Tháo gỡ những "nút thắt" để phát triển các nguồn năng lượng sạch
Theo TS. Nguyễn Mạnh Hiến, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Hiệp hội Năng lượng sạch, để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, cần có cơ chế chính sách ưu tiên về giá điện, lãi suất vốn vay...
Nền kinh tế nước ta đang phát triển với tốc độ cao, kéo theo đó là sự gia tăng mạnh mẽ nhu cầu về năng lượng. Đây cũng là những thách thức rất lớn khi mà các nguồn năng lượng sơ cấp như than đá, dầu khí… đang dần cạn kiệt.
Chính vì vậy, việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như điện Mặt Trời, điện gió… cũng là một trong những định hướng phát triển bền vững, góp phần đảm bảo nhu cầu tiêu dùng cũng như an ninh năng lượng quốc gia.
Nhiều áp lực về năng lượng
Báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy những tháng đầu năm 2020, dù tình hình dịch bệnh ảnh hưởng đến sản xuất nhưng nhu cầu phụ tải vẫn tăng trên 7%, thậm chí một số vùng tăng trưởng trên 11%.
Trong khi đó, tình hình thủy văn bất lợi đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc cung cấp từ thủy điện. Cụ thể, trong tháng 5/2020, dù có mưa lớn tại một số khu vực nhưng lượng nước về các hồ chứa vẫn ở mức thấp, chỉ bằng 30-60% trung bình nhiều năm, do mưa xảy ra chủ yếu ở vùng hạ lưu các hồ chứa.
Vì vậy, tổng sản lượng thủy điện theo nước về các hồ thủy điện trên toàn hệ thống trong tháng Năm là 2,23 tỷ kWh, thấp hơn 0,84 tỷ kWh so với kế hoạch năm. Còn tính 5 tháng đầu năm chỉ đạt 9,48 tỷ kWh, thấp hơn 3,26 tỷ kWh so với kế hoạch năm.
Dự kiến, năm 2020 vẫn cơ bản có thể đảm bảo nhu cầu điện, song từ năm 2021 trở đi, nguy cơ thiếu điện đang trở nên hiện hữu. Thậm chí tình trạng thiếu điện miền Nam có thể tăng cao hơn và kéo dài ra cả giai đoạn đến năm 2025 nếu như phụ tải tăng trưởng cao, lượng về các hồ thủy điện kém hơn trung bình nhiều năm; nguồn khí Lô B, khí Cá Voi Xanh chậm tiến độ và các dự án nguồn điện mới tiếp tục bị chậm tiến độ so với cập nhật hiện nay.
Lo ngại hơn, nhiều dự án nguồn điện theo quy hoạch điện VII điều chỉnh đang bị chậm tiến độ, hoặc chưa xác định được tiến độ còn rất lớn. Điều này dẫn đến nguy cơ Việt Nam sẽ bị thiếu điện trong tương lai gần.
Báo cáo mới đây của Ban chỉ đạo quốc gia về điện lực cho thấy, trong số 62 dự án nguồn điện công suất lớn từ 200 MW trở lên trong quy hoạch điện VII điều chỉnh thì chỉ có 15 dự án đạt tiến độ, còn lại 47 dự án chậm tiến độ hoặc chưa xác định được tiến độ.
Chính vì vậy, bên cạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm tiến độ và đẩy mạnh tiết kiệm điện thì việc thúc đẩy phát triển các dự án năng lượng tái tạo như điện gió, điện Mặt Trời… là cần thiết và cấp bách.
Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho hay tổng công suất nguồn điện của Việt Nam hiện đạt khoảng 55.000 MW. Nếu tính cả các nguồn dự kiến đưa vào vận hành trong năm 2020 khoảng 4.300 MW, trong đó sẽ có khoảng gần 2.000 MW điện gió và Mặt Trời mới vào vận hành, thì công suất mới đạt gần 60.000 MW.
Còn theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh đến năm 2025, dự kiến nhu cầu công suất nguồn điện của hệ thống phải đạt 90.000 MW. Như vậy, trong giai đoạn 2021-2025, mỗi năm Việt Nam cần bổ sung thêm 5.000 MW.
