Khơi thông nguồn năng lượng sinh khối

Theo Dũng Lê/sggp.org.vn

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối tại Việt Nam. Đáng chú ý là giá mua điện được điều chỉnh lên 8,47 UScents/kWh, tương đương 1.968 đồng/kWh. Đây được xem là cơ chế giá điện cao nhất hiện nay tại Việt Nam đối với một loại năng lượng tái tạo có tiềm năng lớn ở nước ta.

Khơi thông nguồn năng lượng sinh khối.
Khơi thông nguồn năng lượng sinh khối.

Tận dụng “đồ bỏ”

Có thể thấy, với việc tăng giá mua điện sinh khối lên gần 2.000 đồng/kWh điện, Chính phủ đang thể hiện quyết tâm thu hút đầu tư toàn diện cho nguồn năng lượng tái tạo (cùng với điện gió, điện mặt trời) để giải quyết bài toán về nguồn điện cho đất nước, trong bối cảnh ngày càng cạn kiệt nhiên liệu hóa thạch và sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào giá năng lượng thế giới.

Điện sinh khối được tạo ra từ nguồn nguyên liệu sinh khối (biomass). Trong tự nhiên, nguồn nguyên liệu sinh khối là tất cả các loại thực vật, cây trồng công nghiệp, tảo, hoặc những “đồ bỏ” của sản phẩm nông - lâm nghiệp như rơm rạ, bã mía, vỏ cây, xơ bắp, lá khô, vụn gỗ, giấy vụn hay metan từ các bãi chôn lấp, trạm xử lý nước thải, phân từ trại chăn nuôi gia súc, gia cầm...

Khác với các nguồn điện được tạo ra từ nhiên liệu hóa thạch như dầu khí hay than đá, điện sinh khối là dạng năng lượng có thể tái tạo và có trữ lượng lớn, nên được đánh giá là một trong những nguồn năng lượng của tương lai. Trên thế giới hiện nay, sinh khối là nguồn năng lượng lớn thứ 4, chiếm khoảng 14% - 15% tổng năng lượng tiêu thụ. Ở các nước phát triển, nguồn năng lượng sinh khối chiếm 35% - 45% tổng cung cấp năng lượng. Mỹ là nước sản xuất điện sinh khối lớn nhất thế giới với hàng trăm nhà máy điện sinh học, sản xuất hàng ngàn MW điện mỗi năm. Năng lượng sinh khối có thời điểm ước chiếm 4% tổng năng lượng được tiêu thụ ở Mỹ và 45% năng lượng tái tạo.

Ngoài ra, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc cũng là những quốc gia phát triển sản xuất điện sinh khối. Tại Hàn Quốc, Chính phủ đang tích cực thúc đẩy nghiên cứu, phát triển năng lượng tái tạo với mục tiêu đến năm 2030 sẽ đạt 11%, trong đó năng lượng sinh khối là 7,12%. Trung Quốc cũng ban hành Luật Năng lượng tái tạo, với hàng loạt nhà máy điện sản xuất từ sinh khối có công suất lớn.

Khuyến khích đầu tư

Với đặc điểm là quốc gia nông nghiệp, Việt Nam có nguồn nguyên liệu sinh khối rất lớn và đa dạng từ phế phẩm của gỗ củi, trấu, bã cà phê, rơm rạ, bã mía, chất thải đô thị và chất thải gia súc…, ước tính hơn 150 triệu tấn/năm. Với lượng sinh khối khổng lồ này, nếu không được xử lý hoặc tận dụng triệt để sẽ là nguồn ô nhiễm lớn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hệ sinh thái (đất, nước, không khí) cũng như sức khỏe con người. 

Mặc dù nguồn sinh khối ở Việt Nam rất đa dạng, nhưng hiện chỉ có bã mía tại các nhà máy đường và chất thải tại một số trang trại chăn nuôi tập trung là có nguồn nguyên liệu đủ lớn để phát điện. Những năm qua, vài công ty mía đường đã tách riêng phần sản xuất điện và đầu tư thêm các thiết bị lò hơi mới để nâng cao hiệu quả sản xuất điện năng từ bã mía.

Tuy vậy, theo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN), năm 2019 chỉ có 175MW điện sinh khối của 3 nhà máy mía đường phát điện lên lưới. Trong khi đó, tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh và Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo quốc gia (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt), đặt ra mục tiêu phát triển điện sinh khối các giai đoạn đến năm 2020, 2025 và 2030, tương ứng là 660MW, 1.200MW và 3.000MW. Như vậy, hiện lượng điện sinh khối chỉ đạt khoảng 26,5% so với mục tiêu phát triển đến năm 2020.

Theo Bộ Công Thương, sở dĩ thời gian qua không thu hút được đầu tư phát điện từ nguồn nguyên liệu thô của ngành nông - lâm nghiệp là do giá bán điện lên lưới quốc gia quá thấp. Theo Quyết định số 24/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, giá mua điện (FIT) áp dụng cho các dự án đồng phát từ nguồn nguyên liệu bã mía chỉ có 5,8 UScent/kWh, tương đương 1.220 đồng/kWh. Việc Thủ tướng Chính phủ vừa nâng giá thu mua điện sinh khối là tín hiệu đáng mừng để khuyến khích phát triển các dự án điện sinh khối trong thời điểm hiện nay, nhất là từ bã mía và vỏ trấu.

Tuy nhiên, theo một số chủ đầu tư dự án điện sinh khối, Chính phủ vẫn cần tiếp tục có những cơ chế hỗ trợ linh hoạt hơn nữa để phát triển năng lượng sinh khối.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 08/2020/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 24/2014/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối tại Việt Nam, trong đó sửa đổi quy định giá mua điện đối với dự án điện sinh khối.

Cụ thể, đối với các dự án đồng phát nhiệt - điện (sản xuất cả điện và nhiệt), biểu giá mua điện tại điểm giao nhận là 1.634 đồng/kWh, tương đương 7,03 UScent/kWh. Đối với các dự án không phải đồng phát nhiệt - điện, biểu giá mua điện tại điểm giao nhận là 1.968 đồng/kWh, tương đương 8,47 UScent/kWh (tính theo tỷ giá trung tâm của VND với USD được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố ngày 21-2-2020). Các dự án điện sinh khối đã vận hành phát điện trước thời điểm ngày 5-3-2020 được áp dụng mức giá mua điện nêu trên kể từ ngày 25-4-2020 cho thời gian còn lại của hợp đồng mua bán điện đã ký.