Tỉnh Cà Mau:
Tháo gỡ khó khăn để tạo đột phá trong những tháng còn lại
Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội trong tháng 9, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt cho biết, các hoạt động kinh tế - xã hội của người dân và doanh nghiệp tiếp tục ổn định và phát triển so với tháng trước.
Tổng sản lượng thủy sản tăng 0,7%, trong đó sản lượng tôm tăng 7,8%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 21,3%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7%. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu tăng 39,7%; số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 42%, số vốn đăng ký tăng 2,5 lần; số lượng khách du lịch tăng 90% so với cùng kỳ và vượt 6% kế hoạch năm. Ngoài ra, công tác an sinh xã hội được quan tâm thực hiện tốt; số vụ tai nạn giao thông và số người chết giảm; quốc phòng - an ninh được giữ vững,...
Tại hội nghị trực tuyến 3 cấp tỉnh, huyện, xã, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế và khó khăn mà kinh tế - xã hội của tỉnh đang gặp phải. Trong đó, đáng lo ngại nhất là thiên tai diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là sạt lở đất đã gây nhiều thiệt hại về công trình công cộng và tài sản của người dân. Tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công chậm so với kế hoạch; nguồn cung xăng, dầu chưa ổn định gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất của người dân, nhất là đánh bắt thủy sản…
Ông Trần Hoàng Lạc - Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, cho biết, giá dầu tăng cao đã gây ra nhiều khó khăn khiến nhiều phương tiện nằm bờ. Thêm vào đó là tình trạng khan hiếm dầu, nếu phương tiện ra khơi có nhu cầu từ 1.000 lít dầu thì phải thông báo trước 2 ngày, các đơn vị cung cấp mới đảm bảo đủ số lượng. Từ những khó khăn đó kéo theo sản lượng khai thác của huyện giảm 1,2% so với cùng kỳ. Riêng đối với tiến độ giải ngân, đến thời điểm hiện tại đạt trên 72% là chậm so với kế hoạch. Huyện đang tập trung làm việc với nhà thầu, nhà đầu tư để đẩy nhanh tiến độ trong thời gian còn lại.
Bí thư Huyện uỷ Trần Văn Thời, ông Nguyễn Minh Nhứt cho biết, qua nắm tình hình tại địa phương, hiện có khoảng 500 phương tiện đang ngưng khai thác và nằm bờ tại cửa biển Sông Đốc. Tình trạng này cũng xuất phát từ việc giá thành nhiên liệu tăng cao và khan hiếm nguồn cung. Qua nắm thông tin, các phương tiện này dự kiến sẽ ra khơi khai thác vào con nước tới để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.
Giải ngân vốn đầu tư công vẫn là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm. Tính đến ngày 21/9, tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 (bao gồm năm 2021 chuyển sang năm 2022) đạt 1.830,891 tỷ đồng, bằng 45,4% kế hoạch vốn được phân bổ chi tiết. Trong đó, có nhiều nguồn vốn có tỷ lệ giải ngân thấp như: vốn vay lại ngân sách địa phương giải ngân đạt 23,1% kế hoạch vốn; vốn đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất cấp tỉnh đạt 31,4%; vốn ngân sách trung ương trong nước giải ngân đạt 25,4%; vốn nước ngoài giải ngân đạt 12,4%;…
Ông Nguyễn Chí Thiện - Bí thư Huyện uỷ Đầm Dơi, cho biết, đến nay việc giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn đạt trên 90% và dự kiến đến ngày 15/10 sẽ hoàn thành tất cả các công trình được phân bổ vốn đầu năm. Tuy nhiên, liên quan đến vốn của 3 chương trình mục tiêu quốc gia, huyện vẫn chưa giải ngân do phải chờ hướng dẫn cơ chế đặc thù.
Phân tích thêm nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân chậm so với kế hoạch, các đại biểu dự hội nghị cho rằng, do giá vật liệu, xăng dầu tăng trong những tháng đầu năm nên đối với các gói thầu thi công xây dựng quy mô nhỏ (có giá trị gói thầu không quá 20 tỷ đồng) thực hiện theo hình thức hợp đồng trọn gói hoặc đơn giá cố định, không được điều chỉnh, nhà thầu gặp khó khăn. Một số dự án trọng điểm của tỉnh dự kiến quý IV/2022 mới đủ điều kiện khởi công, nên chưa giải ngân được kế hoạch vốn đã giao đầu năm. Khan hiếm một số nguồn vật liệu xây dựng; một số dự án, công trình còn vướng giải phóng mặt bằng,...
Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Trịnh Văn Lên cho biết, Sở đang quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng, hàng tuần đều có kiểm tra, làm việc để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ, nhất là các công trình trọng điểm của tỉnh, của trung ương triên khai trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng hiện nay còn vướng ở khâu xác định giá đất cụ thể, do thiếu đơn vị tư vấn khi hiện nay chỉ có 2 đơn vị.
Trong chương trình hội nghị, đại biểu còn có nhiều ý kiến góp ý cho các báo cáo và dự thảo nghị quyết quan trọng, như: Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU của Tỉnh ủy Cà Mau về đẩy mạnh việc học tập, rèn luyện nâng cao trình độ, phẩm chất đạo đức, lối sống trong đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và Kết luận của Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU; Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy khóa XIV về xây dựng nông thôn mới tỉnh Cà Mau giai đoạn 2011-2015, những năm tiếp theo và đề ra Nghị quyết của Tỉnh ủy về xây dựng nông thôn mới tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030; Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 10/10/2016 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 và Kết luận của Tỉnh ủy tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU…