Tháo gỡ các điểm nghẽn để kinh tế báo chí phát triển
Đây là một trong những chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm tại Hội thảo “Hoàn thiện pháp luật để báo chí phát triển trong kỷ nguyên số”, tổ chức sáng ngày 16/5.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phan Xuân Thủy- Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí là hết sức cần thiết nhằm hoàn thiện quy định pháp luật để thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về báo chí; khắc phục những hạn chế, bất cập trong quy định pháp luật về báo chí hiện hành.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí nhằm điều chỉnh, quản lý hoạt động báo chí phù hợp trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của khoa học, công nghệ, truyền thông hiện đại, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động báo chí phát triển trong kỷ nguyên số.
Hội thảo “Hoàn thiện pháp luật để báo chí phát triển trong kỷ nguyên số” cũng được tổ chức nhằm lấy ý kiến đóng góp hoàn thiện hệ thống pháp luật, đề xuất các quy định cụ thể, góp ý xây dựng dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) trước khi trình Chính phủ, Quốc hội xem xét, thông qua.
Trình bày tham luận “Một số vấn đề đáng chú ý trong Luật Báo chí (sửa đổi)”, ông Lưu Đình Phúc- Cục Trưởng Cục Báo chí (Bộ VH-TT&DL), cho biết: Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 22/9/2024 của Chính phủ thông qua 4 chính sách Đề nghị xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi). Bao gồm:
- Tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động báo chí (7 vấn đề).
- Nâng cao chất lượng người làm báo, lãnh đạo cơ quan báo chí (5 vấn đề).
- Thúc đẩy phát triển kinh tế báo chí (4 vấn đề).
- Điều chỉnh hoạt động báo chí trên không gian mạng.
Bên cạnh vấn đề về mô hình tổ hợp báo chí, vấn đề kinh tế báo chí nhận được nhiều sự quan tâm thảo luận của các đại biểu tham dự hội thảo.
Ông Lê Quốc Vinh- Chủ tịch Le Group cho rằng, dự thảo Luật đã đưa ra điều kiện cho các cơ quan báo chí phát triển mô hình tổ hợp truyền thông thì cũng nên tạo điều kiện để phát triển hệ sinh thái đó theo nhu cầu thực tế. Cần có quy định, cơ sở để các cơ quan báo chí sau này phát triển tự do kinh doanh, tự do liên kết.
Hiện nay, cơ quan báo chí có 4 nguồn thu chính, bao gồm:
Một là: Nguồn thu từ doanh nghiệp như quảng cáo, phi quảng cáo (và các đại lý quảng cáo). Chẳng hạn doanh nghiệp có nhu cầu rất lớn trong việc hợp tác với các cơ quan báo chí để hỗ trợ họ phát triển thương hiệu. Các cơ quan báo chí có thể tận dụng phát triển thế mạnh, nếu đưa ra sản phẩm chiến lược tốt, bán được giá trị đặc trưng của mình, đây sẽ là nguồn thu rất lớn.
Hai là: Doanh thu từ dự án xã hội gồm các hợp tác mang tính chiến lược, đa dạng nhằm thúc đẩy tác động kinh tế xã hội, môi trường, chính trị, văn hoá. Nhiều doanh nghiệp muốn hợp tác với các cơ quan báo chí phát triển các dự án bảo vệ môi trường, chuyển đổi xanh, dự án giáo dục mở ra những mô hình kinh doanh mới, thay đổi nhận thức của xã hội, thay đổi thói quen người tiêu dùng…
Ba là: Doanh thu từ độc giả - các nguồn thu từ “bán” nội dung cho người đọc, thông qua các nền tảng truyền thống và nền tảng số. Một số cơ quan báo chí đã phát triển mô hình thu phí nhưng khó thực hiện vì độc giả quen đọc miễn phí lâu nay, xu hướng này chỉ thành công khi các cơ quan báo chí đồng lòng chuyển hướng. Hay mô hình đóng góp tình nguyện, mô hình hội viên - nhưng cần phát triển được cộng đồng như nêu ở trên.
Bốn là: Doanh thu từ hoạt động tự doanh, gồm hoạt động kinh doanh sản phẩm và dịch vụ của cơ quan báo chí, dựa trên hệ sinh thái báo chí. Nguồn này ngày càng quan trọng với các cơ quan báo chí. Về hoạt động tự doanh, có thể phát triển nhưng kiểm soát để không xa rời hoạt động cốt lõi.
“Làm sao mở điều kiện cho các cơ quan báo chí chủ động phát triển hệ sinh thái báo chí, khai thác các nguồn lực dữ liệu riêng, tạo ra nguồn lực phát triển riêng”, ông Vinh nêu ý kiến.
Từ góc nhìn thực tiễn, ông Phùng Công Sưởng- Tổng Biên tập Báo Tiền phong, cho rằng, hiện nay, 4 nguồn thu chính của các cơ quan báo chí đang dần bị hạn chế. Theo đó, nguồn thu từ bán nội dung gần như không còn hoặc rất ít; nguồn từ ngân sách nhà nước cấp rất hạn chế, chỉ một số cơ quan lớn được cấp; nguồn thu từ truyền thông - quảng cáo đang bị sụt giảm mạnh; nguồn tài trợ, viện trợ từ tổ chức, cá nhân rất hiếm và không ổn định.
Báo chí hoạt động hiện nay được định nghĩa là cơ quan sự nghiệp có thu, nhưng đang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Nếu không giải quyết được bài toán kinh tế báo chí, báo chí không thể phát triển.
Tổng Biên tập Báo Tiền Phong cho rằng, liên kết báo chí là vấn đề rất cần quan tâm. Một cơ quan báo chí tốt cần có nền tảng công nghệ mạnh, một doanh nghiệp công nghệ của chính mình. Khi định giá một tờ báo như Tiền Phong, phải định giá cả thương hiệu, cả hệ sinh thái công nghệ, cả giá trị tài sản số. Báo chí không thể phát triển nếu không được nhìn nhận như một hệ sinh thái truyền thông đa nền tảng.
Ông Sưởng cho rằng Luật Báo chí (sửa đổi) lần này cần tháo gỡ các điểm nghẽn, đặc biệt là ở kinh tế báo chí, mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động và quyền tự chủ của cơ quan báo chí, để thực sự mở đường cho báo chí Việt Nam phát triển chuyên nghiệp, hiện đại và hội nhập.
“Vậy báo chí đang sống bằng gì và phát triển bằng gì? Muốn báo chí phát triển phải định hướng kinh tế báo chí, không có thực lực không phát triển được, nếu không có nguồn nhân lực tốt. Có quy định nào bán nội dung trên báo điện tử không? để tất cả các tờ báo đều phải bán”, ông Sưởng nêu quan điểm và cho rằng nếu không có cơ chế phù hợp, sẽ không thể phát triển nền kinh tế báo chí vững mạnh.