Thành lập TP. Huế, chính quyền đô thị TP. Hải Phòng phải gắn với tinh gọn bộ máy

Trần Huyền

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương cũng như tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hải Phòng đều phải gắn với mục tiêu tinh gọn bộ máy chung của cả nước.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà giải trình trước Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà giải trình trước Quốc hội.

Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương gắn với tinh gọn

Thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương tại phiên họp chiều 21/11, các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ đồng tình và cho rằng việc thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế thể hiện sự đổi mới quan trọng về phát triển đô thị. Qua đó, tạo lập không gian kinh tế, động lực phát triển mới cho địa phương thực sự trở thành một trung tâm của vùng và cả nước về văn hóa, du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục, đào tạo và khoa học, công nghệ xứng tầm.

Phát biểu làm rõ thêm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, xây dựng đề án thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương phải thực hiện mục tiêu tinh gọn, đồng bộ. Theo đó, có sắp xếp lại 04 đơn vị hành chính cấp huyện và 21 đơn vị hành chính cấp xã. Trong đó, có thành lập 2 quận trên cơ sở TP. Huế hiện hữu và theo đó có sáp nhập 02 đơn vị cấp huyện, 02 đơn vị hành chính huyện. Đồng thời, cũng thực hiện việc thành lập 11 phường và 01 thị trấn.

Theo Bộ trưởng, sau sắp xếp giữ nguyên số lượng đơn vị hành chính cấp huyện là 09 và giảm 08 đơn vị hành chính cấp xã. Như vậy, không phải chỉ tập trung thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương mà phải gắn kết, đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong yêu cầu, nhiệm vụ chính trị chung của cả nước hiện nay.

Về cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để TP. Huế phát triển nhanh, bền vững, Bộ trưởng thông tin, trên cơ sở thực hiện các chính sách hiện nay, Chính phủ sẽ tham mưu để Quốc hội ban hành một nghị quyết mới với cơ chế, chính sách nổi trội hơn, mạnh hơn, toàn diện hơn, bám sát vào những nòng cốt, cối lõi cơ bản để bảo tồn và phát huy những giá trị di sản cùng với thực hiện các mục tiêu, yêu cầu cho sự phát triển đô thị xanh, hài hòa bản sắc và văn minh, hiện đại. Trong đó, chú trọng đến phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, một số các mục tiêu gắn với chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. 

Đảm bảo chính quyền đô thị tinh gọn, năng động

Cũng trong chiều 21/11, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hải Phòng. Các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với mô hình này. Về cơ cấu tổ chức HĐND TP. Hải Phòng, HĐND, UBND TP. Thủy Nguyên, UBND quận, phường và số lượng cấp phó, các ý kiến cơ bản nhất trí nhưng đề nghị sắp xếp lại về mặt số lượng, cơ cấu tương tự như đã áp dụng đối với Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và TP. Đà Nẵng.

Giải trình về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hải Phòng nhằm thu gọn cấp chính quyền, tăng cường phân cấp, phân quyền để đảm bảo chính quyền đô thị tinh gọn, hoạt động năng động, tự chủ, thích ứng linh hoạt, phù hợp với vai trò, tính chất đặc thù, đặc trưng của đô thị.

Đồng thời, gắn kết thực hiện chính quyền đô thị của Hải Phòng với sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã cũng như chung cho cả nước. "Sắp xếp ở TP. Hải Phòng tôi có thể dùng từ "tiên phong" 4 đề án, trong đó có sắp xếp một số lượng đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã tương đối lớn, sắp xếp 101 đơn vị hành chính cấp xã và chỉ còn lại 50 đơn vị hành chính cấp xã sau khi sắp xếp", Bộ trưởng nêu.

Liên quan đến tổ chức bộ máy của TP. Thủy Nguyên - thành phố trong thành phố, Bộ trưởng cho rằng, Thủy Nguyên trong thời gian tới sẽ là trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội của TP. Hải Phòng. Tuy nhiên, quy mô dân số cũng như tốc độ phát triển kinh tế không thể so sánh với TP. Thủ Đức. Do đó, số lượng Phó Chủ tịch HĐND và Phó Chủ tịch UBND cũng như các ban của HĐND TP. Thủy Nguyên hiện nay đều giữ như hiện hành, tương đương với đơn vị hành chính đô thị hiện hữu của cấp tỉnh. Nội dung này cũng được thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư về tinh gọn bộ máy.