Tháo gỡ khó khăn để phát triển bền vững Bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên
Những năm qua, bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên đã góp phần quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe học sinh, sinh viên tại các trường học trên địa bàn các tỉnh, thành phố, là chỗ dựa vững chắc cho mỗi học sinh và gia đình khi ốm đau, bệnh tật.
BHYT gắn liền với mục tiêu phát triển giáo dục toàn diện
Trong lộ trình tiến đến bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân, học sinh, sinh viên (HSSV) là nhóm đối tượng được hướng đến đầu tiên bởi những yếu tố thuận lợi tập trung, dễ truyền thông giáo dục, độ tuổi trẻ, giàu lý tưởng và sức khỏe tốt. Trong nhóm đối tượng tham gia BHYT theo hình thức tự nguyện, đối tượng HSSV với tỷ lệ duy trì khá ổn định, chiếm khoảng 25% dân số luôn được quan tâm và đưa vào là một trong những nhóm đối tượng cần được triển khai trước nhằm tăng nhanh tỷ lệ bao phủ BHYT.
Thực hiện BHYT đối với HSSV còn có tác động mạnh mẽ tới việc xây dựng, hoàn thiện, đổi mới cơ chế tài chính và hiệu quả hoạt động cho hệ thống y tế trường học vốn chưa được quan tâm đúng mức, từ đó dẫn đến hệ lụy các bệnh về học đường gia tăng, ảnh hưởng đến sức khỏe và kết quả học tập của HSSV, làm giảm chất lượng đào tạo thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện BHYT cho HSSV, bảo đảm có 100% đối tượng này tham gia BHYT; chỉ đạo các cơ sở giáo dục, đào tạo trong toàn quốc tổ chức thực hiện pháp luật về BHYT của HSSV. Điều này thể hiện quyết tâm rất lớn của Chính phủ đối với việc thực hiện pháp luật BHYT nói chung và pháp luật BHYT đối với nhóm HSSV.
Thực tế cho thấy, đã có nhiều trường hợp HSSV không may bị ốm đau, bệnh tật, tai nạn… được Quỹ BHYT chi trả từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi đợt điều trị, không ít trường hợp được thanh toán tới trên dưới một tỷ đồng mỗi năm.
Giải quyết những bất cập trong thực hiện BHYT học sinh, sinh viên
Thực tiễn triển khai BHYT đối với HSSV cho thấy, những năm qua, vẫn còn có không ít hạn chế bất cập. Theo các chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu do công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHYT của HSSV ở một số trường còn hạn chế và chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, công tác BHYT HSSV cũng “đối mặt” với không ít khó khăn, cụ thể:
Thứ nhất, tỷ lệ tham gia BHYT của HSSV tại một số cơ sở giáo dục còn thấp hơn nhiều so với tỷ lệ bình quân chung của cả nước.
Bên cạnh đó, hệ thống y tế trường học còn nhiều bất cập, đặc biệt là thiếu cán bộ y tế chuyên trách tại các cơ sở giáo dục. Việc tuyển dụng nhân viên y tế trong nhiều năm qua gặp nhiều khó khăn; một số địa phương bố trí nhân viên y tế không đúng quy định về trình độ chuyên môn, thậm chí có nơi không bố trí nhân viên y tế, ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe HSSV…
Thứ hai, tỷ lệ SV tham gia BHYT trên cả nước còn thấp, đến nay mới có khoảng hơn 70% SV khối các trường đại học, cao đẳng và trung cấp tham gia BHYT... Để nâng tỷ lệ sinh viên thuộc hệ thống các trường nghề tham gia BHYT cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan liên quan, đặc biệt là Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Bên cạnh đó, theo quy định của Luật BHYT sửa đổi, mức đóng BHYT của đối tượng HSSV bằng 4,5% mức lương cơ sở và được Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng. Từ ngày 1/7/2018, mức lương cơ sở được điều chỉnh tăng từ 1.300.000 đồng lên 1.390.000 đồng/tháng, mức đóng BHYT của HSSV năm học 2018 - 2019 theo đó cũng tăng lên. Do vậy, nếu không làm tốt công tác tuyên truyền, vận động thì đây cũng là một trong những khó khăn khi duy trì HSSV tham gia BHYT với tỷ lệ cao và bền vững.