Thanh tra Bộ Tài chính chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong nhiều nghiệp vụ
Tại Hội nghị trao đổi nghiệp vụ ngày 26/3, các báo cáo viên của Thanh tra Bộ Tài chính đã chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn trong nhiều nghiệp vụ như: tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; kiểm soát tài sản, thu nhập cũng như các quy định liên quan việc xử phạt vi phạm hành chính; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...
Thông tin về công tác tiếp công dân và khiếu nại, ông Nguyễn Hữu Thịnh – Phòng Quản lý các vấn đề khiếu nại, tố cáo của công dân (Thanh tra Bộ Tài chính) cho biết, khi công dân đến trình bày trực tiếp và không có đơn thì người tiếp công dân hướng dẫn công dân viết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hoặc ghi chép đầy đủ, trung thực, chính xác nội dung trình bày của công dân; nội dung nào chưa rõ thì đề nghị công dân trình bày thêm, sau đó đọc lại cho công dân nghe và đề nghị họ ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản.
Trường hợp công dân đến trình bày và có đơn với nội dung cụ thể, rõ ràng, có thể xác định được rõ tính chất vụ việc và cơ quan có thẩm quyển giải quyết thì người tiếp công dân hướng dẫn công dân gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền để được xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật. Trường hợp nhiều người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về cùng một nội dung thì người tiếp công dân hướng dẫn cử người đại diện để trình bày; ghi lại nội dung trình bày và đề nghị người đại diện ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản.
Trường hợp công dân trình bày nhiều nội dung, vừa có nội dung khiếu nại, vừa có nội dung tố cáo, kiến nghị, phản ánh thì người tiếp công dân hướng dẫn công dân thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định của pháp luật. Việc tiếp nhận, ghi chép nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, hướng dẫn công dân viết đơn phải được ghi vào Sổ tiếp công dân hoặc được nhập vào phần mềm cơ sở dữ liệu về tiếp công dân.
Trong khiếu nại, việc xác định thẩm quyền giải quyết khiếu nại được căn cứ theo Điều 17 đến điều 25 Luật Khiếu nại. Theo đó, thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu là người có quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại; Thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai là thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu. Ngoài ra, đối với trường hợp UBND cấp tỉnh đã giải quyết khiếu lại lần 1, thì cấp Bộ giải quyết khiếu nại lần 2 đối với nội dung thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của bộ, ngành đó.
Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, vụ việc phức tạp thì không quá 45 ngày. Nếu ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì không quá 45 ngày, vụ việc phức tạp thì không quá 60 ngày. Khiếu nại lần hai không quá 45 ngày, vụ việc phức tạp thì không quá 60 ngày; ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì không quá 60 ngày, vụ việc phức tạp thì không quá 70 ngày.
Chia sẻ về công tác tố cáo, ông Phạm An Kiên Trung – Phòng Quản lý các vấn đề khiếu nại, tố cáo của công dân cho hay, việc phối hợp giữa các đơn vị thuộc Bộ Tài chính trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được đẩy mạnh và thực hiện theo quy định tại Quyết định số 3127/QĐ-BTC ngày 09/12/2014 của Bộ Tài chính về Quy chế phối hợp trong công tác tố chức tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo giữa các đơn vị thuộc Bộ Tài chính.
Theo đó, giữa các đơn vị thuộc Bộ Tài chính phối hợp trên tất các các mặt công tác: thể chế hóa văn bản quy phạm pháp luật; tuyên truyền, hướng dẫn các quy định; giải quyết các vụ việc phức tạp, có nội dung liên quan đến nhiều cơ quan đơn vị; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật; đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ công chức; thông tin báo cáo và tổng kết kinh nghiệm về trong ngành Tài chính.
Với các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, Bộ Tài chính thành lập các Đoàn (Tổ) công tác hay xác minh nội dung đơn thư đều trưng dụng cán bộ công chức của các đơn vị thuộc Bộ Tài chính. Trường hợp không thành lập Đoàn (Tổ), các đơn vị thuộc Bộ Tài chính tổ chức họp hoặc lấy ý kiến tham gia của Thanh tra Bộ Tài chính trước khi đề xuất với cấp có thẩm quyền quyết định. Thanh tra Bộ Tài chính thường xuyên tham gia ý kiến bằng văn bản hoặc tham mưu trực tiếp cho các đơn vị thuộc Bộ. Các ý kiến tham gia của Thanh tra Bộ Tài chính đều được các đơn vị thuộc Bộ Tài chính tiếp thu, nghiên cứu để giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân thấu tình đạt lý, đúng quy định của pháp luật.
Tại hội nghị, đại diện Thanh tra Bộ Tài chính cũng trao đổi các quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính. Theo ông Đỗ Thành Nam - Phòng Thanh tra giá và các Quỹ tài chính (Thanh tra Bộ Tài chính), thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có nhiệm vụ, quyền hạn xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật theo khoản 5 Điều 24 tại Nghị định số 03/2024/NĐ-CP ngày 11/01/2024 của Chính phủ quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.
Chánh Thanh tra Bộ, cơ quan ngang Bộ; các chức danh tương đương của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành... có quyền xử phạt vi phạm hành chính ở mức tối đa theo lĩnh vực. Chánh Thanh tra cơ quan thuộc Chính phủ, Chánh Thanh tra tỉnh; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp Bộ... có thẩm quyền xử phạt bằng hoặc dưới 250 triệu đồng. Chánh Thanh tra Sở; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp Sở, của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành... có quyền xử phạt bằng hoặc dưới 50 triệu đồng. Thanh tra viên; người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành có quyền xử phạt bằng hoặc dưới 500 nghìn đồng.
Liên quan đến phòng chống tham nhũng, ông Hoàng Ngọc Sơn – Phòng Thanh tra chấp hành pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng chống tham nhũng (Thanh tra Bộ Tài chính) chia sẻ, để phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, phải công khai, minh bạch về tổ chức, hoạt động; Xây dựng, ban hành và thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ; Quy định về quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn; Chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn; Cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ, và thanh toán không dùng tiền mặt; Kiểm soát tài sản thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm chỉ đạo việc thực hiện các nội dung quy định; Gương mẫu, liêm khiết, chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh; chịu trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách theo quy định.
Đối với kiểm tra, xác minh tài sản, thu nhập, báo cáo viên của Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, Bộ Tài chính phê duyệt nội dung và ban hành kế hoạch xác minh trước ngày 31/01 hàng năm; số cơ quan, tổ chức, đơn vị được xác minh tối thiểu bằng 10% và sẽ lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh trong thời hạn 10 ngày.
Trong đó, tiêu chí lựa chọn là người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập hàng năm; Chưa được xác minh tài sản, thu nhập trong thời gian 04 năm liền trước đó; Không thuộc 1 trong các trường hợp: Đang bị điều tra, truy tố, xét xử; Đang điều trị bệnh hiểm nghèo được cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận; Đang học tập, công tác ở nước ngoài từ 12 tháng trở lên. Theo đó, số người được xác minh của Bộ Tài chính trong năm 2023 là 600 người...
Phát biểu kết luận Hội nghị, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính Trần Huy Trường đã làm rõ thêm một số nội dung được trình bày, trao đổi tại hội nghị. Theo Chánh Thanh tra Bộ Tài chính, hội nghị lần này là dịp trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, thông tin về các quy định pháp luật cùng các đơn vị được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; cơ quan, đơn vị dự kiến được giao nhiệm vụ tham mưu về công tác thanh tra.