Chính sách tài khóa: Điểm tựa cho phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam


Để ứng phó với những tác động bất lợi trong và sau dịch COVID-19 cùng những biến động địa chính trị toàn cầu, các quốc gia trên thế giới liên tục đưa ra các biện pháp để vừa ổn định tình hình kinh tế, vừa tạo ra các động lực cho nền kinh tế phục hồi trong cả ngắn hạn và dài hạn. Trong các giải pháp này, không thể thiếu vai trò quan trọng của chính sách tài khóa. Nhiều giải pháp tài khóa “chưa có tiền lệ” đã được các quốc gia trên thế giới xây dựng, triển khai thực hiện trong những năm vừa qua và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế chung này.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tổng quan về chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam

Thời gian qua, đại dịch COVID-19 cùng với sự gia tăng về giá cả của nhiều nhóm hàng hóa là đầu vào quan trọng cho sản xuất đã tác động tiêu cực tới đời sống kinh tế - xã hội (KT-XH) ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Là quốc gia có độ mở lớn, từ năm 2020 đến nay, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 lan rộng và các biến động của tình hình kinh tế, chính trị bên ngoài đã tác động mạnh, đa chiều đến nền kinh tế của Việt Nam. Yêu cầu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô trong nước phải đối mặt với nhiều thách thức, rủi ro. Tăng trưởng GDP năm 2020, 2021 của Việt Nam chỉ đạt 2,91% và 2,58%, thấp hơn nhiều lần so với tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2016-2019 là 6,8%.

Trong các giải pháp để ổn định tình hình kinh tế, vừa tạo ra các động lực cho nền kinh tế phục hồi, không thể thiếu vai trò của quan trọng của chính sách tài khóa (CSTK). Bên cạnh việc tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để bảo vệ sức khoẻ người dân và đưa các hoạt động kinh tế, xã hội trở lại nhịp bình thường, Việt Nam đã sớm nhận diện và kịp thời đưa ra các điều chỉnh về CSTK, trong đó đã chấp nhận mức bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) cao hơn nhằm có thêm nguồn lực để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp (DN), khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Các giải pháp về CSTK được ban hành để ứng phó với ảnh hưởng của dịch COVID-19 và các biến động của kinh tế thế giới đã được thực hiện đồng bộ với liều lượng phù hợp với điều kiện và bối cảnh của Việt Nam, nhất là khả năng cân đối về nguồn lực, hấp thụ của nền kinh tế. Trong đó, Việt Nam đã sử dụng khá hiệu quả các công cụ của CSTK trên cả giác độ và thu và chi NSNN. Đồng thời, duy trì được sự phối hợp hiệu quả giữa CSTK với chính sách tiền tệ và các chính sách có liên quan trong việc thực hiện các mục tiêu đề ra.

Cụ thể, ngay từ khi dịch bệnh bùng phát vào đầu năm 2020, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các chính sách về thuế, phí, tiền thuê đất để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; các giải pháp về đảm bảo nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch, hỗ trợ và đảm bảo an sinh xã hội (ASXH). Đặc biệt, trong năm 2022, Quốc hội và Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH với quy mô lớn nhằm thúc đẩy phát triển KT-XH đi đôi với việc đảm bảo ổn định vĩ mô nền kinh tế; hướng tới giải quyết cả các vấn đề trước mắt như đảm bảo ASXH, xử lý vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hụt lao động và các mục tiêu lâu dài như cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kết cầu hạ tầng. Có thể tóm lược các giải pháp về CSTK mà Việt Nam đã triển khai áp dụng để hỗ trợ cho nền kinh tế trong gian đoạn vừa qua như sau:

Chính sách thuế

Các công cụ của chính sách thuế đã được sử dụng khá linh hoạt kịp thời trong việc hỗ trợ cho người dân và DN. Ngay sau khi xảy ra dịch bệnh, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền nhiều giải pháp để giảm nghĩa vụ thuế trực tiếp và gián tiếp cho người dân, DN, tập trung ưu tiên vào các đối tượng chịu tác động của dịch bệnh, đó là:

- Thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế đối với một số khoản thuế như: thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập DN (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN), thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và tiền thuê đất cho một số đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Việc thực hiện giải pháp về gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất tuy không tác động đến cân đối NSNN trong năm nhưng trên thực tế đã tạo điều kiện thuận lợi, sự chủ động cho các DN trong bố trí dòng tiền để thực hiện nghĩa vụ với NSNN, nhất là vào những thời điểm khó khăn, hoạt động sản xuất, kinh doanh đình trệ.

- Thực hiện các biện pháp miễn một số khoản thuế để hỗ trợ cho người dân, DN chịu tác động của dịch COVID-19, bao gồm: miễn thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng vật tư vàthiết bịy tếphục vụ phòng chống dịch; miễn thuế TNDN, thuế GTGT và một số loại thuế khác trong các quý III và IV/2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh tại các địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch COVID-19. Ngoài ra, đã thực hiện miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020, 2021 đối với các DN, tổ chức phát sinh lỗ năm 2020. Việc thực hiện các giải pháp này đã trực tiếp làm giảm nghĩa vụ thuế, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN, người dân tiết giảm chi phí thuế, dành nguồn lực để duy trì, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.

- Giảm 30% sốthuếTNDN phải nộp năm 2020 và 2021 đối với DN, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác có tổng doanh thu chịu thuế không quá 200 tỷ đồng; điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc để giảm nghĩa vụ thuế TNCN cho người nộp thuế; giảm mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nhiên liệu bay, xăng dầu; giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước; giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng động cơ không pha chì để đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu và nhiều nhóm mặt hàng nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN và thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế ưu tiên; giảm tiền thuê đất cho DN, tổ chức, cá nhân bị tác động của dịch bệnh COVID-19...; cho phép tính vào chi phíđược trừkhi xác định thu nhập chịu thuếTNDN đối với các khoản chi tài trợ, hỗtrợcủa DN, tổ chức cho hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 cho kỳ tính thuế năm 2020, 2021 và 2022; giảm thuế GTGT cho một số nhóm hàng hóa và dịch vụ cho giai đoạn từ 01/11/2021 đến 3/12/2021. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, từ 01/2/2022 đến 31/12/2022 đã giảm 2% thuế suất (còn 8%) đối với nhiều nhóm hàng hóa và dịch vụ có thuộc diện áp dụng thuế suất thuế GTGT 10%.

Chính sách chi ngân sách nhà nước

Cùng với chính sách thu NSNN, từ năm 2020 đến nay, các công cụ của chính sách chi ngân sách đã được sử dụng linh hoạt, phù hợp với diễn biến của nền kinh tế cũng như khả năng cân đối nguồn lực. Trong đó, năm 2020 và 2021, chính sách chi NSNN của Việt Nam tập trung cho phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân, DN chịu tác động của đại dịch COVID- 19 nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo ASXH. Trong đó, nhiều chế độ, chính sách chi NSNN cho phòng, chống dịch COVID-19 được ban hành và tổ chức thực hiện kịp thời; ưu tiên đảm bảo nguồn kinh phí đẩy nhanh tiến độmua vắc-xin tiêm phòng COVID-19 cho người dân. Cùng với đó, tiếp tục tập trung nguồn lực cho các dự án, công trình đầu tư trọng điểm, có sức lan tỏa; các công trình ASXH ở vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, thực hiện chuyển đổi hình thức đầu tư một số dự án nhằm giải quyết nhu cầu về phát triển hạ tầng trong các lĩnh vực để đảm bảo tính đồng bộ, kịp thời.

Sang năm 2022, khi dịch bệnh dần được kiểm soát, các chính sách hỗ trợ từ NSNN được ưu tiên nhiều hơn cho các chương trình, dự án để khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh, kích thích tổng cầu trong nước và đảm bảo ASXH. Đặc biệt, tại Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, Quốc hội đã quyết định tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn NSNN tối đa 176 nghìn tỷ đồng, tập trung trong 2 năm 2022 và 2023. Trong đó, ưu tiên bố trí nguồn lực để: i) Đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế, sản xuất vắc-xin trong nước và thuốc điều trị COVID-19; ii) Thực hiện cấp bù lãi suất để thực hiện cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất cho một số đối tượng theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội; iii) Đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở trợ giúp xã hội, đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm; iv) Thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất (2%/năm) thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực; v) Cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua; vi) Phát triển kết cấu hạ tầng, bao gồm các lĩnh vực như giao thông, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, thích ứng biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả thiên tai... Đồng thời, Nghị quyết số 43/2022/QH15 cũng cho phép sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi của ngân sách trung ương năm 2021 để thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trong điểm.

Đảm bảo an ninh, an toàn tài chính công

Điểm nổi bật trong việc thực hiện các CSTK của Việt Nam thời gian qua là các giải pháp chi NSNN vừa linh hoạt, vừa chặt chẽ trong chi tiêu, đảm bảo phù hợp với khả năng cân đối nguồn để thực hiện. Nhờ đó, các cân đối lớn về NSNN tiếp tục được đảm bảo, bội chi NSNN và nợ công được kiểm soát. Để có nguồn lực thực hiện các CSTK đề ra, Nghị quyết số 43/2022/QH15 cho phép tăng bội chi NSNN trong 2 năm 2022 và 2023 bình quân 1-1,2% GDP/năm (tối đa 240 nghìn tỷ đồng), trong đó: năm 2022, tăng khoảng 1,1% GDP (tối đa 102,8 nghìn tỷ đồng) so với dự toán đã được Quốc hội quyết định.

Trước đại dịch COVID-19, Việt Nam đã có những bước đi quan trọng trong việc cơ cấu lại chi NSNN, tăng tỷ trọng chi đầu tư, giảm tỷ trọng chi thường xuyên và tăng cường kỷ luật tài khóa. Nhờ đó, Việt Nam đã có điều kiện để giảm dần mức độ bội chi NSNN, giảm dư nợ công và từng bước mở rộng không gian tài khóa so với thời điểm giữa thập niên 2010. Khi dịch COVID-19 xuất hiện vào đầu năm 2020, Việt Nam đã có điều kiện thuận lợi hơn để rà soát và cơ cấu lại chi NSNN, chấp nhận mức bội chi NSNN cao hơn để có thêm nguồn lực cho phòng, chống dịch, hỗ trợ cho người dân và DN chịu ảnh hưởng của dịch bệnh và đẩy mạnh đầu tư công nhằm kích thích tổng cầu.

Kết quả thực hiện chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi, tăng trưởng kinh tế những tháng đầu năm 2022

Từ đầu năm 2022 đến nay, căn cứ vào Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 8/01/2022 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán NSNN năm 2022, các giải pháp về CSTK đã được triển khai đồng bộ, bám sát các mục tiêu và định hướng đề ra. Trong đó, Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan đã xây dựng và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn về hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn vốn cho vay, cấp bù lãi suất; về tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; chính sách tín dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học dân lập, tư thục; về thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất từ NSNN đối với khoản vay của DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh và về chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

Bên cạnh việc hoàn thành cơ bản công tác xây dựng, ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn, Bộ Tài chính cũng quyết liệt trong công tác tổ chức thực hiện các giải pháp về miễn, giảm, gia hạn các khoản thu NSNN theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, qua đó, đã kịp thời hỗ trợ cho người dân và DN có thêm nguồn lực để khôi phục sản xuất kinh doanh, nhất là trong bối cảnh giá cả của nhiều nhóm hàng hóa là tư liệu sản xuất như xăng dầu tăng cao. Dự kiến thực hiện các giải pháp về thuế, phí, lệ phí nêu trên trong năm 2022 sẽ hỗ trợ cho DN, người dân với giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí là khoảng 233 nghìn tỷ đồng, trong đó, số tiền thuế, phí, lệ phí được miễn, giảm khoảng 98 nghìn tỷđồng; số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 135 nghìn tỷ đồng (Minh Anh, 2022).

Việc thực hiện các giải pháp về CSTK nêu trên trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả, bám sát các mục tiêu và yêu cầu đề ra, tác động đến cả tổng cung và tổng cầu của nền kinh tế theo chiều hướng tích cực, qua đó, đã góp phần quan trọng khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng đầu tư và tiêu dùng. Từ quý IV/2021 đến nay, nền kinh tế Việt Nam đã thể hiện xu hướng phục hồi mạnh mẽ, đồng đều ở hầu hết các lĩnh vực. Kinh tếvĩmô được duy trìổn định; hệ số tín nhiệm quốc gia tiếp tục được cải thiện. Tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 6,42%, trong đó, mức tăng trưởng quý II/2022 đạt mức tăng cao nhất trong 10 năm gần đây. Lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu đề ra.

Việc thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với nhiều hàng hóa, dịch vụ chịu mức thuế suất 10% và giảm thuế BVMT đối với mặt hàng xăng dầu đã có “tác dụng kép”, vừa giúp giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, kích thích tiêu dùng của người dân, từ đó tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển và tạo thêm việc làm cho người lao động, vừa góp phần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Đặc biệt, việc giảm thuế BVMT đối với các mặt hàng xăng, dầu đã làm giảm đáng kể chi phí thuế trong cơ cấu giá xăng dầu, qua đó, giảm bớt ảnh hưởng của sự tăng giá giá xăng dầu trên thị trường thế giới đối với thị trường xăng dầu trong nước, kịp thời hỗ trợ cho người dân và DN tiết giảm chi phí sản xuất, tiêu thụ xăng dầu.

Thực tế giai đoạn gần đây cho thấy, các giải pháp về tài khóa đã được ban hành và triển khai thực hiện kịp thời, phù hợp với điều kiện và khả năng cân đối nguồn lực của NSNN, góp phần vào những kết quả tích cực trong phục hồi và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN phát triển, tăng sức mua cho người dân. Bên cạnh các giải pháp được áp dụng trên diện rộng như giảm 2% mức thuế suất thuế GTGT, giảm thuế BVMT đối với nhiên liệu bay, giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước cũng đã kịp thời phát huy hiệu quả, hỗ trợ một số ngành sản xuất chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh vượt qua khó khăn về thị trường, nhu cầu tiêu dùng sụt giảm.

Việt Nam cũng đã phát huy được vai trò của NSNN trong việc thực hiện các nhiệm vụ về khôi phục và phát triển KT-XH, nhất là trong việc hỗ trợ những ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề của dịch COVID-19; đồng thời, đã lồng ghép các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ với chính sách phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên. Bên cạnh đó, nhờ việc thực hiện đồng bộ các giải pháp về thu và chi NSNN và đảm bảo được sự phối hợp hiệu quả giữa CSTK với chính sách tiền tệ và các chính sách có liên quan khác, các cân đối vĩ mô quan trọng khác của nền kinh tế vẫn được đảm bảo, tạo nền tảng quan trọng cho quá trình phục hồi và phát triển KT-XH của đất nước gắn với kiểm soát dịch bệnh trong trung và dài hạn.

Một số khuyến nghị và đề xuất

Bối cảnh kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước hiện nay chuyển biến nhanh, khó lường và tiềm ẩn nhiều rủi ro, vì vậy công tác quản lý và điều hành CSTK trong giai đoạn tới dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn cần được nhận diện đầy đủ. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang có xu hướng chậm lại và được dự báo khó khăn hơn rất nhiều so với những năm về trước do tác động của chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, xung đột địa chính trị leo thang tại một số khu vực, một số nước trên thế giới, bất ổn chính sách gia tăng trên toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động đầu tư, sản xuất và thương mại toàn cầu, niềm tin kinh doanh và tâm lý của người dân. Tình hình tài khóa của Việt Nam những năm gần đây mặc dù đã có những cải thiện nhưng vẫn dự báo vẫn còn đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức. Cơ cấu thu NSNN chưa thực sự bền vững do vẫn phụ thuộc đáng kể vào các khoản chi không tái tạo. Trong khi đó, áp lực chi NSNN trong giai đoạn tới dự báo là rất lớn, tích luỹ ngân sách dành cho đầu tư phát triển thấp, hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực công chậm cải thiện. Áp lực vay, trả nợ của NSNN có xu hướng tăng. Trong bối cảnh này, CSTK phải tiếp tục có những điều chỉnh phù hợp để vừa thực hiện các mục tiêu về phát triển KT-XH, bảo vệ môi trường, vừa thực hiện được các mục tiêu đảm bảo bền vững tài khóa trong trung và dài hạn.

Triển vọng tăng trưởng trong ngắn và trung hạn đối với Việt Nam theo đánh giá của nhiều chuyên gia và tổ chức quốc tế là tương đối tích cực. Dự báo tăng trưởng kinh tế của nước ta năm 2022 sẽ đạt mục tiêu mà Quốc hội đề ra, các nền tảng kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định. Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực, thuận lợi, dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức từ những tác động bất lợi của kinh tế thế giới, từ diễn biến dịch COVID-19 vẫn còn phức tạp và áp lực lạm phát gia tăng. Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn trong khi tình hình kinh tế, chính trị quốc tế đang có những diễn biến phức tạp, khó lường và khó dự báo. Những yếu tố này sẽ tạo ra áp lực không nhỏ đối với yêu cầu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, có thể làm giảm hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, DN và hiệu quả của Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH.

Trong bối cảnh đó, cần tiếp tục chủ động theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu, kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp về tài khóa phù hợp trước mắt cũng như lâu dài. Cụ thể:

- Tiếp tục thực hiện điều hành CSTK chủđộng, linh hoạt, thận trọng; phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Coi ổn định kinh tế vĩ mô là yếu tố cốt lõi là tiền đề quan trọng để thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong đó có CSTK. Cùng với đó, các giải pháp về tài khóa cần hướng đến việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, chi phí thấp, đồng thời, phải luôn coi đảm bảo sự phát triển ổn định của DN là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất cho việc phát triển bền vững nền tài chính quốc gia, đảm bảo cân đối tài khóa.

