Thanh khoản thị trường chứng khoán suy giảm nhưng vẫn ở mức cao

Theo Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, thanh khoản trên thị trường chứng khoán suy giảm so với tuần trước đó nhưng vẫn ở mức khá cao, đạt khoảng 4.100 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn.

 Thanh khoản thị trường chứng khoán suy giảm nhưng vẫn ở mức cao.
Thanh khoản thị trường chứng khoán suy giảm nhưng vẫn ở mức cao.

Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 4,25 điểm lên 991,84 điểm; HNX-Index tăng 0,1 điểm lên 105,26 điểm.

Thanh khoản suy giảm so với tuần trước đó nhưng vẫn ở mức khá cao, đạt khoảng 4.100 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn.

Giới phân tích cho rằng, diễn biến đi ngang của thị trường có lẽ còn tiếp tục kéo dài sang tuần tới khi kết quả cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung vẫn khiến giới đầu tư lo ngại.

Hiện tại, thông tin có ảnh hưởng lớn nhất đến thị trường chứng khoán là kết quả cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung vừa diễn ra.

Kết quả đàm phán thương mại Mỹ - Trung dù không xấu nhưng vẫn khiến giới đầu tư lo lắng.

Thực tế, các chỉ số chứng khoán Mỹ chốt phiên cuối tuần tăng hơn 1% nhưng không giữ được các mức cao trong phiên, sau thông báo về thỏa thuận thương mại sơ bộ giữa Mỹ và Trung Quốc, do những lo ngại về khả năng hai nước tiếp tục căng thẳng trước khi có thể hoàn tất thỏa thuận.

Chỉ số Dow Jones chốt phiên cuối tuần (11/10) tăng 319,92 điểm lên 26.816,59 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 32,14 điểm lên 2.970,27 điểm và chỉ số Nasdaq Composite tăng 106,27 điểm, hay 1,34%, lên 8.057,04 điểm.

Tính chung cả tuần, các chỉ số đều tăng điểm, với chỉ số Dow Jones và Nasdaq cùng tăng 0,9% lên các mức tương ứng là 26.816,59 điểm và 8.057,04 điểm, trong khi chỉ số S&P 500 tăng 0,6%, lên 2.970,27 điểm. Chỉ số Dow và S&P 500 đã chấm dứt ba tuần mất điểm, trong khi chỉ số Nasdaq tăng tuần thứ hai liên tiếp.

Thị trường đi lên trong những ngày gần đây nhờ sự lạc quan về một thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc.

Sau hai ngày (từ 10 - 11/10) đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, Mỹ đã quyết định hoãn kế hoạch tăng thuế từ 25% lên 30% đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc dự kiến có hiệu lực từ ngày 15/10 tới, trong khi Trung Quốc đã đồng ý mua 40 tỷ -50 tỷ USD nông sản Mỹ.

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa thay đổi kế hoạch áp thuế bổ sung đối với 160 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào ngày 15/12 tới.

Kế hoạch này sẽ ảnh hưởng tới rất nhiều mặt hàng của Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ, từ quần áo, đồ chơi đến điện thoại thông minh...

Theo ông Michael O'Rourke, người phụ trách chiến lược thị trường của JonesTrading tại Greenwich, Connecticut, động lực chính đứng sau sự phục hồi của thị trường trong vài ngày qua là hy vọng hai nước sẽ đạt thỏa thuận, thậm chí là một thỏa thuận nhỏ và cuộc chiến thương mại sẽ được giải quyết.

Tuy nhiên, Giám đốc quản lý giao dịch chứng khoán của Wedbush Securities tại Los Angeles, Michael James cho rằng, việc Mỹ-Trung chưa đạt được một thỏa thuận cũng có thể khiến thị trường chứng kiến hoạt động bán ra ở một mức độ nhất định.

Như vậy diễn biến vĩ mô thế giới là ít tích cực và có lẽ chưa có đủ sức nặng để giúp thị trường chứng khoán thế giới và trong nước tăng mạnh.

Xét đến yếu tố nội tại của thị trường. Các nhóm cổ phiếu chính như ngân hàng, dầu khí, chứng khoán, xây dựng, hàng không diễn biến khá tích cực, có thể nâng đỡ thị trường trong tuần tới.

Tại nhóm cổ phiếu ngân hàng, hầu hết các mã lớn đều có mức tăng khá mạnh. Cụ thể, VCB tăng 2,8%, CTG (2,7%), HDB (1,8%), ACB (1,7%), SHB (1,5%), BID (0,7%)...

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu dầu khí cũng đang là động lực chính giúp sắc xanh lan tỏa. Theo đó, PVB tăng 2,7%, GAS (1,8%), PLX (0,8%), PVD (0,3%), PVC và PVS đi ngang.

Ngoài ra, các mã lớn như VJC tăng 1,4%, HVN (5,8%), HPG (0,8%) là nhân tố nâng đỡ thị trường.

Dù vậy, vẫn còn những mã cổ phiếu vốn hóa lớn đang kìm hãm đà tăng của thị trường chung. Cụ thể, các mã thuộc nhóm thực phẩm – đồ uống như VNM giảm 0,5%, MSN (0,6%).

Các mã thuộc nhóm cổ phiếu Vingroup cũng diễn biến theo các xu hướng khác nhau. Theo đó, VIC đi ngang, VHM giảm 0,8%, trong khi VRE tăng 1,3%.

Như vậy, nếu nhìn tổng thể, thị trường có nhiều mã cổ phiếu diễn biến tích cực hơn là tiêu cực. Tuy vậy, khối ngoại vẫn tiếp tục duy trì trạng thái bán ròng đang là điểm đáng lo ngại của thị trường.

Tính chung toàn thị trường, khối ngoại bán ròng tuần qua 15,4 triệu cổ phiếu, giá trị bán ròng đạt gần 264 tỷ đồng.

Nhóm phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho rằng, trong bối cảnh khối ngoại vẫn đang duy trì đà bán ròng thì sự thận trọng từ nhà đầu tư là cần thiết.

Theo SHS, việc VN-Index vẫn đang bị kẹp trong khoảng giá 980-1.000 điểm và một khi chưa thoát ra khỏi vùng này thì xu hướng thị trường nhìn chung vẫn chưa có sự thay đổi.

SHS dự báo trong tuần giao dịch tiếp theo (14/10-18/10), VN-Index có thể sẽ tiếp tục đi ngang và tích lũy với biên độ trong khoảng 980-1.000 điểm.

Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt – BVSC dự báo tuần tới, VN - Index sẽ tiếp tục có biến động giằng co, đi ngang với các phiên tăng giảm đan xen trong vùng từ 980-983 điểm đến 998-1.004 điểm. Thị trường sẽ tiếp tục có diễn biến phân hóa mạnh giữa các nhóm cổ phiếu phụ thuộc vào thông tin kết quả kinh doanh quý 3 cụ thể của từng doanh nghiệp.