hợp hành động theo mạng lưới và chúng có thể hành động từ bất cứ nơi nào trên thế giới. Theo nhà sáng lập Viện Tội phạm mạng Pháp, cuộc tấn công nói trên chắc chắn đã được chuẩn bị kỹ từ lâu, những kẻ chủ mưu rõ ràng phải tuyển mộ các chuyên gia tin học xuất sắc nhất.
Trên thực tế, tấn công mạng đã trở thành hiện tượng thường xuyên của xã hội hiện đại. Các tin tặc tập hợp theo nhóm và quy mô nâng cấp lên mức tập đoàn với hơn 1.000 thành viên như tổ chức Anonymous. Các vụ tấn công mạng của nhóm này đa dạng về cấp độ, trong đó nhữäng vụ tấn công nhẹ có thể khắc phục sau vài giờ như trường hợp của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) hay Bộ Tư pháp Mỹ, một số vụ khác đã gây ra tổn thất nặng nề về dữ liệu và thông tin tài chính cá nhân. Không dừng ở việc đánh cắp thông tin cá nhân, dữ liệu cơ sở của các ngân hàng, cơ quan công quyền, tập đoàn bảo hiểm, tội phạm công nghệ cao bị tiêm nhiễm tư tưởng Hồi giáo cực đoan giờ đây đã sử dụng các cuộc tấn công này với mục đích tuyên truyền, kích động bạo lực và gieo rắc nỗi sợ hãi trong dư luận.
Liên tiếp những vụ tấn công mạng vừa qua đã đặt thế giới trước thực tế: nếu internet ra đời với mục đích kết nối người với người trên khắp hành tinh, thì nay nó đang trở thành một phương tiện để kẻ xấu gieo rắc ác mộng cho hòa bình thế giới. Báo Le Figaro của Pháp cho biết, hiện các nhóm khủng bố sử dụng internet để tuyên truyền, chiêu dụ các tay súng, lên kế hoạch tấn công khủng bố. Chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Cận Đông của Pháp Romain Caillet cho rằng, nếu cách đây 10 năm, những kẻ Hồi giáo cực đoan lui tới các diễn đàn một cách bí mật thì ngày nay các giao tiếp trên mạng ngày càng công khai. Các tổ chức Hồi giáo cực đoan thường tập trung vào những trang mạng dễ đăng nhập và có đông người tham gia, nhất là tại các quốc gia phương Tây.
Theo các nhà phân tích, việc các nhóm khủng bố dùng internet để tuyên truyền không có gì mới, nhưng nhữäng trang mạng xã hội như Facebook, Twitter… khiến việc tuyên truyền chủ nghĩa khủng bố lan rộng chưa từng thấy. IS có hẳn một cơ quan truyền thông mang tên Trung tâm truyền thông al-Hayat. Các dòng tin và video được phát nhiều lần bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. IS còn có hẳn tạp chí riêng mang tên Dabiq, giờ cũng được phát hành bằng tiếng Pháp. So với tổ chức khủng bố quốc tế al-Qaeda, IS phát tán trên mạng các hình ảnh bạo lực sắc nét hơn. Các vụ sát hại con tin do IS thực hiện được quay bằng thiết bị chuyên nghiệp với chất lượng cao. Vụ sát hại nhà báo Mỹ James Foley là một minh chứng. Không chỉ nhằm làm dư luận khiếp sợ, IS dùng cách này để chiêu dụ các phần tử cực đoan. Trước thực trạng này, nhiều ý kiến đã ủng hộ việc kiểm soát thông tin trên mạng. Một số quốc gia đã thông qua các biện pháp kiểm soát thông tin trên mạng như: yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ mạng chịu trách nhiệm trước các nội dung đăng tải, không được phép đăng tải những nội dung cổ vũ những tội ác chống nhân loại, khơi dậy thù hận chủng tộc... nhằm ngăn chặn thế lực cực đoan reo rắc sự sợ hãi và phát động một cuộc thánh chiến trong thế giới ảo.