"Hiện đã nhập khẩu than để sản xuất điện, dự kiến nhập khẩu khí và khả năng rủi ro cao hơn khi phụ thuộc nhiều vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu, trong khi có sự mất cân đối giữa vùng miền vẫn chưa khắc phục được, nguồn điện phía Nam luôn thiếu và cần sự chuyển dịch từ Bắc và Trung vào Nam tương đối cao,” ông Hoàng Tiến Dũng nói.
Mở những “nút thắt”
Trong bối cảnh nguồn thủy điện lớn đã khai thác hết, các nguồn điện lớn khác cũng cần nhiều thời gian để hoàn thành, vì vậy trước yêu cầu phụ tải tiếp tục tăng nhanh, thì nguồn điện năng lượng tái tạo càng có ý nghĩa quan trọng về mặt đảm bảo cung cấp điện...
Theo Phó giáo sư, tiến sỹ Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, những năm gần đây, cùng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thì xu hướng tiếp theo là tăng trưởng xanh. Theo đó, nguồn năng lượng tái tạo chiếm đa số và thay thế cho điện sử dụng năng lượng hóa thạch.
Chính vì vậy, ông cho rằng với chiến lược tăng trưởng chuyển đổi từ chiều rộng sang chiều sâu, Việt Nam cần cụ thể hóa nhiều chính sách, tạo tiền đề thúc đấy lĩnh vực này phát triển, đặc biệt là thu hút được đầu tư của doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp FDI.
“Đây là sự nghiệp cần chung tay của nhiều chủ thể, từ nhà quản lý, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và hộ gia đình..., nếu có cơ chế giá điện hấp dẫn sẽ thu hút các hộ gia đình tham gia vào đầu tư và bán điện cho quốc gia,” Phó giáo sư, tiến sỹ Bùi Quang Tuấn chia sẻ.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy nhu cầu năng lượng sơ cấp trong 10 năm qua (từ 2007-2017) tăng trưởng 14,6%, riêng sản lượng điện thực phẩm tăng trưởng bình quân 9,5%. Dự báo trong giai đoạn 5 năm tới, nhu cầu điện năng vẫn tăng trưởng 8,5-9,5%.
Thực tế, với hàng loạt các chính sách của cơ quan quản lý, sự phát triển điện Mặt Trời tại Việt Nam thời gian qua đã có sự bứt phá mạnh mẽ.
Thời điểm hiện nay, điện Mặt Trời đã có công suất hơn 5.000 MW và gần 1.000 MW điện gió. Dự kiến 1-2 năm tới, hàng nghìn MW điện gió sẽ tiếp tục được đưa vào vận hành, bổ sung cho lưới điện quốc gia.
Tuy vậy, khi phát triển mạnh năng lượng tái tạo, cũng phải đối mặt thách thức lớn. Cụ thể hơn theo tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hiến, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Hiệp hội Năng lượng sạch, để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, cần có cơ chế chính sách ưu tiên về giá điện, lãi suất vốn vay đối với các dự án điện từ nguồn nguyên liệu sinh khối vì có chi phí đầu tư thấp, hệ số công suất cao.
Đối với điện gió cần đẩy mạnh phát triển các dự án ngoài khơi, nơi có tốc độ gió cao và ổn định nên có thể nhận được công suất và sản lượng cao, giá thành hạ, trong khi với điện Mặt Trời, Nhà nước cần quan tâm khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời áp mái vì có thể huy động được nguồn lực của cộng đồng dân cư, các doanh nghiệp và tư nhân, lại không cần phải đầu tư lưới điện đấu nối.
Về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng cho rằng bản chất năng lượng sạch là dạng năng lượng không có sự ổn định, khó vận hành hơn so với năng lượng truyền thống. Điều này đặt ra thách thức, làm sao phát triển nhanh và mạnh nhưng đồng thời phải đảm bảo sự an toàn, tin cậy của hệ thống điện.
Song với tiềm năng rất lớn và để khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 55 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam từ năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Với định hướng lớn đó, ông Vượng cho biết Bộ Công Thương đang chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện các chỉ đạo tại Nghị quyết 55 thông qua quy hoạch phát triển ngành điện.
“Bộ Công Thương đang chỉ đạo lập quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và dự kiến trong tháng 10/2020 sẽ hoàn thiện để trình Chính phủ xem xét phê duyệt tạo cơ sở cho việc đảm bảo an ninh năng lượng,” ông Vượng nói.