Thanh khoản cao, vốn lớn
Việc một số công ty chứng khoán dự kiến tăng vốn điều lệ lên mức cao hơn cả vốn điều lệ của một số ngân hàng có thể gây ngạc nhiên với một số nhà đầu tư (NĐT), nhưng trong thực tế là không bất ngờ.
Nhu cầu từ thị trường
Trước tiên, cần nhắc lại giai đoạn trước năm 2020, khi đó mức vốn điều lệ “cao” nằm ở khoảng 4.000-5.000 tỷ đồng. Nếu lấy mức vốn điều lệ mà Công ty chứng khoán SSI dự kiến sẽ tăng lên trong thời gian tới xấp xỉ 15.000 tỷ đồng, thì nghĩa là gấp ba lần so “mức cao” của những năm trước đây.
Ngoài SSI thì Công ty chứng khoán VNDirect cũng dự kiến tăng vốn điều lệ gấp ba lần, từ hơn 4.000 tỷ đồng lên hơn 12.000 tỷ đồng. Câu hỏi ở đây là liệu tỷ lệ tăng vốn của SSI hay VND có quá “khủng” chỉ trong thời gian ngắn hay không, và liệu có rủi ro pha loãng trong dài hạn?
Trước hết, cần lưu ý mục đích tăng vốn của công ty chứng khoán chính là để đáp ứng năng lực phục vụ thị trường, cụ thể ở đây là mối tương quan giữa vốn điều lệ của công ty chứng khoán và thanh khoản của thị trường.
Có thể thấy rằng, cho đến trước năm 2020, giá trị giao dịch trên thị trường chứng khoán khoảng gần 10.000 tỷ đồng/phiên đã được xem là “cao trào” hay “nóng bỏng”, nhưng trong khoảng một tháng qua đã có những phiên có giá trị giao dịch lên đến 40.000 tỷ đồng/phiên.
Thanh khoản đã tăng vọt thì tất yếu nhu cầu về vốn điều lệ của công ty chứng khoán phải được giải quyết thông qua các đợt tăng vốn. Vấn đề nằm ở chỗ, vốn điều lệ của các công ty chứng khoán có xu hướng tăng nhẹ, đi ngang trong gần một thập kỷ từ năm 2009-2010 đến đầu năm 2020, nên nhiều nhà đầu tư có thâm niên còn cảm thấy lạ lẫm.
Tái phân hóa
Thông qua các đợt tăng vốn và năng lực tăng vốn, sự phân hóa của công ty chứng khoán chắc chắn sẽ diễn ra và càng quyết liệt hơn nữa. Nhiều khả năng sẽ có những mốc vốn điều lệ mới được thiết lập, nếu như hơn một thập kỷ trước mốc “nghìn tỷ đồng” được thiết lập thì khả năng từ bây giờ sẽ là mốc “chục nghìn tỷ đồng”. Trong ngắn hạn, có lẽ các mốc 5.000 tỷ đồng, 10.000 tỷ đồng và hơn 10.000 tỷ đồng sẽ được thiết lập. Điều này cũng sẽ góp phần phân hóa trở lại vị thế của các công ty chứng khoán trên thị trường.
Thực tế thì với thanh khoản khủng như hiện nay, việc công ty chứng khoán “sống được” là không quá khó, nhưng để nằm trong tốp có vị thế và tiềm năng tiếp tục tăng trưởng trong dài hạn sẽ phụ thuộc vào tiềm lực, trong đó có vốn điều lệ.
Dự báo trong ngắn hạn, có thể xuất hiện những cuộc đua về vốn điều lệ trong nhóm các công ty chứng khoán thuộc tốp 10. Sau đó, sẽ là cuộc đua từ tốp giữa và cứ sau mỗi lần như vậy, có thể sẽ có sự dịch chuyển về khách hàng, sự củng cố về vị thế, thương hiệu của công ty chứng khoán.
Và tất nhiên, khi các công ty chứng khoán so đọ bằng vốn điều lệ ở mức nghìn tỷ đồng rồi chục nghìn tỷ đồng, thì việc các “tên tuổi mới” gia nhập thị trường sẽ có nhiều thách thức hơn, đầu tư nhiều hơn và tiềm lực của nhà đầu tư phải lớn hơn nữa.