Tháo gỡ khó khăn trong phân loại rác tại nguồn

Đức Mạnh

Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, từ ngày 1/1/2025 sẽ thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Quy định này được kỳ vọng sẽ là bước đột phá trong cải thiện tình trạng ô nhiễm và quá tải do rác thải sinh hoạt.

Mỗi ngày, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên phạm vi cả nước khoảng 67.877,34 tấn/ngày.
Mỗi ngày, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên phạm vi cả nước khoảng 67.877,34 tấn/ngày.

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thời gian qua, lượng chất thải rắn sinh hoạt vẫn tiếp tục tăng trên cả nước. Mỗi ngày, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên phạm vi cả nước khoảng 67.877,34 tấn/ngày, khu vực đô thị phát sinh khoảng 38.143,05 tấn/ngày; khu vực nông thôn khoảng 29.734,30 tấn/ngày.

Trong khi đó, việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt chưa đáp ứng kịp, trong năm 2023, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, vận chuyển trên toàn quốc đạt 88,34%, tại đô thị đạt 96,60%, tại nông thôn đạt 77,69%.

Đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, thực tế hiện nay, các địa phương chưa triển khai phân loại tại nguồn đồng bộ; chưa cung cấp đủ dịch vụ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nhiều khu vực nông thôn, miền núi.

Không chỉ khó khăn với các địa phương mà với những đơn vị thực hiện thu gom rác cũng có những vướng mắc trong quá trình triển khai. Giám đốc Công ty cổ phần Vệ sinh Môi trường Lam Sơn cho hay, mặc dù việc chôn lấp rác thải hiện nay chiếm khoảng 70% là chôn lấp và chỉ có khoảng 17% là tái chế.

Song do vấn đề quy hoạch mặt bằng chưa đồng bộ hóa hạ tầng kỹ thuật, đồng bộ cho mục đích xử lý chất thải nói chung; các dòng rác thải có tính tái sử dụng chưa thiết kế theo tiêu chuẩn, quy chuẩn chung thống nhất cho các địa phương nên dự án đi đến đâu chỉ một thời gian sau các núi rác mọc theo đến đó. Nguyên nhân do rác thải không được phân loại đã tạo nên một khối lượng phế thải hổ lốn, có độ ẩm cao không thể đốt được.

Trước những khó khăn chung của việc triển khai phân loại rác tại nguồn, đòi hỏi cần phải có những giải pháp đồng bộ để tháo gỡ ngay trước thời điểm chính thức áp dụng việc xử phạt đối với hành vi vi phạm.

Theo ông Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, về phía cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Bộ Tài nguyên và Môi trường cần xây dựng, ban hành văn bản quy định hướng dẫn: Quy trình, định mức thu gom vận chuyển xử lý theo hướng mở hơn; hướng dẫn xử lý rác thực phẩm; kỹ thuật triển khai thu phí theo lượng rác qua túi; xây dựng các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả, các biện pháp kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm; huy động sự tham gia của cộng đồng.

Đối với các địa phương, ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết, xây dựng kế hoạch phân loại rác thải nhựa tạm thời phân công vai trò trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường, quận huyện, phường; xây dựng và ban hành các định mức và yêu cầu kỹ thuật của hợp đồng thu gom vận chuyển xử lý, vệ sinh môi trường; xây dựng và ban hành hướng dẫn phân loại rác thải nhựa cụ thể cho từng quận huyện; hướng dẫn các quận/huyện; phường/xã triển khai thu phí theo lượng rác qua túi; bố trí kinh phí triển khai một số chương trình thí điểm đối với các khu dân cư khác nhau để rút kinh nghiệm triển khai rộng rãi.

Ngoài ra, với các đơn vị tham gia thực hiện dịch vụ thu gom vận chuyển, cần thống nhất với địa phương phương thức thu gom rác đã phân loại, địa điểm, tần suất... phương án xử lý rác thực phẩm.