Thanh khoản cuối năm và áp lực lãi suất tiền đồng
Càng về cuối năm, thanh khoản càng chịu nhiều sức ép, không chỉ đến từ bối cảnh kinh tế vĩ mô mà còn là của chính hệ thống ngân hàng. Diễn biến này một lần nữa lại gây áp lực lên mặt bằng lãi suất vốn đã có xu hướng đi lên trở lại trong thời gian gần đây.
Tín hiệu căng thẳng thanh khoản
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bơm ròng 4 tuần liên tiếp trong tháng 10 vừa qua, với tổng giá trị lên đến 87.600 tỷ đồng, trong đó riêng tuần từ 22 - 26/10 bơm ròng hơn 46.400 tỷ đồng. Đây có thể xem là giai đoạn bơm ròng tiền mạnh nhất của NHNN kể từ đầu năm đến nay, cho thấy thanh khoản của hệ thống đã thôi dồi dào, thậm chí rơi vào tình trạng thiếu hụt trở lại.
Động thái của nhà điều hành là cần thiết giữa lúc lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã leo thang trở lại trong tháng qua. Tuy nhiên, dù một lượng vốn lớn đã được bơm ra nhưng lãi suất trên thị trường 2 vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Mức lãi suất qua đêm cao nhất đã lên tới 4,94% hôm 29/10, tiếp cận gần ngưỡng 5% và cũng là mức cao nhất kể từ tháng 3/2017 đến nay.
Nếu so với cuối tháng 9, lãi suất qua đêm đã tăng thêm hơn 200 điểm cơ bản, trong khi một tuần và 2 tuần cũng tăng mạnh tương ứng là 184 và 189 điểm cơ bản. Các kỳ hạn dài hơn như một tháng và 3 tháng cũng tăng thêm 114 và 100 điểm cơ bản so với cùng thời điểm. Như vậy, sau giai đoạn "nổi sóng" trong tháng 8, lãi suất vay mượn giữa các ngân hàng một lần nữa đã dâng lên mức cao đáng chú ý.
Đó cũng là điều bình thường khi nhìn vào mặt bằng lãi suất tiền gửi trên thị trường 1 cũng được hàng loạt ngân hàng tăng liên tiếp trong thời gian qua. Tiếp nối tháng 8 và tháng 9, trong tháng 10 chứng kiến thêm một loạt ngân hàng tăng lãi suất huy động vốn, trong đó có những ngân hàng vốn giữ ổn định suốt thời gian qua như Vietcombank, Vietinbank, Agribank hay BIDV cũng đã tham gia "cuộc chơi" lãi suất.
Lượng tiền gửi chậm lại
Theo thông lệ thì thanh khoản cuối năm của các ngân hàng thường chịu nhiều áp lực do khách hàng rút tiền để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, mua bán và tiêu dùng. Do đó, thanh khoản tiền đồng thường thu hẹp đáng kể do tính chất mùa vụ từ tháng 11 đến Tết Nguyên đán. Trong năm nay, tình trạng khan hiếm thanh khoản có khả năng sẽ xảy ra sớm hơn do Tết Nguyên đán cũng đến sớm hơn mọi năm.
Nếu như những năm trước, đặc biệt là 2 năm vừa qua, NHNN đã tích cực mua vào ngoại tệ, bơm tiền đồng ra nên phần nào hóa giải áp lực thanh khoản cuối năm. Tuy nhiên, năm nay thì ngược lại, NHNN phải bán ngoại tệ hút tiền đồng để ổn định thị trường ngoại hối, và điều này càng khiến thanh khoản tiền đồng thêm căng thẳng. Như gần đây nhất, trong tuần từ 22 - 26/10, cơ quan này đã bán thêm 740 triệu USD từ kho dự trữ ngoại hối, tương ứng với hơn 17.000 tỷ đồng bị rút ra khỏi thị trường.
Nếu như những năm trước, đặc biệt là 2 năm vừa qua, NHNN đã tích cực mua vào ngoại tệ, bơm tiền đồng ra nên phần nào hóa giải áp lực thanh khoản cuối năm. Tuy nhiên, năm nay thì ngược lại, NHNN phải bán ngoại tệ, hút tiền đồng để ổn định thị trường ngoại hối, và điều này càng khiến thanh khoản tiền đồng thêm căng thẳng.
Một yếu tố khác là vào cuối năm ngoái, các thương vụ thoái vốn thành công tại những doanh nghiệp nhà nước lớn cũng giúp Kho bạc Nhà nước thu được một lượng tiền lớn và đem tạm gửi vào các ngân hàng, giúp thanh khoản hệ thống dồi dào, mà thương vụ Sabeco hay Vinamilk là nổi bật nhất. Ngược lại trong năm nay thì chưa có thương vụ nào đáng kể, đặc biệt trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang khó khăn thì lộ trình thoái vốn vào những tháng cuối năm sẽ gặp không ít thách thức.
Nói đến lượng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước thì cũng cần phải nhắc đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư cho các công trình, mà đã luôn có sự trì trệ trong 2 năm trở lại đây khiến một lượng vốn nhà nước phải tạm gửi tại các ngân hàng. Tuy nhiên, tình trạng này đã liên tiếp bị phản ánh gần đây, và Chính phủ cho thấy sẽ quyết tâm giải ngân vốn đầu tư công như kế hoạch đã đặt ra, trong khi cuối năm là thời điểm các địa phương cố gắng sử dụng hết nguồn vốn đã được phân bổ, do đó điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến lượng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước đang nằm tại ngân hàng.
Nội tại các ngân hàng
Đứng về phía các ngân hàng, nếu như từ tháng 11, lượng tiền gửi thường bị rút mạnh, thì ngược lại, nhu cầu vay của khách hàng từ thời điểm này trở đi cũng thường tăng rất mạnh, do đó càng khoét sâu vào tình trạng thiếu hụt thanh khoản.
Mặc dù tăng trưởng tín dụng toàn ngành có thể sẽ được kiểm soát chặt chẽ theo như định hướng của NHNN, nhưng một số thông tin gần đây cho thấy đã có ngân hàng bắt đầu được nới hạn mức tăng trưởng tín dụng, cụ thể như tại Techcombank được nới từ 14% lên 20%, đồng nghĩa với việc Techcombank sẽ có thêm 6.000 - 8.000 tỷ đồng để cho vay trong những tháng cuối năm này.
Trong khi đó, báo cáo tài chính quý III mới công bố cho thấy một số ngân hàng đã chứng kiến 9 tháng đầu năm nay tăng trưởng huy động vốn khá thấp so với tăng trưởng tín dụng. Như tại ngân hàng Quân đội, tăng trưởng tiền gửi khách hàng chỉ đạt 6%, nhưng dư nợ cho vay khách hàng tăng mạnh đến 11%. Tại VPBank, dư nợ tăng 9,9% so với đầu năm, trong khi huy động vốn chỉ tăng 6,5%. Ở Vietcombank, con số này lần lượt là 15% và 9,2%.
Vì vậy, khi nhu cầu tín dụng trong quý IV càng lên cao, các ngân hàng này không những phải tăng cường huy động vốn để đáp ứng nhu cầu kinh doanh cho những tháng cuối năm, mà còn phải đủ để bù đắp cho sự thiếu hụt tiền gửi so với cho vay trong 9 tháng qua, nếu không thanh khoản căng thẳng sẽ là điều tất yếu.