Ông Nguyễn Thanh Lâm, Trưởng phòng phân tích CTCK Maybank KimEng Việt Nam:

Dòng tiền của tầng lớp trung lưu chảy vào thị trường sẽ tiếp diễn

Trích ý kiến của ông Nguyễn Thanh Lâm, Trưởng phòng phân tích CTCK Maybank KimEng Việt Nam trong bài "“VN-Index không điều chỉnh mà đi một mạch lên 1.500 mới đáng sợ”"- Huyền Trâm/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

Tuần rồi thị trường có đáo hạn phái sinh ngày thứ Năm dẫn tới tâm lý thận trọng. Sau phiên đáo hạn phái sinh, thị trường giảm phiên thứ Sáu hơi bất ngờ, giảm mạnh đi kèm thanh khoản cao cho thấy áp lực chốt lời còn lớn.

Phiên thứ Sáu, tính từ mức thấp nhất trong ngày, chỉ số hồi phục tương đối khi đóng cửa kèm thanh khoản kỷ lục cho thấy dòng tiền chờ để giao dịch, mua rất dồi dào. Khi nhìn khía cạnh này với áp lực bán còn lớn nhà đầu tư nên chuẩn bị sẵn cho một tuần mới rung lắc, giằng co, thậm chí còn giảm.

Tuy nhiên, thận trọng hợp lý nhưng không nên lo sợ, vì ở góc độ lớn thị trường còn nhiều thuận lợi hơn là khó khăn.

Thứ nhất là sự lành mạnh thị trường về góc độ sự tham gia của nhà đầu tư, liên tục 4-5 tháng qua tháng nào cũng trên 100.000 tài khoản mở mới, cho thấy kênh chứng khoán tương đối là phổ thông, là trào lưu ở trong giai đoạn này, một sớm một chiều chưa thay đổi, sẽ là “trend” tương đối dài, ít nhất hết năm sau. Người dân bắt đầu nhận thấy đầu tư chứng khoán là kênh không quá xa vời bí hiểm gì, mọi thứ trở nên quen thuộc. Dòng tiền của tầng lớp trung lưu chảy vào thị trường sẽ tiếp diễn.

Về góc độ chính sách, chúng ta ở trong giai đoạn chính sách có lợi cho chứng khoán. Sau dịch bệnh, nhiều quốc gia ra hàng loạt chính sách kích cầu thúc đẩy kinh tế. Việt Nam cũng dự kiến có gói kích cầu tương đối lớn đưa ra.

Mặt bằng lãi suất thấp, ít nhất trong 6 tháng tới. Thường ở trong bối cảnh vậy thì thị trường chứng khoán sẽ tích cực, cho nên với tôi những yếu tố trong nước chưa có nhiều biến phải lo ngại lắm.

Về thế giới, việc mở rộng chính sách tài khóa kích cầu đến lúc nào đó phải thu hẹp lai, chúng ta thấy bắt đầu diễn ra ở những quốc gia đầu tiên. Ví dụ ở Mỹ đã có đánh tiếng về việc giảm dần việc cung tiền theo kiểu gói QE, lạm phát, có khả năng tăng lãi suất ở nửa đầu năm sau. Đó là những thứ tạo ra rủi ro nhưng chắc cũng phải nửa cuối năm sau.

Từ nay tới nửa đầu năm sau tôi nghiêng về hướng là mọi thứ vẫn thuận lợi nhiều hơn khó khăn. Tuy nhiên đâu đó còn phải nhìn vào lạm phát, mặt bằng giá tăng dẫn tới mặt bằng lãi suất có thể không giữa nguyên, phải đẩy lên. Nhưng lo lắng đó hơi sớm với bối cảnh hiện tại.

Với những gì chúng ta đang có, đi kèm với chiều hướng của thị trường thì tôi vẫn thấy nhà đầu tư nên thận trọng hơn một chút trong ngắn hạn với rung lắc thị trường nhưng không nên lo sợ. Chính ra đó nên được xem là cơ hội nhiều hơn.