Thống nhất triển khai quy định về thanh tra trong ngành Tài chính
Trong 2 ngày 25-26/3/2024, tại tỉnh Nghệ An, Thanh tra Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trao đổi nghiệp vụ công tác thanh tra; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và xử lý vi phạm hành chính. Hội nghị nhằm thống nhất cách hiểu, cách triển khai các quy định về thanh tra trong ngành Tài chính.
Tham dự hội nghị có ông Trần Đăng Vinh – Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra Chính phủ; ông Trần Văn Long – Vụ phó Vụ Pháp chế - Thanh tra Chính phủ; Lãnh đạo Thanh tra Bộ Tài chính; đại diện lãnh đạo các Tổng cục, Cục, Vụ và các đơn vị thuộc Bộ Tài chính; đại diện lãnh đạo các đơn vị trong ngành Tài chính trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Thống nhất cách hiểu, cách triển khai quy định về thanh tra
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Trần Huy Trường – Chánh Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, Luật Thanh tra năm 2022 có hiệu lực từ ngày 1/7/2023. Việc thực hiện Luật Thanh tra lần này có rất nhiều điểm mới, khác biệt hẳn so với Luật Thanh tra trước đây, đặc biệt các đơn vị được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có nhiều thay đổi về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ quyền hạn. Luật Thanh tra mới cũng đã phân định rõ hơn giữa cuộc thanh tra hành chính với cuộc thanh tra chuyên ngành...
Chính vì vậy, hội nghị này được tổ chức nhằm trao đổi trong toàn hệ thống để thống nhất cách hiểu, thống nhất cách triển khai quy định về thanh tra, qua đó có thể triển khai thật tốt Luật Thanh tra mới và Nghị định hướng dẫn Luật trong toàn ngành Tài chính.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Đăng Vinh – Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra Chính phủ cho rằng, thanh tra tài chính là lực lượng hùng hậu, có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời. Qua quá trình hình thành và phát triển, thanh tra tài chính đã thể hiện vai trò quan trọng trong hoạt động của ngành Thanh tra, đặc biệt trong việc phát hiện xử lý vi phạm và xây dựng hoàn thiện thể chế. Khi thay đổi chính sách, xây dựng, hoàn thiện chính sách, Vụ Pháp chế - Thanh tra Chính phủ luôn nhận được sự đóng góp tích cực của thanh tra tài chính và các đơn vị thuộc ngành Tài chính.
Theo ông Trần Đăng Vinh, Luật Thanh tra năm 2022 đã có những quy định thay đổi rất lớn cả về tổ chức và hoạt động. Với hệ thống các quy định của Luật Thanh tra về cơ quan thanh tra Bộ Tài chính, thanh tra Cục, Tổng cục, các đơn vị thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành với 11 đầu mối như hiện nay, việc ban hành các quy định về chức năng nhiệm vụ, tổ chức thực hiện từ khâu xây dựng kế hoạch thanh tra đến tiến hành thanh tra liên quan nhiều quy phạm, thay đổi.
Hiện nay, Thanh tra Chính phủ đang xây dựng hàng loạt thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Thanh tra bao gồm thông tư hướng dẫn về xây dựng định hướng, ban hành kế hoạch thanh tra, thẻ thanh tra, trình tự thủ tục, trang phục, hồ sơ thanh tra... đặc biệt là thông tư hướng dẫn trình tự thủ tục 1 cuộc thanh tra... đảm bảo tránh chồng chéo, hạn chế bỏ sót, phù hợp thực tiễn đặc điểm từng lĩnh vực thanh tra.
"Mỗi hoạt động thanh tra chuyên ngành đều có đặc điểm khác nhau, việc hoàn thiện cơ chế chính sách làm sao để phù hợp tạo hành lang pháp lý đồng bộ, ổn định để hoạt động lâu dài là vấn đề quan trọng, cần phát huy trí tuệ tập thể. Do đó, sau khi giới thiệu các nội dung quy định của pháp luật về thanh tra, Vụ Pháp chế mong muốn lắng nghe các ý kiến đóng góp về pháp luật thanh tra hiện nay để tiếp tục hoàn thiện", Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.
Nhiều điểm mới trong quy định về thanh tra
Tại hội nghị, ông Trần Văn Long - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra Chính phủ đã giới thiệu những điểm mới, nội dung cơ bản về pháp luật thanh tra liên quan đến ngành Tài chính.
