Thanh Hóa: 4.160 đơn vị nợ BHXH trên 404 tỷ đồng, bằng 5,7% dự toán thu
Đây là con số được tỉnh Thanh Hóa báo cáo tại buổi làm việc giữa Tỉnh với Đoàn giám sát của Hội đồng quản lý (HĐQL) BHXH Việt Nam ngày 7/9/2018. Đoàn do Thượng tướng Nguyễn Văn Thành - Thứ trưởng Bộ Công an, Ủy viên HĐQL BHXH Việt Nam làm Trưởng đoàn đã giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT tại Thanh Hoá. Cùng tham gia Đoàn giám sát có Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh.
Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 21/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) trong giai đoạn 2012-2020, Thanh Hóa đã đẩy mạnh việc tổ chức thực hiện pháp luật về BHXH, BHYT trên địa bàn. Kết quả, từ năm 2016 đến nay, số người tham gia các loại hình bảo hiểm hàng năm đều tăng so với chỉ tiêu được giao.
Thượng tướng Nguyễn Văn Thành phát biểu tại buổi giám sát. |
Tính đến 30/6/2018, Thanh Hóa có trên 3,1 triệu người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2017, đạt trên 148,4% so với dự toán năm 2018. Trong đó, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 87,11% dân số, vượt 2,21% chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao.
Thời gian qua, BHXH Tỉnh cũng đã triển khai các giải pháp hạn chế tình trạng nợ đọng BHXH cũng như quản lý quỹ khám, chữa bệnh BHYT, song, kết quả vẫn hạn chế. Đến ngày 30/6/2018, toàn tỉnh có 4.160 đơn vị nợ bảo hiểm trên 404 tỷ đồng, bằng 5,7% dự toán thu. Năm 2017, Quỹ BHYT của tỉnh bội chi hơn 1.257 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2018, bội chi hơn 668 tỷ đồng…
Việc gia tăng chi phí khám, chữa bệnh BHYT từ năm 2016 đến nay có nguyên nhân khách quan từ tác động của việc thông tuyến huyện, do giá tăng gia viện phí theo quy định của pháp luật; tỷ lệ bệnh nhân điều trị tăng so với bình quân chung toàn quốc; bình quân đơn điều trị các bệnh lý tiểu đường, cao huyết áp tại các bệnh viện cao hơn bình quân chung của các bệnh viện cùng tuyến, cùng hạng trong toàn quốc…
Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát đã đề nghị Tỉnh làm rõ hơn nguyên nhân dẫn đến bội chi quỹ khám, chữa bệnh BHYT; tình hình nợ đọng BHXH; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp về vấn đề này; tình trạng doanh nghiệp nợ đọng BHXH; doanh nghiệp không tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động; công tác phối hợp giữa các sở, ngành liên quan…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành lưu ý, tỉnh Thanh Hóa cần tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt chính sách về BHXH, BHYT; tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan liên quan có những tham mưu, đề xuất trúng, đúng, phân loại, rà soát để có biện pháp xử lý nghiêm đối với các với các tổ chức, cá nhân thực hiện không đúng chính sách về BHXH, BHYT, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh và Đoàn làm việc tại BHXH tỉnh Thanh Hóa. |
Làm rõ thêm thực trạng quản lý quỹ trên địa bàn, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh khẳng định: “Lĩnh vực an sinh là lĩnh vực khó, nhất là cơ chế chính sách chưa hoàn thiện... dẫn đến việc quản lý, chế tài thực hiện chưa nghiêm. Do đó, nếu không có sự tham mưu tích cực của các cơ quan ở địa phương, không có sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh thì không thực hiện được. Trách nhiệm đầu tiên thuộc về cơ quan BHXH, sau đó đến các cơ quan nhà nước ở địa phương…”.
Cũng theo Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh, về khám chữa bệnh BHYT, BHXH Tỉnh phải tham mưu tích cực hơn để UBND tỉnh quan tâm sát sao hơn. Vấn đề này phải có sự vào cuộc của các cơ quan tham mưu. Do đó, UBND tỉnh cần yêu cầu Sở Y tế và BHXH tỉnh thường xuyên báo cáo; đồng thời, cũng phải giao trách nhiệm cho giám đốc cơ sở y tế về việc quản lý quỹ.
Cùng ngày, Đoàn giám sát đã có buổi làm việc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá và Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực.