Giải "bài toán" kinh tế báo chí trước áp lực cạnh tranh từ mạng xã hội

Trần Huyền

Nêu vấn đề 80% quảng cáo trực tuyến "chảy" vào mạng xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại và cho rằng cần có giải pháp để giải bài toán về kinh tế đối với các cơ quan báo chí truyền thống.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông sáng 12/11, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến vấn đề kinh tế báo chí hiện nay. 

Có cơ chế đặt hàng với cơ quan báo chí

Tham gia chất vấn, đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên nêu vấn đề, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa báo chí truyền thống và internet, mạng xã hội, ngoài việc tăng cường chất lượng, đẩy mạnh số hóa báo chí thì bài toán kinh tế báo chí, mô hình kinh doanh báo chí sẽ phải giải quyết như thế nào để báo chí truyền thống có thể cạnh tranh và tồn tại, làm tốt vai trò người lính xung kích trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, góp phần vào sự phát triển bền vững của Đất nước.

Cũng chất vấn về nội dung này, đại biểu Hoàng Đức Thắng - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị đặt vấn đề có cần sự hợp tác giữa báo chí và các nhà mạng xã hội trong quan hệ kinh tế, quảng cáo theo hướng cùng chia sẻ lợi ích hay không. Nếu có thì cần hành lang pháp lý như nào để thực hiện hiệu quả mối quan hệ này.

Giải trình ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, khi kinh tế thị trường phát triển, các doanh nghiệp bắt buộc phải quảng cáo để bán hàng, vì thế chi khá nhiều cho quảng cáo, khi đó quảng cáo chủ yếu trên báo chí. Sau đó mạng xã hội xuất hiện, chiếm 80% quảng cáo trực tuyến, như vậy nguồn thu của báo chí, nhất là các cơ quan báo chí tự chủ tài chính đã giảm đáng kể.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, số lượng cơ quan báo chí ra đời nhiều (880 cơ quan báo chí) nhưng hiện nay nguồn thu giảm. Trong chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ ban hành về truyền thông chính sách có yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp phải coi truyền thông là việc của mình, có cơ chế đặt hàng đối với cơ quan báo chí.

Đặc biệt, trong quy hoạch báo chí, có một nội dung rất quan trọng là Nhà nước tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho 6 cơ quan báo chí chủ lực để trở thành sức mạnh truyền thông. Trong quá trình sửa Luật Báo chí  sắp tới cũng sẽ xây dựng cơ chế đặc thù về kinh tế báo chí cho các cơ quan báo chí chủ lực. Trong đó, cho phép một số cơ quan báo chí lớn được kinh doanh về nội dung, kinh doanh xung quanh lĩnh vực truyền thông, nhưng kinh doanh để làm báo. 

Thay đổi công nghệ để lấy lại "trận địa"

Nhấn mạnh việc nâng cao vai trò của báo chí truyền thống, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, mạng xã hội ra đời đã "lấy mất nghề của báo chí". Báo chí trong hàng trăm năm qua tập trung vào đưa tin nhưng hiện nay mạng xã hội đưa tin nhanh hơn, với hàng chục triệu "phóng viên không mất tiền" và có mặt ở khắp mọi nơi.

Do vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, báo chí muốn giữ vững "trận địa" của mình thì phải làm khác mạng xã hội, quay về với những giá trị cốt lõi là tin xác thực, chính xác, khách quan, có trách nhiệm giải trình và đạo đức nghề nghiệp. Thay vì đưa tin, thì cần phân tích, đánh giá, đưa ra giải pháp, dẫn dắt, định hướng xã hội. Bộ trưởng nhấn mạnh, báo chí cần nâng cao chất lượng nội dung, để thông tin trên báo chí mang tính chất dẫn dắt dư luận trên mạng xã hội.

Ngoài ra, báo chí cũng phải tăng cường áp dụng công nghệ số để lấy lại "trận địa", tăng số lượng độc giả, từ đó quảng cáo cũng sẽ tăng lên. Hiện Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược chuyển đổi số quốc gia về báo chí. Do đó, các cơ quan báo chí cần thay đổi công nghệ để có thể cạnh tranh với các nền tảng xã hội.

Cũng liên quan đến vấn đề chuyển đổi số, Bộ trưởng cho biết thêm, thời gian tới, để đẩy mạnh số hóa, chuyển đổi số các cơ quan báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ban hành một chương trình để thực hiện chiến lược này. Điểm quan trọng là đưa ra tiêu chí đo lường, đánh giá mức độ trưởng thành của các cơ quan báo chí trong chuyển đổi số. Bộ sẽ thành lập trung tâm hỗ trợ, ban hành cẩm nang, xây dựng chương trình tập huấn cho các Tổng biên tập trong vấn đề chuyển đổi số để tạo chuyển biến trong vấn đề này. 

"Bộ Thông tin và Truyền thông đang cho phát triển nền tảng số dùng chung để chuyển đổi số các cơ quan báo chí nhỏ, đặc biệt là các tạp chí, để hỗ trợ miễn phí cho các cơ quan báo chí", Bộ trưởng thông tin.

Trước ý kiến của đại biểu Hoàng Đức Thắng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông cho hay, hầu hết các cơ quan báo chí đều có tài khoản và trang trên các nền tảng mạng xã hội để tiếp cận độc giả. Hiện nay, có ý kiến đề xuất cho phép các cơ quan báo chí đăng tải thông tin trước trên mạng xã hội, thay vì chỉ được phép đăng sau khi đăng trên phương tiện truyền thông chính. Bộ trưởng cho biết Chính phủ đang xem xét các quy định mới liên quan đến nội dung này.