Theo ông Trần Văn Long, khuôn khổ pháp lý về thanh tra hiện có 3 văn bản gồm: Luật Thanh tra số 11/2022/QH15 ngày 14/11/2022; Nghị định số 43/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra; Nghị định số 03/2024/NĐ-CP ngày 11/01/2024 của Chính phủ quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.
Đối với Bộ Tài chính, theo quy định của Luật Thanh tra năm 2022 và Nghị định số 03/2024/NĐ-CP, cơ quan thanh tra thuộc Bộ Tài chính gồm: Thanh tra Bộ Tài chính; Thanh tra Kho bạc Nhà nước; Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Thanh tra Tổng cục Dự trữ nhà nước.
Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành cấp Tổng cục, Cục thuộc Bộ gồm: Tổng cục Thuế; Tổng cục Hải quan; Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm; Cục Quản lý công sản; Cục Quản lý giá; Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí; Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán. Cấp Cục thuộc Tổng cục gồm: Cục Hải quan; Cục Thuế; Cục Dự trữ Nhà nước; Kho bạc Nhà nước tỉnh và cấp Chi cục được giao theo luật chuyên ngành.
Như vậy, các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra thuộc Bộ Tài chính đã có thay đổi. Các đơn vị được giao chức năng thanh tra chuyên ngành chuyển thành cơ quan thanh tra, gồm: Kho bạc Nhà nước; Tổng cục Dự trữ nhà nước; các đơn vị mới được giao chức năng thanh tra chuyên ngành: Cục Quản lý công sản; Cục Quản lý giá; Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí; Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán.
Về tổ chức của các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra thuộc Bộ Tài chính, Thanh tra Bộ có Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra, Thanh tra viên và công chức khác; Tổ chức của Thanh tra Tổng cục thuộc Bộ có Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra, Thanh tra viên và công chức khác.
Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thì không thành lập cơ quan thanh tra. Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành giao nhiệm vụ tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành cho đơn vị trực thuộc.
Đại diện Lãnh đạo Vụ Pháp chế - Thanh tra Chính phủ cũng nêu rõ trình tự tiến hành một cuộc thanh tra. Trong đó, đối với một cuộc thanh tra hành chính, bước chuẩn bị thanh tra, bao gồm: Thu thập thông tin để chuẩn bị thanh tra; Ban hành quyết định thanh tra; Xây dựng và gửi đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo; Thông báo về việc công bố quyết định thanh tra.
Bước tiến hành thanh tra trực tiếp, bao gồm: Công bố quyết định thanh tra; Thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra; Kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu; Kết thúc việc tiến hành thanh tra trực tiếp. Bước kết thúc cuộc thanh tra, bao gồm: Báo cáo kết quả thanh tra; Xây dựng dự thảo kết luận thanh tra; Thẩm định dự thảo kết luận thanh tra; Ban hành kết luận thanh tra; Công khai kết luận thanh tra.
Đối với một cuộc thanh tra chuyên ngành, bước chuẩn bị thanh tra, bao gồm: ban hành quyết định thanh tra; thông báo về việc công bố quyết định thanh tra. Bước tiến hành thanh tra trực tiếp, bao gồm: công bố quyết định thanh tra; thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra; kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu; xử phạt vi phạm hành chính trong quá trình thanh tra (nếu có); kết thúc việc tiến hành thanh tra trực tiếp.
Bước kết thúc cuộc thanh tra, bao gồm: báo cáo kết quả thanh tra; xây dựng dự thảo kết luận thanh tra; thẩm định dự thảo kết luận thanh tra, trừ trường hợp không cần thiết phải thẩm định quy định tại khoản 1 Điều 77 của Luật Thanh tra; ban hành kết luận thanh tra; công khai kết luận thanh tra.
Như vậy, trình tự tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành được rút ngắn hơn so với tiến hành một cuộc thanh tra hành chính ở các bước: Chuẩn bị thanh tra (thu thập thông tin trước khi ban hành Quyết định thanh tra; xây dụng và gửi đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo); Kết thúc thanh tra (chỉ thẩm định dự thảo Kết luận thanh tra khi cần thiết)...
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận các nội dung còn vướng mắc, từ đó đề xuất các giải pháp thiết thực để công tác thanh tra trong ngành Tài chính đạt hiệu quả cao nhất.
Hội nghị tập huấn, trao đổi có ý nghĩa quan trọng và cần thiết, giúp các đơn vị được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; cơ quan, đơn vị dự kiến được giao nhiệm vụ tham mưu về công tác thanh tra trong ngành Tài chính kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, cập nhật các quy định mới của Luật Thanh tra số 11/2022/QH15 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.