- Rà soát, trình cấp cóthẩm quyền ban hành và hướng dẫn, tổchức triển khai đầy đủ, kịp thời có hiệu quả các giải pháp chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để kịp thời giảm áp lực tăng giá và giảm chi phí sản xuất cho DN. Đồng thời, kịp thời tổng kết, đánh giá việc thực hiện các CSTK đã được ban hành để tham mưu cấp có thẩm quyền các giải pháp phù hợp trong trường hợp tình hình kinh tế trong nước và quốc tế tiếp tục biến động bất lợi trong thời gian tới đây.

- Chủ động theo dõi sát tình hình thị trường trong nước và thế giới, thực hiện kiểm soát lạm phát một cách thận trọng và chủ động, đặc biệt là giá các mặt hàng quan trọng, thiết yếu nhằm góp phần giữ ổn định mặt bằng giá để ổn định sản xuất, hỗ trợ cho người dân. Đảo đảm thị trường chứng khoán phát triển ổn định, lành mạnh, an toàn, bền vững để củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào tiềm năng tăng trưởng thị trường chứng khoán, đưa thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế.

Về lâu dài, các giải pháp về CSTK cần gắn với các yêu cầu về cơ cấu lại NSNN theo hướng bền vững; tăng cường hiệu quả, trách nhiệm giải trình của chi tiêu công; đảm bảo an ninh, an toàn nền tài chính công. Trong đó, cần tập trung vào các giải pháp sau:

- Đẩy mạnh công tác hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tài chính, ngân sách; rà soát để loại bỏ các biện pháp hỗ về tài khóa không phù hợp, làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực và triệt tiêu động lực cho tăng trưởng bền vững. Cùng với đó, cần phát huy vai trò đòn bẩy của CSTK trong việc định hướng nguồn lực xã hội đến việc thực hiện các mục tiêu ưu tiên về phát triển KT-XH gắn với quá trình cơ cấu lại và đổi mới mô hình tăng trưởng của nền kinh tế.

- Tiếp tục cải cách hệ thống chính sách thuế theo các định hướng đã được xác định trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 gắn với cơ cấu lại thu NSNN theo hướng bao quát các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thực tiễn và các cam kết hội nhập và các thông lệ quốc tế tốt, hướng đến việc tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, khuyến khích đầu tư, thúc đẩy cạnh tranh, điều tiết thu nhập hợp lý. Thực hiện rà soát, hợp lý hóa các chính sách ưu đãi thuế để đảm bảo tính trung lập của thuế, đồng thời loại bỏ các biện pháp ưu đãi “dư thừa”, gây xói mòn cơ sở thuế.

- Nâng cao hiệu quả và cơ cấu lại chi NSNN theo hướng bền vững, ưu tiên phân bổ nguồn lực để tăng chi đầu tư phát triển và khắc phục có hiệu quả các “thất bại” của thị trường; nâng cao hiệu quả, hiệu lực phân bổ vốn NSNN, đảm bảo được gắn với các định hướng ưu tiên chiến lược (gắn với khuôn khổ chi tiêu trung hạn); thực hiện các biện pháp đồng bộ để kiểm soát, tiết giảm chi thường xuyên. Đồng thời, hình thành các cơ chế phù hợp để phát huy vai trò dẫn dắt, vốn mồi của nguồn lực NSNN trong thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài NSNN để phát triển cơ sở hạ tầng của nền kinh tế.

- Thực hiện đồng bộ các biện pháp để đảm bảo an ninh, an toàn nền tài chính công, quản lý chặt chẽ bội chi và việc vay nợ của chính quyền địa phương. Thực hiện giảm dần bội chi NSNN theo lộ trình khi nền kinh tế phục hồi ổn định, qua đó, đảm bảo duy trì được “không gian tài khóa” đủ rộng để có thể đối phó với các biến động bất lợi của tình hình kinh tế vĩ mô trong tương lai. Quản lý chặt chẽ sự gia tăng của nợ công, đảm bảo việc vay nợ cần phải được đặt trong mối tương quan chung với kế hoạch và khả năng trả nợ, với chi phí vay nợ và mức độ rủi ro hợp lý.

Tài liệu tham khảo:

1. Lê Thị Mai Liên và Đoàn Quỳnh Hương (2022), “CSTK của Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19”, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính;

2. Lê Thị Thùy Vân (2021), “CSTK chủ động, tích cực ứng phó đại dịch COVID- 19, hỗ trợ tăng trưởng” Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 7/2021;

3. Minh Anh (2022), “CSTK vì mục tiêu phát triển đất nước”, Thời báo Tài chính Việt Nam, Số 103 (3970).

* Trương Bá Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính 

** Bài đăng Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 9/2022