Thanh toán không dùng tiền mặt sắp bùng nổ

Theo Huyền Anh/thoibaokinhdoanh.vn

Thanh toán không dùng tiền mặt đã trải qua một năm đầy sôi động, đạt được kết quả đáng ghi nhận, thu hút được số lượng lớn khách hàng sử dụng. Dự kiến, những con số giao dịch điện tử sẽ tiếp tục bùng nổ trong năm 2019.

 Thanh toán không dùng tiền mặt thu hút được số lượng lớn khách hàng sử dụng. Nguồn: Internet
Thanh toán không dùng tiền mặt thu hút được số lượng lớn khách hàng sử dụng. Nguồn: Internet

Thống kê cho thấy, trong hơn hai năm triển khai Đề án thanh toán không dùng tiền mặt đã có những tiến triển đáng kể là thanh toán số, internet tăng nhanh khoảng 30%, thanh toán qua di động tăng 80%.

Không đứng ngoài xu thế

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, thời gian qua, tỷ trọng rút tiền mặt qua ATM vẫn còn tăng, năm 2016 là 17% và năm 2017 là 22%, song giá trị và mức tiền giao dịch qua cây ATM lại giảm. Cụ thể, năm 2018 là 12%, giảm 4% so với năm 2017.

Đặc biệt, trong năm 2018, thanh toán điện tử qua internet, điện thoại di động đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, thu hút được số lượng lớn khách hàng sử dụng.

Số liệu thống kê mới nhất của NHNN cho thấy, 9 tháng đầu năm 2018, số lượng giao dịch tài chính trên kênh internet là 178 triệu giao dịch với giá trị khoảng 11 triệu tỷ đồng, tăng tương ứng là 33% và 18% so với cùng kỳ năm 2017.

Số lượng giao dịch tài chính trên kênh di động là 122 triệu giao dịch, với giá trị giao dịch là gần 1,1 triệu tỷ đồng, tăng tương ứng 29% về số lượng và 128% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Một số ngân hàng thương mại đã nghiên cứu, hợp tác đưa vào những công nghệ hiện đại hoạt động thanh toán trên thiết bị di động với việc áp dụng về sinh trắc học, vân tay, khuôn mặt, giọng nói, công nghệ mã hóa thẻ… an toàn tiện lợi được người dùng đón nhận tích cực, từ đó đã thúc đẩy sự gia tăng thanh toán không dùng tiền mặt trong cả khu vực tư và công.

Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN, cho biết thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực công không ngừng được mở rộng trong nhiều lĩnh vực như: thuế, điện, nước, học phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội…

Hiện đã có 27 ngân hàng và 10 tổ chức tín dụng cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán về tiền điện và 100% cơ sở y tế bắt đầu triển khai đề án nhờ thu tiền khám chữa bệnh. Hàng chục ngân hàng đạt thỏa thuận hợp tác phối hợp thu thuế hải quan trên 63 tỉnh, thành…

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bảo hiểm xã hội tích cực tham gia với số lượng 21% tổng số người hưởng chế độ được thanh toán qua ngân hàng.

Ông Dũng đánh giá lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt đã trải qua một năm đầy sôi động. NHNN đã triển khai có hiệu quả việc thanh toán không dùng tiền mặt, người dân cũng đã quen dùng các phương tiện thanh toán này. Nhận thức trong việc sử dụng dịch vụ thanh toán bảo vệ thông tin cá nhân của người dân ngày càng tăng.

"Những con số tăng trưởng trên phản ánh xu thế giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam không đứng ngoài xu thế chung của thế giới", ông Dũng nói.

Theo các chuyên gia, việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt còn giúp chống thất thu ngân sách nhà nước. Ví dụ, những giao dịch bất động sản (BĐS) thường có số tiền rất lớn là vài trăm triệu cho đến hàng chục tỷ đồng, nhưng người dân và doanh nghiệp kinh doanh BĐS hiện vẫn thích giao dịch bằng tiền mặt nhằm giảm bớt thuế, phí thông qua việc kê khai giá chuyển nhượng nhà đất thấp hơn giao dịch thực tế.

Cần tác động từ chính sách

Cơ quan thuế cho biết, thời gian qua đã phát hiện nhiều hồ sơ khai thuế với giá chuyển nhượng thấp hơn cả giá đất trên bảng giá do UBND tỉnh, thành công bố và tiến hành truy thu lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngành ngân hàng, cho biết giao dịch BĐS qua ngân hàng sẽ thúc đẩy tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt gia tăng nhanh hơn, góp phần chống tham nhũng, minh bạch thị trường BĐS, đặc biệt sẽ hạn chế tình trạng hai giá: giá để tính thuế, phí và giá giao dịch thực tế.

Vì vậy, nhiều chuyên gia đưa ra kiến nghị cần quy định một số danh mục bắt buộc thanh toán qua ngân hàng, thậm chí áp dụng chế tài mạnh, chứ nếu chỉ khuyến khích thì rất khó.

"Hầu hết các giao dịch BĐS hiện nay, Nhà nước không thu được đủ số tiền thuế theo quy định. Vì vậy, cơ quan quản lý có thể kèm theo yêu cầu có chứng từ xác nhận thanh toán chuyển khoản qua ngân hàng mới được chuyển tên làm giấy chứng nhận nhà đất", một chuyên gia đề xuất.

Ông Dũng đồng tình với đề xuất này và cho biết trong năm 2019, NHNN sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để nghiên cứu và công khai chi tiết danh mục giao dịch bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng, nghiên cứu đề xuất Chính phủ sửa đổi các quy định của pháp luật nhằm khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt đối với giao dịch BĐS.

Ngoài ra, NHNN tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, hạn chế tiền mặt, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, NHNN còn triển khai đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với việc thu phí các dịch vụ công như điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội; đẩy mạnh thanh toán thẻ qua các thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán (POS); áp dụng phương thức thanh toán hiện đại mã phản hồi nhanh (QR code), mã hóa thông tin thẻ, thanh toán di động, thanh toán phi tiếp xúc…